31/12/2005 22:25 GMT+7

Sống trong sợ hãi chiếu trong... sợ hãi!

CẨM VINH
CẨM VINH

TTCN - Với phim truyền hình nhiều tập 12A&4H sinh động và cuốn hút về lứa tuổi học trò, đạo diễn trẻ Bùi Thạc Chuyên cho thấy khả năng làm phim thương mại, giải trí của anh.

UIU8Do8W.jpgPhóng to
qiLl8Kkq.jpg
Cảnh trong phim Sống trong sợ hãi

Song anh chàng đẹp mã, trông thật “sành điệu” này lại cho thấy sự sâu sắc khi thực hiện những phim về kiếp nhân sinh bị đọa đày: người đạp xích lô ở phim ngắn Cuốc xe đêm, người đào bom kiếm sống ở phim ngắn Tay đào đất và ở phim truyện nhựa Sống trong sợ hãi (*).

Như chàng hiệp sĩ Don Quichotte đánh nhau với cối xay gió, Bùi Thạc Chuyên cứ lừ lừ chăm bẵm những người lao động khốn khó mặc cho người khác chăn dắt các em người mẫu chân dài, những gái nhảy bán phấn buôn hương, những gã trai ẻo lả đồng tính, những đàn ông... mang bầu.

Phim Chuyên không lấp lánh những siêu sao ca nhạc, thời trang xiêm y rực rỡ; chỉ có những diễn viên bình dị, chân chất khoác bộ quân phục bạc màu, chiếc áo bà ba trễ nải... Phim Chuyên không lả lướt những ca khúc trữ tình, ướt át mà lại chát chúa tiếng thét cuồng nộ của tử thần ẩn trong bom, mìn lạnh lẽo.

Bị ám ảnh bởi mẩu tin trên một tờ báo nói về người đàn ông 35 tuổi ở Bình Thuận kiếm sống bằng nghề đào bom bán phế liệu, nhưng trí thông minh và nhu cầu phải sống không những cho anh miếng cơm manh áo mà còn giúp anh có đóng góp lớn cho cộng đồng khi biến hung thần đe dọa sự sống thành cục sắt vụn hiền lành, Chuyên hì hục viết kịch bản và đạo diễn bộ phim ngắn Tay đào đất.

Dường như chưa giải tỏa hết nỗi ám ảnh đẫm mùi thuốc súng về vùng đất và tay đào đất ấy, Chuyên mời tác giả Nguyễn Thị Minh Ngọc hợp tác cùng viết nên kịch bản Sống trong sợ hãi để có được nhân vật Tải, người lính Sài Gòn sau chiến tranh phải luôn sống trong sợ sệt nhưng cũng luôn tràn đầy khát vọng sống: sau mỗi lần đối mặt căng thẳng với tử thần, Tải lại mở hội yêu đương với hai người đàn bà gần gũi thân thương của mình.

Trong môi trường sống khắc nghiệt, bức bối bởi đất đai cằn cỗi, khí hậu thất thường, sự mưu sinh quá khốn khó ấy, tình người lại êm ái biết bao. Thuận, cô vợ cả của Tải, nhanh nhẹn, xốc vác, cương nghị, độ lượng, trong khi cô vợ lẽ của Tải tràn đầy sinh lực với một trái tim biết yêu thương. Ba nhân vật đại diện cho chính quyền mới (Uyên, Năm Đực, Hai Dân) dáng vẻ bề ngoài nghiêm nghị, sắt đá nhưng tận thẳm sâu tâm hồn rất mực tốt lành, vị tha.

Tải, tay đào bom thiện nghệ, cuối cùng đã chinh phục được thần chết hung hãn lẫn chính quyền mới ban đầu không mấy thiện cảm với anh: tiếng nổ ghê rợn cuối phim tan dần với khói bom mù mịt làm nền cho câu nói hồn nhiên, trong trẻo của bé Lanh, con gái lớn của Tải: “Bom nổ, bò chết chứ không phải ba”, cùng lúc đó trước mắt người xem hiện ra màu xanh mướt mát của luống rau, mầm sống đã trổ màu.

Khi Sống trong sợ hãi vừa ra mắt, giới chuyên môn và phóng viên văn nghệ các báo cùng nhất trí đánh giá đây là bộ phim hay, hấp dẫn, chân thực, có giá trị nghệ thuật cao. Phim được chiếu tại phòng chiếu số 4 Trung tâm Chiếu phim quốc gia của thủ đô Hà Nội, nơi từ ba năm nay được coi là “giáo đường cho phim ảnh nội” với những buổi tối cuối tuần của chương trình “Điện ảnh Việt Nam nhìn lại” khán giả đông vui.

Ban giám đốc trung tâm quyết định mua Sống trong sợ hãi với niềm tin rằng tháng 12-2005 này vắng bóng phim VN trên màn ảnh thủ đô, thế thì Sống trong sợ hãi sẽ là “của độc” không có đối thủ cạnh tranh, và sẵn có làn sóng khen ngợi phim trên báo chí đây sẽ là cơ hội bằng vàng để anh chàng Tải đào bom “quậy” tại các rạp ở thủ đô.

Song cũng không khác với các phim như Mê Thảo - thời vang bóng, Thời xa vắng, Mùa len trâu kén khán giả, Sống trong sợ hãi quá khó để thu hồi vốn! Và khán giả trẻ - những người làm nên bộ mặt của thị trường điện ảnh hôm nay - đã từ chối anh chàng Tải đen đủi như trong đoạn thoại thường thấy ở các phòng bán vé:

Khán giả: Sống trong sợ hãi có phải phim kinh dị, phim ma không?

Người bán vé: Không, phim tâm lý rất hay, rất cảm động.

- Phim về đương đại chứ?

- Không, phim về thời hậu chiến.

- Ôi dào, lại tâm lý, lại hậu chiến. Thôi, xem tốn tiền, mất thì giờ.

Rạp Fafilm Cinema dán apphich suốt 10 ngày để đón khách nhưng chưa chiếu được buổi nào. Rạp Tháng Tám gồng mình phục vụ vài buổi, mỗi suất chiếu lèo tèo dăm bảy người xem rồi buồn bã trả phim về kho khổ chủ. Trung tâm Chiếu phim quốc gia cứ bền bỉ xếp lịch chiếu, có sáu khán giả vẫn vui vẻ chạy máy.

Nhưng nghệ thuật thứ bảy ở xứ ta rồi sẽ ra sao với một tình hình thị trường đáng buồn như vậy?

(*) Hãng Phim truyện 1 sản xuất; kịch bản: Bùi Thạc Chuyên, Nguyễn Thị Minh Ngọc; đạo diễn: Bùi Thạc Chuyên; diễn viên: Trần Hữu Phúc, Hạnh Thúy, Mỹ Uyên.

CẨM VINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên