28/11/2004 07:10 GMT+7

Sử dụng năng lượng tái tạo

QUỐC THANH
QUỐC THANH

TTCN - TP.HCM tiêu thụ hơn 1/3 năng lượng của cả nước; mức tiêu thụ năng lượng đang tăng trưởng nhanh hơn tăng trưởng GDP gấp 1,4 lần. Điều này nói lên thực trạng mức độ phụ thuộc lớn của kinh tế thành phố vào các nguồn năng lượng truyền thống.

be5f0BC5.jpgPhóng to
Đang lắp đặt trạm điện mặt trời tại sóc Suối Đá - Bình Phước
TTCN - TP.HCM tiêu thụ hơn 1/3 năng lượng của cả nước; mức tiêu thụ năng lượng đang tăng trưởng nhanh hơn tăng trưởng GDP gấp 1,4 lần. Điều này nói lên thực trạng mức độ phụ thuộc lớn của kinh tế thành phố vào các nguồn năng lượng truyền thống.

Các nhà khoa học phân tích rằng nếu có sự biến động lớn về giá năng lượng thế giới thì “chúng ta sẽ bị ảnh hưởng ở mức độ khuếch đại”. “Điều này cho hay cung cách TP.HCM sử dụng năng lượng không những có ảnh hưởng trực tiếp tới sức cạnh tranh của nền kinh tế mà còn ảnh hưởng tới an toàn năng lượng của cả nước”. Và lẽ dĩ nhiên “nếu không tập trung phát triển năng lượng mặt trời thì trước mắt bị lãng phí năng lượng và về lâu dài khó có thể phát triển bền vững được”.

TS Lê Hoàng Tố - giám đốc Trung tâm Năng lượng mới và phát triển nông thôn - bức xúc nói: “TP.HCM có tỉ lệ điện khí hóa bằng lưới điện cao nhất nước, gần 100% xã được điện khí hóa, nhưng điều này không đồng nghĩa với việc tất cả người dân ở thành phố này đều có điện sử dụng”.

Bà dẫn chứng: Cần Giờ là huyện chiếm 2/3 diện tích của thành phố này, lại là nơi nghèo nhất, có bảy xã trong đó có xã Thạnh An (gồm đảo Thạnh An và thôn Thiềng Liềng, Cán Gáo) đều chưa có điện lưới quốc gia vì bị ngăn cách bởi biển. Đó là chưa kể đến địa bàn 40.000ha rừng phòng hộ với hơn 700 hộ dân sinh sống và làm ăn trong vùng này không biết bao giờ sẽ có điện. Bà nhấn mạnh: “Nhu cầu sử dụng năng lượng mới ở TP.HCM vẫn còn lớn, là vấn đề cần phải quan tâm giải quyết”.

Theo nghiên cứu của giới chuyên môn, TP.HCM là nơi có điều kiện thuận lợi để phát triển các dạng năng lượng mới: năng lượng mặt trời, năng lượng gió, khí sinh học. Giới khoa học đề nghị “đây là những nguồn tài nguyên quí giá của TP.HCM, nên nhận thức đầy đủ và khai thác tốt hơn”.

Cường độ bức xạ mặt trời ở TP.HCM khá cao: 5,2 kWh/m2/ngày, cao nhất là 6,6 kWh/m2/ngày vào tháng ba và thấp nhất là 4,3 kWh/m2/ngày vào tháng mười một. Số giờ nắng lại cao so với nhiều vùng khác, đến 2.299 giờ/năm.

Ngoài ra, đảo Thạnh An (Cần Giờ) là xã đảo duy nhất của TP.HCM chưa có điện lưới quốc gia, nhưng lại là nơi có tiềm năng ứng dụng năng lượng gió lớn nhất ở thành phố này. Đảo có diện tích 200m x 2.000m, với hơn 4.500 dân (khoảng 800 hộ) sinh sống, “nhưng hệ thống phát điện bằng máy phát diesel hiện nay không tiện dụng và kém hiệu quả, ngành điện thường xuyên phải bù lỗ”.

Trong khi đó TS Bùi Tuyên - Trung tâm Nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM - cũng dẫn ra một con số tính toán khiến nhiều người không khỏi giật mình: “Khu vực TP.HCM được thiên nhiên ưu đãi hơn so với rất nhiều khu vực khác. Năng lượng mặt trời chiếu xuống TP.HCM là nguồn năng lượng khổng lồ. Trung bình mỗi ngày thành phố này nhận được một lượng bức xạ mặt trời khoảng 27 tỉ MJ (7,5 tỉ kWh), tương đương với lượng điện cả nước sản xuất ra trong một quí - một lượng đủ cho tổng nhu cầu năng lượng của cả thành phố trong vòng hai tháng”. Và điều quan trọng hơn cả là nguồn năng lượng này lại tái tạo vô tận và là sạch nhất trong tất cả các dạng năng lượng.

Dt7fqnKd.jpgPhóng to
Qui trình đóng vỏ module pin mặt trời tại phòng TN Solarlab (TPHCM)
Với TP.HCM, có thể nói năng lượng mặt trời đóng góp 0% trong công nghiệp, ngoại trừ một vài ngành qui mô nhỏ như sản xuất gạch ngói, ván ép...”. Ông dí dỏm: “Chỉ còn lại vai trò của ánh nắng trong việc sấy khô quần áo trong mỗi gia đình ở nội thành. Còn ở vùng ngoại thành, nơi sản xuất nông nghiệp đang là hoạt động kinh tế chủ yếu thì năng lượng mặt trời vẫn đóng vai trò quan trọng, nhưng cách thức sử dụng cũng không khác bao nhiêu so với những thế kỷ trước”.

Ông Trịnh Quang Dũng - Solarlab Phân viện Vật lý TP.HCM, Viện Khoa học công nghệ VN - cho biết đưa điện mặt trời hỗ trợ điện lưới là một chính sách lớn trong chương trình phát triển bền vững toàn cầu. Mục tiêu 15-20% năng lượng mới, trong đó có điện mặt trời, sẽ thay thế năng lượng truyền thống vào năm 2015 đã được hoạch định ở các quốc gia tiên tiến, mà đi đầu là Đức. Ở VN vấn đề này còn rất mới mẻ.

Tuy nhiên, Solarlab đã nghiên cứu những bước đầu tiên về công nghệ mạng điện cục bộ - Madicub - nhằm đưa điện mặt trời vào ứng dụng ngay tại TP.HCM, phục vụ phụ tải điện cho Nhà nước và phục vụ điện giá rẻ dành cho người dân. Nguyên lý công nghệ, mô hình ứng dụng và các kết quả nghiên cứu ban đầu cho phép ta nghĩ tới một tiềm năng to lớn của điện mặt trời trong tương lai.

Ông Dũng dẫn chứng trường hợp một biệt thự ở quận Tân Bình (TP.HCM) sử dụng mạng Madicub đầu tiên đã được Solarlab thực hiện. Trung bình dàn pin mặt trời cung cấp được một lượng 300 kWh/tháng và mua được một lượng điện giá rẻ tương đương. Nếu tính trung bình nhà điện mặt trời này đã phụ tải được cho lưới điện quốc gia 300 kWh/tháng, đặc biệt vào giờ cao điểm. Theo ông Dũng, “nhà điện mặt trời” cần được nghiên cứu và có chính sách ưu tiên để có thể ứng dụng rộng rãi.

Trong khi đó, TS Nguyễn Thế Bảo - Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TP.HCM - cho biết trong khuôn khổ chương trình hợp tác và phát triển năng lượng gió VN, các nhà khoa học nước ta và Đan Mạch khảo sát cơ sở hạ tầng, đánh giá các số liệu đo gió của Cần Thạnh (Cần Giờ), lựa chọn địa điểm để xây dựng trạm đo gió tự ghi tại Thạnh An, Cần Thạnh và tổ hợp gió - diesel công suất 150 - 170 kW cho xã đảo Thạnh An.

Dự án được UBND TP phê duyệt. “Nhưng rất tiếc sau đó với lý do nhu cầu sử dụng điện của xã đảo Thạnh An tăng nên công suất 150 kW không đủ, dự án dừng lại nửa chừng. Đấy là một điều rất đáng tiếc vì xã đảo Thạnh An là một trong những nơi có tiềm năng về năng lượng gió, trong khi phát điện hoàn toàn bằng máy diesel vừa rất tốn kém, vừa gây ô nhiễm...”.

TS Nguyễn Thế Bảo cho biết theo tính toán với tuôcbin loại V27 của Đan Mạch, hằng năm có thể phát ra lượng điện 235.414 kWh. Và nếu lắp đặt 10 tuôcbin loại này dọc bờ biển của xã đảo Cần Thạnh và hòa lưới điện, hằng năm có trên 2,3 triệu kWh điện từ năng lượng gió.

QUỐC THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên