05/03/2006 04:28 GMT+7

Sự im lặng lộng lẫy

LÊ ĐỨC DỤC
LÊ ĐỨC DỤC

TTCN - Võ Xuân Huy có tranh trưng bày từ khi còn là sinh viên Đại học Nghệ thuật Huế, đã có nhiều triển lãm trong và ngoài nước.

zhpTpP9M.jpgPhóng to
TTCN - Võ Xuân Huy có tranh trưng bày từ khi còn là sinh viên Đại học Nghệ thuật Huế, đã có nhiều triển lãm trong và ngoài nước.

Quê Huy (làng Thủy Ba, xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị) có một ngôi làng trứ danh thiên hạ với cái nghề ít nơi nào có: nghề... bắt cọp. Cái khí chất quyết liệt ấy của người Thủy Ba lặn vào máu thịt con dân của làng dù họ đi đâu, làm nghề gì.

Và Vĩnh Thủy vẫn còn những mảnh ruộng được giữ lại như chứng tích chiến tranh, bởi trên đó chi chít những hố bom mà màu đất trong lòng cứ ứa đỏ rưng rưng. Huy đã mang quê nhà của mình vào những bức tranh bột màu đầu tiên của thời trai trẻ, và bây giờ là những bức sơn mài lặng im mà lộng lẫy, đang bày ở gallery Son (36 Chu Văn An, Huế), cái phòng tranh của Huy và người học trò Võ Việt Dũng vừa khai trương nhưng hứa hẹn sẽ là một địa chỉ mỹ thuật ấn tượng ở cố đô.

Nếu đã xem những Quê 1, Quê 2, Chăn trâu, Mùa vàng... của Huy cách nay mười năm và những Giếng làng, Hoa cỏ, Đất và nước... của hôm nay mới nhận ra quê nhà trong Huy đã trầm tích những tầng vỉa mới. Trong tranh Huy hôm nay, ám ảnh về những hố bom lở lói năm xưa vẫn ẩn hiện đâu đó nhưng mạnh mẽ hơn lại là những giếng làng của hôm nay - những gương nước tựa con mắt quê nhà nhìn lên bầu trời thẳm cao của vùng giới tuyến, đã làm công việc băng bó những thương tích cũ. Cái sắc màu “đông phương mới” thật thuần khiết trong tranh Huy hôm nay chính là sự thăng hoa của sắc màu đất đai khốc liệt và lam lũ quê nhà.

Tôi biết Huy đã lặn lội ngược tàu ra Bắc, lên tận làng Dị Nậu, huyện Tam Nông (Phú Thọ) để gặp những người trồng cây sơn mà nhựa cây làm nên chất liệu sơn mài truyền thống, để thấu cảm được những nhọc nhằn của người nông dân trung du khi chắt chiu hứng từng giọt sơn cho những tác phẩm sơn mài đậm hồn Việt. Huy đã thể hiện niềm biết ơn những nông dân làng Dị Nậu bằng cách bày trong triển lãm những vật dụng của nghề trồng và lấy nhựa cây sơn, có cả những tấm ảnh anh chụp kể về công việc gian lao của họ.

Nếu “sơn son thếp vàng” là cách người xưa tôn vinh vẻ đẹp cao quí, sang trọng thì “Son” của Huy cũng là màu đất quê nhà thương khó, và như một niềm hi vọng (“đỏ như son”) cho gallery của thầy và trò.

LÊ ĐỨC DỤC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên