20/05/2006 04:05 GMT+7

Sozo - tiệm bánh của những trái tim

PHẠM HỒNG VÂN
PHẠM HỒNG VÂN

TT - Một dự án công tác xã hội mang tên Sozo do những tình nguyện viên đến từ Anh, Mỹ thực hiện. Sozo không chỉ giúp những người nghèo khó, trẻ em đường phố VN mà nay đã có thêm một “phiên bản” mới dành riêng cho SV.

7F2e3YbK.jpgPhóng to
Phan Thị Thanh Nhàn (trái), nhân viên quán Sozo 2, đường Sư Vạn Hạnh (Q.10, TP.HCM) - Ảnh: PHI LONG
TT - Một dự án công tác xã hội mang tên Sozo do những tình nguyện viên đến từ Anh, Mỹ thực hiện. Sozo không chỉ giúp những người nghèo khó, trẻ em đường phố VN mà nay đã có thêm một “phiên bản” mới dành riêng cho SV.

Cách đây khoảng một năm rưỡi ở TP.HCM xuất hiện một tiệm bánh Tây lạ hoắc tên Sozo. Sozo là một doanh nghiệp nhỏ hoạt động để giúp các trẻ em đường phố và gia đình thoát khỏi nợ nần, được đi học... đầu tiên do hai cô gái Mỹ - Rachel Lutz và Tracy Tuning dành dụm tiền làm thêm, vận động gia đình và bạn bè vượt trùng khơi sang VN tổ chức.

Dự án của họ đến nay có thêm các tình nguyện viên đến từ Mỹ, Anh là Max Raabe, Marissa Caban, Jed Finley, Cindy Zuspan và khoảng 150 tình nguyện viên VN.

Kể về cuộc đời mình, cô Nguyễn Thị Phượng, nhân viên Sozo, cười buồn: cô sinh ra không biết cha mẹ mình là ai. Lưu lạc tới Sài Gòn rồi cũng có một gia đình và những đứa con. Mấy mẹ con bán bưu thiếp trên đường phố, bữa đói bữa no, bữa bị mất vốn. Vay tiền toàn với lãi cắt cổ nên quanh năm cả nhà cắm cúi trả nợ. Ước mơ duy nhất là thoát khỏi cái vòng ám ảnh: kiếm ăn - kiếm tiền trả nợ...

Cuộc sống trong mơ nay đã trở thành hiện thực: cô Phượng được Sozo cho mượn tiền trả dứt khoản nợ 4 triệu đồng, được cho mượn vốn mua một căn nhà nhỏ xíu gần mé sông Bình Lợi. Nghỉ bán bưu thiếp trên đường phố, giờ cô là bếp chính của Sozo. Niềm vui lớn nhất của người mẹ là cô con gái Nguyễn Thị Tuyết Nga (15 tuổi) từ nay không đi bán bưu thiếp trên đường phố nữa mà được đi học lớp 4 phổ cập.

Mỗi tuần cô Phượng được trả lương 300.000đ, đưa lại cho Sozo 50.000đ trả nợ (đến nay đã trả được 2 triệu), còn lại cô dùng cho gia đình và dành dụm. Cô Liên - một nhân viên khác của quán, còn tiết kiệm giỏi hơn: trong một năm tám tháng cô đã trả xong khoản nợ 5 triệu bằng tiền lương làm việc tại Sozo...

Cô Phượng, cô Liên là hai trong số năm gia đình nghèo đã được nhóm của Tracy và Rachel giúp đỡ từ quán Sozo.

Hai năm gắn bó với gia đình các trẻ em nghèo thông qua dự án của mình, cô bạn tóc xù Rachel tiếp xúc với rất nhiều sinh viên tình nguyện VN và nhận ra các bạn rất năng động. Bộ phận “đầu não” của Sozo - sáu bạn trẻ nước ngoài - nảy ra ý tưởng về một quán cà phê “Sozo 2” - nơi gặp gỡ, trao đổi văn hóa và luyện tiếng Anh cho các sinh viên VN.

Góc Anh ngữ (English corner) vào mỗi tối thứ sáu hằng tuần (từ 19g-21g) lúc nào cũng như không đủ chỗ. Bạn trẻ người Việt, người Mỹ xen kẽ nhau trong từng nhóm nhỏ. Đêm phim (Movie night) là lúc tất cả cùng xem và bình luận những bộ phim hay. English corner còn là nơi các bạn trẻ VN sống trong một sinh hoạt vì cộng đồng hoạt động hiệu quả để tự tin mình cũng có thể làm như vậy.

Rachel hay nói đến từ “big heart” (trái tim lớn), những trái tim biết yêu thương. Đó là Jed ngoài dạy tiếng Anh ở Hội Việt Mỹ túc trực luôn tại quán; là Jocelyn năn nỉ gia đình cho sang VN sáu tháng để thỏa lòng tình nguyện cùng bạn bè. Mô hình làm tình nguyện kiểu Sozo - hỗ trợ việc làm cụ thể - gặp gỡ nhiều tấm lòng bạn trẻ VN.

Huỳnh Thiên Phước Ân, quản lý quán, cũng là một bạn trẻ có hoàn cảnh khó khăn về với những trái tim lớn này tâm sự: “Giờ đã có tay nghề, kinh nghiệm quản lý nhưng dù có nơi khác trả lương cao hơn, mình vẫn ở lại với Sozo. Bạn Nguyễn Ngọc Diễm - sinh viên ngành ngữ văn Anh Đại học Sư phạm - một tình nguyện viên kỳ cựu tại Sozo - hào hứng: “Dao động với khoảng 60-150, lực lượng tình nguyện viên người VN tụi mình gắn bó với Sozo trong ngày tình nguyện của quán: đi dạy kèm trẻ em ở chợ Cầu Muối, thăm trẻ em ở mái ấm Thảo Đàn...”.

Sozo 1 ở Đề Thám và Sozo 2 ở Sư Vạn Hạnh trang trí giống hệt nhau. Max Raabe đã làm việc này với mong muốn Sozo sẽ được nhân bản nhiều ở TP.HCM như một hình thức franchising - kinh doanh nhượng quyền thương hiệu công tác xã hội. Biết đâu người thành phố sẽ kể cho nhau nghe về một câu chuyện cổ tích nồng ấm tình người của những bạn trẻ Mỹ - VN.

PHẠM HỒNG VÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên