11/04/2013 06:06 GMT+7

Sông Lại ở Bồng Sơn

HỒ DIỄM KIỀU (GĐAT Quy Nhơn)
HỒ DIỄM KIỀU (GĐAT Quy Nhơn)

AT - Khi nhắc đến những con sông quê, người ta thường nghĩ ngay đến hình ảnh một dòng sông mềm mại uốn lượn quanh làng, như mẹ hiền dang tay ôm ấp, che chở đàn con.

Ne7a5pCf.jpgPhóng to
Minh họa: La Nguyễn Quốc Vinh

Tôi sinh ra tại một thị trấn nhỏ thuộc tỉnh Bình Định. Thị trấn Bồng Sơn nơi tôi ở cũng như bao thị trấn khác, với dáng vẻ như muốn trở thành cô gái thành thị nhưng vẫn chưa thể rũ bỏ hết lớp áo quê mùa. Bên cạnh những ngôi nhà bêtông sừng sững là những ngôi nhà mái ngói rêu phong, bên cạnh những con đường thơm mùi nhựa mới thẳng tắp là những con đường làng đất đỏ quanh co…

Dòng sông Lại mực nước chia theo hai mùa. Vào mùa hè dòng sông bình lặng nhè nhẹ trôi, xung quanh cây cỏ mọc tốt tươi. Xa xa, ở hai bên bờ sông những bãi đậu, bãi mía, bãi bắp xanh rì khe khẽ lay động theo từng cơn gió mùa hè. Trẻ con tha thẩn ra bãi sông chơi, hết rượt bắt lại trốn tìm, chơi chán lại rủ nhau bắt cá, những con cá lòng tong nhỏ gần bờ. Đấy là mùa mà dòng sông đẹp nhất. Lúc ấy, dòng sông như một cô thiếu nữ đương thì nằm tắm nắng, để lộ vẻ đẹp giản đơn, hoang sơ mà rất quyến rũ.

Ngược lại, khi mùa đông đến sẽ mang theo những cơn mưa bão của miền Trung. Mưa triền miên suốt mấy tháng. Gió lạnh ù ù thổi. Lòng sông trở thành một cái chảo lộ thiên chứa đựng tất cả nguồn nước từ khắp nơi đổ về. Mực nước dâng cao theo mật độ mưa. Lúc này, dòng sông như một hung thần quái ác, ầm ào dữ dội, nuốt mọi thứ từ cây cối, lợn gà và cả những người dân xấu số.

Nhưng cũng chính nhờ dòng nước đục ngầu mùa mưa bão ấy mà con sông đã bồi đắp thêm những doi đất phù sa màu mỡ, làm tốt tươi bao cây trái cho vụ sau. Chính nhờ dòng nước trĩu nặng phù sa sau cơn mưa bão, người dân sống hai bên bờ sông lại được mùa bưởi.

Ai về Phụ Đức, Trung LươngAi lên Thế Thạnh, An Thường buôn tơBưởi ngon ít có ai ngờQuà quê thưởng thức bao giờ cho quên

Những trái bưởi Trung Lương luôn căng mọng, sáng da và bên trong ngòn ngọt chua chua, vị ngọt mà rất thanh như tấm lòng hiếu khách của bà con thôn quê. Ăn không hết, người dân lại hái bưởi bán cho các thương buôn. Và nếu có dịp ghé ngang thị trấn Bồng Sơn ngay chân cầu Bồng Sơn, mời bạn dừng chân ăn thử miếng bưởi Trung Lương thơm ngọt. Nhìn người bán liền tay gọt bưởi, khi trao cho khách không quên nụ cười thân thiện, bao mệt nhọc dọc đường dường như tan biến. Ngồi trên xe nhấm nháp vị ngòn ngọt chua chua của bưởi, ai nỡ lòng quên những giọt mồ hôi và tình cảm của người dân quê tôi.

Bắc qua dòng sông Lại là cây cầu Bồng Sơn có độ tuổi xấp xỉ tuổi ba má tôi, là cây cầu dài thứ hai ở miền Trung. Tồn tại qua bao năm tháng, trải qua bao mưa nắng, cây cầu giờ đã già cỗi và không giấu nổi vẻ mệt mỏi. Cầu đã được thay thế bởi một cây cầu mới bắc song song, ngày ngày xe cộ qua lại tấp nập. Cây cầu cũ vẫn tồn tại ở đó nhưng thưa người qua lại. Một con đê được dựng nên. Hai bên bờ đê những quán bán thức ăn dân dã mọc lên, hấp dẫn bao nhiêu thực khách. Chiều trên bờ đê là nơi tụ tập của rất đông người: người lớn bách bộ, tập thể dục, người trẻ tuổi tập trung ăn uống, dạo mát, ngắm cảnh, những đứa trẻ thả diều hay chạy nhảy, vui đùa.

Mỗi khi về quê, tôi thích được tản bộ trên bờ đê hay lang thang lên cây cầu cũ nhìn xuống dòng sông. Nơi đây đã gắn bó với bao nhiêu kỷ niệm thời thơ ấu, những lần trốn nhà đi chơi, những lần dậy sớm tập thể dục… Những kỷ niệm đơn sơ ấy là hành trang giúp tôi chắp thêm đôi cánh bước vào đời. Mỗi khi vấp ngã, tôi lại nghĩ đến dòng sông Lại ở quê nhà, tự nhủ mình cần cố gắng hơn nữa. Bởi dòng đời cũng như dòng sông có lúc yên, lúc lặng, có lúc giận dữ và rồi sông cũng chảy ra đến biển.

tYTunjJ8.jpgPhóng to

Áo Trắng số 6 ra ngày 1/04/2013 hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

HỒ DIỄM KIỀU (GĐAT Quy Nhơn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên