Rất nhiều bạn đọc băn khoăn, e ngại trước thông tin này, liệu sử dụng ĐTDĐ tại cây xăng có thực sự gây cháy nổ ?. Vì vậy, chúng tôi đã tham khảo một số chuyên gia trong ngành về vấn đề này.
PGS.TS Nguyễn Chấn Hùng, Khoa Điện tử viễn thông - Đại học Bách Khoa Hà Nội, cho biết: ĐTDĐ ở chế độ im lặng có công suất thấp nên không ảnh hưởng đến môi trường xung quanh nhưng khi điện thoại hoạt động, sóng phát ra từ bản thân điện thoại lẫn trạm thu phát sóng (BTS) đều rất cao; thậm chí, công suất sóng của điện thoại lúc này có thể lên đến 1W. Tuy công suất này khác công suất điện năng để chạy thiết bị điện nhưng trong thông tin liên lạc thì đây là bước sóng mạnh tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Và tùy thuộc vào các nhà mạng, loại điện thoại khác nhau để có các công suất khác nhau nhưng nếu so sánh công suất sóng khi máy điện thoại hoạt động với công suất máy khi không dùng thì công suất này có thể gấp vài trăm lần.
Trong trường hợp cây xăng cháy do sử dụng điện thoại, có thể là do sóng điện thoại mạnh tác động đến mạch điện tử làm phát ra tia lửa điện. Bản thân tia lửa điện này rất nhỏ nhưng vì hơi xăng bay và phát tán trong môi trường xung quanh nên nguy cơ bén lửa rất cao.
PGS.TS Lê Văn Hiếu, bộ môn Công nghệ lọc hóa dầu - Viện Kỹ thuật hóa học cho biết: Xăng có nồng độ cháy khá thấp, chỉ cần có khoảng 5% hơi xăng trong không khí là có thể đã bắt lửa cháy. Vì thế, nguy cơ cháy nổ ở cửa hàng bán xăng dầu là rất cao do xăng bay hơi ra ngoài trong quá trình bơm xăng. Hiện nay, các cơ quan chủ yếu cấm nghe điện thoại trong cửa hàng còn chưa chú ý đến các yếu tố xung quanh. Để an toàn, người dân nên gọi/nghe điện thoại cách cột bơm xăng ít nhất 50m.
PGS.TS Lê Văn Hiếu cũng chia sẻ thêm, chỉ cần điện thoại đổ chuông là đã có nguy cơ bởi mạch sẽ bắt tín hiệu và phát ra tia lửa điện. Còn máy đổ chuông nhưng để trong túi quần thì an toàn cao, do cách biệt với hơi xăng. Ngoài ra, khi trời mưa, sấm chớp mà chúng ta gọi điện hay nghe điện thoại gần cây xăng thì rất nguy hiểm. Còn trường hợp gọi hay nghe điện thoại ở cây xăng mà xảy cháy nổ là do hơi xăng tích tụ đến một mật độ nhất định thì chỉ cần một tia lửa điện rất nhỏ cũng gây cháy nổ. Hơi xăng mà tích tụ được là do vùng đó, không gian đó không thông gió hoặc thông gió kém. Những phân tử xăng này không thể nhận biết bằng cảm quan, do đó để đảm bảo an toàn, không nên gọi điện hay nghe điện thoại cũng như hút thuốc lá gần cây xăng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận