22/02/2012 08:37 GMT+7

"Sứ giả" của ông tơ bà nguyệt

ĐÀO QUANG BẮC  (Huế)
ĐÀO QUANG BẮC  (Huế)

TTC - Nhờ mái tóc bạc, vóc người giấu nạc khoe xương và vài lần “cương” vai MC tiệc cưới trong làng nên tôi đã được người cho thuê đồ cưới mời hợp tác. Chính xác là anh ta thuê tôi làm chủ hôn các đám cưới có lập bàn lễ tơ hồng, một nghi lễ xưa đang được tái dựng trong các đám cưới ở quê tôi.

Để chuẩn bị vào nghề, tôi tìm đến nhiều cựu trào học hỏi lễ nghi. Đầu tiên là ông ngoại xấp nhỏ - người trước đây đã từng áo thụng, mũ tế hành lễ ở đình làng - chỉ cho tôi cách lên đèn, thắp hương, rót rượu… sao cho đèn sáng đều hai ngọn, hương phải ngay ngắn giữa bình, rượu phải sủi tăm khi rót.

Mọi thao tác, kể cả lúc vén tay áo thụng, đều phải đĩnh đạc khoan thai. Cô tôi - người đã nhiều lần khẳng định “nhịn ăn 3 ngày không chết, nhưng nhịn trầu nửa buổi là hết hơi”- dạy tôi cách cầm dao bổ trái cau, cắt lá trầu sao thành hai nửa đều nhau mà vẫn dính với nhau. Đừng để chúng rời nhau là điềm không hay cho đôi lứa.

Để thuần thục thao tác trước khi ra quân, tôi mượn áo thụng, khăn xếp, đồ tế khí cúng tơ hồng đem về đóng kín cửa phòng luyện tập, rồi qua nhà cô tôi học “xử lý” cau trầu. Cau cả cây, tha hồ mà bổ. Trầu cả giàn, thỏa sức mà têm. Vì cô tôi là cái máy xay trầu - như lời dượng tôi nói lén - nên chả sợ lãng phí cau trầu thực tập.

Nhưng đến bài văn khấn ông Tơ bà Nguyệt thì tôi bó tay. Bố vợ tôi và các cụ cao niên khác đều lắc đầu. Họ chỉ biết các bài văn khấn tổ tiên, tất niên, giao thừa... Chưa ai đi sâu vào “chuyên ngành” này cả. Đang bí rị muốn bỏ cuộc thì bỗng chợt nhớ câu cửa miệng của giới trẻ ngày nay: “Dân ta phải biết sử ta, cái gì chưa biết thì tra Gu-gồ”. Thật diệu kỳ, chỉ sau vài thao tác đơn giản, thằng cháu tôi đã lấy được cho tôi bài văn khấn tơ hồng nghiêm chỉnh. Thế là hành trang vào nghề của tôi có sự góp tay của cả nam, phụ, lão ấu…

Hôm “ra quân” đám cưới đầu, tôi run quá trời. Tôi tự trấn an “bình tĩnh, bình tĩnh”. Đáng lẽ phải xin ông bà Tơ Nguyệt xe duyên cho đôi lứa, tôi lại lẩm bẩm cầu xin cho mình được bình tĩnh, đừng run... Thế rồi không biết bằng cách nào tôi đã lên đèn, thắp hương, rót rượu, bổ cau, cắt trầu, quì khấn...

Nhưng vì quá căng thẳng nên tôi quên bài văn khấn đã thuộc làu hơn cháo. Chỉ còn lõm bõm câu nhớ câu quên. Tôi xuýt xoa, ngân nga, lên bổng (câu nào nhớ), xuống trầm đến không thành tiếng (câu nào quên). Tôi thầm nghĩ ông Tơ, bà Nguyệt chắc cũng cười xòa, xí xóa bỏ qua. bài bản, chuyên nghiệp vậy chắc không ai biết mình mất bình tĩnh. Nhưng tôi đã lầm. Vợ tôi bảo: “Lúc làm lễ tay ông run như bị bệnh Pắc-kin-sân, mặt ông trắng bệch như hình nhân thế mạng. Thấy ghê!” Thì ra ai cũng biết, chỉ có mình là không biết mình… run.

Cho đến nay “tay nghề” đã thuần thục. Có gặp vài sự cố nhưng cũng mau qua. Riêng có lần hội ý với bà quả phụ mẹ cô dâu là khiến tôi đau đầu nhớ mãi. Số là, gần làm lễ, giàn loa còn phát nhạc xập xình inh ỏi. Mẹ cô dâu phải ghé sát tai tôi hỏi: “Thế lát nữa tôi có phải lễ ở bàn Tơ Hồng không bác?”.

Tôi cũng phải ghé sát mặt bà ta để trả lời: “Không! Chỉ cô dâu chú rể lễ ở đây thôi”. Thế là “tình ngay” thì không ai nghe được mẩu đối thoại nghiêm chỉnh. “Cảnh gian” thì ai cũng thấy hai mặt sát nhau. Thế mới đau! Sau đám cưới, tôi phải thanh minh với vợ muốn gãy lưỡi mới ổn định được tình hình băng giá.

Nghề này chỉ thu nhập làng nhàng. Nhưng được bắc nhịp cầu kết nối hạnh phúc cho những lứa đôi thì niềm vui còn quý nhiều hơn thu nhập. Tôi tự nhủ sẽ làm sứ giả cho ông Tơ bà Nguyệt đến khi nào tiếng nói phều phào như “sú-páp” mất hơi (bởi hàng tiền đạo bị nghỉ chơi vì thẻ đỏ) tôi mới hết làm.

FhNi23Bv.jpgPhóng to
Tuổi Trẻ Cười số Tân Niên (số 445) ra ngày 01/02/2012 hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

Chúc bạn đọc có thật nhiều thời gian thư giãn thoải mái!

ĐÀO QUANG BẮC  (Huế)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên