![]() |
Hiện trường lún sụt đất gần chung cư Bùi Viện do công trình xây dựng cao ốc 102 Cống Quỳnh gây ra. |
TP.HCM: thêm một sự cố lún sụt do thi công tầng hầm
Tại hội thảo khoa học góp ý đề án qui hoạch thủy lợi phục vụ việc tìm kiếm giải pháp chống ngập úng, phó giáo sư - tiến sĩ Lê Văn Trung (Trung tâm địa - tin học Trường ĐH Quốc gia TP.HCM) cho biết tình hình khai thác sử dụng nước ngầm tại TP.HCM hiện đã vượt mức 600.000m3/ngày, trong khi lượng bổ sung chỉ 200.000m3/ngày. Sự mất cân đối trên làm giảm mực nước ở các tầng, cùng với sự phát triển nhanh của các công trình xây dựng trên mặt đất đã gây biến dạng về mặt địa hình (lún đất).
Nền đất: mỗi năm lún 6mm
Theo PGS.TS Lê Văn Trung, quá trình quan sát tại các giếng nước vừa qua cho thấy ở nhiều nơi có hiện tượng trồi ống từ 10-25cm. Cụ thể như khu vực Khu công nghiệp Tân Tạo (Q.Bình Tân) độ cao trồi ống là 25cm, khu vực phường 10 (Q.6) là 11cm, trạm quan trắc Q.Bình Tân là 22cm… |
Kỹ sư Phan Phùng Sanh, phó chủ tịch thường trực Hội Khoa học kỹ thuật xây dựng TP.HCM, cho rằng việc khai thác nguồn nước ngầm quá mức sẽ làm rỗng nền, khiến đất khu vực bị yếu. Nếu để bình thường, không có sự tác động nào khác thì nền đất khu vực sẽ lún từ từ tùy theo sức nặng của công trình trên mặt đất. Nhưng khi đào móng xây dựng các công trình ngầm thì áp lực xung quanh bị mất cân bằng, dẫn đến sụt lún nền đất. Công trình đào càng sâu mức độ nguy hiểm càng cao. Do vậy khi thi công các công trình thường phải làm tường chắn. Nhưng thực tế không phải công trình nào cũng khảo sát, thăm dò địa chất khu vực để có giải pháp thích hợp trước khi thi công.
Theo ông Sanh, nước ngầm là nguồn tài nguyên của quốc gia nhưng hiện nay việc quản lý chưa chặt, khai thác còn tùy tiện. Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài thì nền đất ở các khu vực sẽ lún sâu hơn, ảnh hưởng nhiều đến các công trình xây dựng. Ông đề nghị cơ quan chức năng cần quản lý chặt việc khai thác nguồn nước ngầm, vừa để tiết kiệm nguồn tài nguyên này, vừa hạn chế nền đất bị lún.
Tương tự, tiến sĩ Lê Long, chuyên gia ngành cấp thoát nước, nhận định việc khai thác nước ngầm quá mức là một trong những nguyên nhân gây lún và ảnh hưởng đến các công trình xây dựng.
Cần có đề tài nghiên cứu
Trong khi đó, theo một cán bộ Liên đoàn địa chất thủy văn - địa chất công trình miền Nam, việc lún nền đất có thể do nhiều nguyên nhân chứ không riêng việc khai thác nước ngầm. Nếu lượng nước ngầm khai thác nhiều hơn lượng nước bổ sung thì có thể gây ra lún nền đất nhưng mức độ lún không đáng kể. Cán bộ này dẫn chứng: một nhà máy khai thác công suất 20.000-30.000m3/ngày thì mỗi năm gây lún khoảng vài milimet tùy địa chất từng khu vực. Chưa kể việc khai thác nước ngầm khối lượng lớn thường khoan ở độ sâu cả trăm mét, trong khi việc đào móng xây dựng tầng ngầm chỉ sâu vài chục mét thì khó có thể ảnh hưởng. Cán bộ này nói việc gây lún sụt tại các công trình là do khâu khảo sát, thi công chưa tốt.
Một chuyên gia ngành xây dựng nêu ý kiến cho dù nền đất có lún đi chăng nữa thì nguyên tắc khi xây dựng công trình, chủ đầu tư phải thăm dò, khảo sát kỹ địa chất khu vực và có giải pháp xử lý thích hợp. Theo chuyên gia này, quan trọng là thiết kế công trình phải đảm bảo an toàn, thi công phải làm đúng theo thiết kế được duyệt, đúng giấy phép xây dựng. Thực tế thời gian qua cho thấy rất nhiều công trình thi công sai so với thiết kế, sai giấy phép. Đó là nguyên nhân chính dẫn đến sự cố tại các công trình.
Đồng tình với ý kiến trên, thạc sĩ Hồ Long Phi - giảng viên bộ môn kỹ thuật tài nguyên nước, Đại học Bách khoa TP.HCM - cho rằng sự cố các công trình vừa qua chủ yếu do biện pháp thi công của các đơn vị chưa bảo đảm an toàn. Công trình Pacific là một minh chứng. Hiện mặt đất và mạch nước ngầm phía dưới công trình này đang chịu một tải trọng quá lớn từ các công trình xây dựng. Chính điều này tạo cho mạch nước ngầm một áp lực lớn. Khi tiến hành đào hố móng để thi công các công trình mà không có biện pháp chặn nước ngầm từ bên ngoài xâm nhập làm mất cân bằng áp lực, dẫn đến những sự cố trong xây dựng như vừa qua.
Tuy nhiên, ông Phi cho rằng trong thời gian tới việc xây dựng các công trình cao tầng (có tầng hầm) ngày càng nhiều. Vì vậy cần thiết phải có một nghiên cứu thật cụ thể về nguyên nhân dẫn đến những sự cố vừa qua, từ đó đề ra các giải pháp cụ thể. Ông Long gợi ý: TP có thể giao Sở Khoa học - công nghệ hoặc các trường đại học nghiên cứu vấn đề này. Kết quả của nghiên cứu không chỉ giúp các đơn vị thi công tránh những sự cố tương tự, mà còn giúp các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác kiểm tra, giám sát các công trình xây dựng nhà cao tầng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận