26/08/2009 06:15 GMT+7

Spinoza

JOSTEIN GAARDER
JOSTEIN GAARDER

TTO - Họ yên lặng một lúc lâu. Rồi Sophie mở đầu, cố kéo tâm trí Alberto ra khỏi những gì vừa xảy ra.

…Chúa Trời không phải là một nghệ sĩ múa rối…

VwVr3q8P.jpgPhóng to
TTO - Họ yên lặng một lúc lâu. Rồi Sophie mở đầu, cố kéo tâm trí Alberto ra khỏi những gì vừa xảy ra.

“Descartes hẳn là một người kỳ quặc. Ông ta có nổi tiếng không ạ?”

Alberto hít thở sâu một vài giây trước khi trả lời: “Ông ta đã có ảnh hưởng rất lớn. Có lẽ đã có ảnh hưởng lớn nhất đối với một nhà triết học vĩ đại khác - Baruch Spinoza, người đã sống trong khoảng thời gian từ năm 1632 đến 1677.”

“Có phải thầy sắp kể cho em nghe về ông ấy không ạ?”

“Đúng là tôi định như vậy. Và chúng ta sẽ không bị ngắt quãng bởi các khiêu khích quân sự.”

“Em đang nghe đây.”

“Spinoza thuộc về cộng đồng Do Thái ở Amsterdam. Nhưng ông đã bị rút phép thông công vì tội tà giáo. Ngay cả sau này, ít có nhà triết học nào bị trừng phạt nặng vì tư tưởng của mình như ông. Chuyện xảy ra là vì ông đã phê phán các tôn giáo đã được chính thức hóa. Ông tin rằng Ki Tô giáo và Do Thái giáo tồn tại được chỉ là nhờ vào tín lý cứng nhắc và các nghi lễ bề ngoài. Ông là người đầu tiên áp dụng cái ta gọi là sự giải nghĩa mang tính lịch-sử-phê-phán về Kinh Thánh.”

“Thầy giải thích đi ạ.”

“Ông phủ nhận rằng Kinh Thánh đã được linh ứng bởi Chúa Trời đến từng chi tiết. Ông nói rằng khi đọc Kinh Thánh, ta phải liên tục lưu ý đến thời đại mà nó được viết ra. Đọc theo kiểu ‘phê phán’ như cách ông đề ra sẽ làm lộ ra nhiều điểm không thống nhất trong nội dung. Nhưng ở sâu trong những lời kinh Tân Ước là Jesus, người có thể được gọi là phát ngôn viên của Chúa Trời."

"Như vậy, học thuyết của Jesus thể hiện một sự giải phóng ra khỏi Do Thái giáo chính thống. Jesus thuyết giáo về một ‘tôn giáo của lý tính’, nó đánh giá tình yêu cao hơn mọi thứ khác. Spinoza giải thích rằng đó là cả tình yêu Chúa Trời và tình yêu nhân loại. Tuy nhiên, Ki Tô giáo cũng đã trở nên đóng kín trong các giáo điều cứng nhắc và các nghi lễ bề ngoài của nó.”

“Em không cho rằng điều này dễ nuốt đối với nhà thờ Ki Tô giáo hay Do Thái giáo.”

“Khi mọi chuyện trở nên thật sự nghiêm trọng, Spinoza thậm chí bị chính gia đình mình từ bỏ. Họ đã cố truất quyền thừa kế của ông dựa vào tội danh tà giáo. Nhưng nghịch lý là ở chỗ: ít người phát biểu về tự do ngôn luận và bao dung tôn giáo mạnh mẽ được như ông. Sự phản đối mà ông gặp phải từ mọi phía đưa ông đến chỗ theo đuổi một cuộc sống ẩn cư yên tĩnh và dành hoàn toàn tâm ý cho triết học. Ông sống một cuộc sống nghèo khổ bằng nghề mài kính, một vài thấu kính trong số đó đã trở thành tài sản của tôi.”

“Thật ấn tượng!”

“Việc ông sống bằng nghề mài kính gần như có một ý nghĩa biểu tượng. Một nhà triết học phải giúp mọi người nhìn cuộc sống từ một góc độ mới. Một trong những trụ cột của triết học Spinoza chính là nhìn sự vật từ góc độ của vĩnh cửu.”

“Góc độ của vĩnh cửu?”

“Đúng vậy, Sophie à. Em có cho là em có thể hình dung được cuộc đời của em trong một hoàn cảnh vũ trụ không? Em sẽ phải thử hình dung bản thân em và cả cuộc đời của em trong một khoảnh khắc...”

“Hừm… chẳng dễ chút nào.”

“Lưu ý rằng em chỉ đang sống một phần tí xíu trong sự sống của cả thiên nhiên. Em là một phần của cái toàn thể vĩ đại.”

“Chắc là em đã hiểu ý thầy…”

“Em có thể cảm thấy nó không? Em có thể tri giác được cả thiên nhiên, hay thực ra là cả vũ trụ, trong một nháy mắt không?”

“Em nghi ngờ lắm. Chắc em cần mấy cái thấu kính.”

“Tôi không có ý chỉ nói về sự vô tận của không gian. Tôi muốn nói cả về sự vĩnh cửu của thời gian nữa. Ngày xửa ngày xưa, ba mươi nghìn năm trước, có một cậu bé sống ở thung lũng sông Rhine, cậu là một phần nhỏ xíu của thiên nhiên, một gợn sóng tí xíu trên biển cả vô tận. Cả em nữa, Sophie à, em cũng đang sống một mẩu nhỏ xíu của sự sống thiên nhiên. Giữa em và cậu bé đó chẳng có gì khác nhau.”

“Ngoại trừ việc hiện giờ em đang sống.”

“Phải, nhưng đó chính là cái mà tôi muốn em thử hình dung. Ba mươi nghìn năm nữa, em sẽ là ai?”

“Đó là tà giáo ạ?”

“Không hoàn toàn… Spinoza không chỉ nói rằng mọi thứ đều là thiên nhiên. Ông đồng nhất thiên nhiên với Chúa Trời. Ông nói Chúa Trời là tất cả, và tất cả là Chúa.”

“Như vậy ông ấy là người theo thuyết phiếm thần.”

“Đúng vậy. Đối với Spinoza, Chúa Trời không tạo ra thế giới để đứng bên ngoài nó. Không, Chúa Trời là thế giới. Đôi khi, Spinoza diễn đạt theo cách khác. Ông khẳng định rằng thế giới ở trong Chúa. Khi nói vậy, ông dẫn lời bài diễn thuyết của Thánh Paul trước những người thành Athens trên đồi Areopagos: ‘Ta sống, chuyển động và tồn tại ở trong Ngài.’ Nhưng ta hãy lần theo lập luận của chính Spinoza. Cuốn sách quan trọng nhất của ông là cuốn Luân lý học - Diễn giải bằng Hình học .”

“Luân lý học - diễn giải bằng hình học?”

“Nghe có vẻ hơi kỳ quặc đối với chúng ta. Trong triết học, luân lý học nghiên cứu về cách cư xử có đạo đức để sống một cuộc sống tốt. Ý nghĩa này cũng dùng đến khi ta nói đến luân lý học của Socrates hay Aristotle chẳng hạn. Chỉ đến thời nay, luân lý học mới trở nên ít nhiều suy giảm thành một tập hợp quy tắc sống sao để không dẫm lên chân người khác.”

“Bởi vì chỉ nghĩ về bản thân thì được coi là ích kỷ, đúng không ạ?”

“Đại khái vậy. Khi dùng từ luân lý học, Spinoza có ý nói về cả nghệ thuật sống lẫn cách cư xử có đạo đức.”

“Kể cả như vậy… diễn giải nghệ thuật sống bằng hình học là thế nào?”

“Phương pháp hình học là thuật ngữ ông dùng để diễn đạt tư tưởng của mình. Chắc em còn nhớ Descartes đã muốn sử dụng phương pháp toán học cho việc tư duy triết học. Có nghĩa là một hình thức tư duy triết học được xây dựng từ các kết luận logic chặt chẽ. Spinoza là một phần của chính truyền thống duy lý này."

"Ông muốn luân lý học của mình chứng minh rằng cuộc sống của con người chịu ảnh hưởng của các quy luật phổ quát của thiên nhiên. Do đó, chúng ta phải giải thoát bản thân khỏi các cảm xúc và say mê của chúng ta. Ông tin rằng chỉ khi đó ta mới có thể tìm thấy sự hài lòng và hạnh phúc.”

“Chắc chắn là ta không bị chi phối hoàn toàn bởi các quy luật tự nhiên chứ ạ?”

“À, nắm bắt được triết học Spinoza không phải dễ. Ta hãy đi từng bước một. Chắc em còn nhớ Descartes đã tin rằng thực tại gồm có hai chất hoàn toàn phân biệt: tư duy và phần mở rộng.”

“Em quên thế nào được?”

“Từ ‘chất’ có thể được giải nghĩa là ‘cái mà một vật được cấu tạo từ đó’ hay cái là bản chất của vật đó, hay vật đó có thể được suy giảm thành nó. Từ đó, Descartes thực hiện việc tư duy với hai loại chất này. Mỗi thứ đều là tư duy hoặc phần mở rộng.

“Tuy nhiên, Spinoza không chấp nhận sự phân chia đó. Ông tin rằng chỉ có một chất. Mọi thứ tồn tại đều rút gọn về được một thực tại duy nhất mà ông gọi là Chất. Có lúc ông lại gọi đó là Chúa Trời hay thiên nhiên. Như vậy, Spinoza không có quan điểm nhị nguyên về thực tại như Descartes. Ta nói rằng, ông là người theo chủ nghĩa nhất nguyên. Có nghĩa là, ông rút gọn thiên nhiên và điều kiện của mọi thứ về một chất duy nhất.”

“Bất đồng quan điểm đến thế là cùng.”

JOSTEIN GAARDER
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên