Vở chèo này được đánh giá là nhà sản xuất "chịu chơi" khi có sự đầu tư rất lớn với sân khấu hoành tráng, trang phục cầu kỳ, vũ đạo trau chuốt...
Phóng to |
Sống dậy hào khí Mê Linh với hình ảnh hai nữ tướng Trưng Trắc - Trưng Nhị - Ảnh: Đức Triết |
Ðáng xem! Người Hà Nội lâu nay được mệnh danh là khó tính với việc thưởng thức nghệ thuật... đã gật đầu và thốt lên câu ấy khi đến rạp Ðại Nam xem vở chèo Vương nữ Mê Linh (tác giả: Nhật Linh, đạo diễn: NSƯT Thúy Mùi).
Người yêu chèo hả lòng hả dạ khi được gặp kép nổi tiếng NSƯT Quốc Anh. Quốc Anh vào vai thái thú Tô Ðịnh và khai thác triệt để "ngón nghề" làm nên danh tiếng của mình là biểu cảm bằng khuôn mặt: nhếch mép, nhướn mắt, hếch mũi, rung rung gò má... Không kém cạnh "kép già" Quốc Anh, kép trẻ Quốc Phòng vào vai Thi Sách đã được dịp "phô" giọng hát đẹp trong nhiều phân cảnh. Còn hai nữ vương Trưng Trắc và Trưng Nhị do hai cô đào Thục Khánh, Thảo Quyên thủ vai thì ban đầu đạo diễn đã âu lo. Vì thường họ toàn đóng tiểu thư, công chúa, nay lại vào vai nữ tướng. Nhưng nỗi âu lo ấy, sau những đêm vở chèo ra mắt, được gạt đi được phần nào vì cơ bản hai cô đào này đã "lột xác" khi thuộc vai nữ tướng trong cách đi đứng chững chạc, cách ăn nói mạnh mẽ.
Có lẽ điều hả hê nhất khi xem vở chèo Vương nữ Mê Linh là có được một hình dung về văn hóa Việt những năm đầu Công nguyên và được sống trong hào khí Mê Linh cách đây hơn 2.000 năm. Tất cả được chuyển tải qua vũ đạo, thiết kế sân khấu, âm thanh, ánh sáng và đặc biệt là trang phục. Hai nữ tướng Mê Linh mang mũ chim công, đi dép cỏ, choàng áo bào. Anh em Thi Sách, Thi Sơn đóng khố, tóc để dài, đội mũ chim phượng. Trang phục người Việt được phân biệt rạch ròi với trang phục người Hoa khi tóc vấn cao, đội mũ lông vũ, mặc váy nâu, đi dép cỏ. Trong khi, nhóm thái thú Tô Ðịnh đều mang áo giáp hoặc mặc áo chùng và đi giày vải cao cổ. Bên cạnh đó, họa tiết chủ đạo của cả sân khấu là các hoa văn trên trống đồng Ðông Sơn như hình ngôi sao, các họa tiết lông công, họa tiết tái hiện sinh hoạt của cộng đồng người Việt cổ như giã gạo, săn bắt, thờ cúng... được chạm khắc trên ghế ngồi, bục bệ... Giữa không gian văn hóa cổ ấy là những màn vũ đạo được chọn lọc. Sắc màu của trang phục, âm thanh, ánh sáng đều hài hòa, nâng tầm vở diễn lên rất nhiều. NSƯT Thúy Mùi - giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nội - cho biết: "Chúng tôi mạnh dạn tìm tòi và cố gắng thể hiện một cách sát nhất về lịch sử qua nhiều phương diện. Trong đó, trang phục và vũ đạo là những điểm nhấn với sự góp sức của nhà thiết kế Sỹ Hoàng và biên đạo múa Tấn Lộc".
Dám đầu tư lớn lên đến tiền tỉ để dựng một vở chèo bi tráng lịch sử như Vương nữ Mê Linh, sau đêm diễn ra mắt, rõ ràng Nhà hát Chèo Hà Nội đã vượt qua được những thách thức to lớn từ đề tài khó đến nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của khán giả. Chỉ cần đạo diễn dụng công thêm, tỉ mỉ hơn với các phân cảnh, đạo cụ, phục trang; nghệ sĩ diễn có đời sống hơn... thì những gì Nhà hát Chèo Hà Nội làm được sẽ thật xứng đáng với công sức sáng tạo và đồng tiền bát gạo bỏ ra.
ĐỨC TRIẾT
* “Chắc chắn khán giả Hà Nội sẽ ngỡ ngàng trước sự hoành tráng của sân khấu, cầu kỳ của trang phục, huyền ảo của âm thanh, ánh sáng. Tất nhiên trong vở còn “sạn” đôi chỗ như chưa khoét sâu, làm nổi bật được vào nút thắt: thù nhà nợ nước của Trưng Trắc; trang phục, ánh sáng đôi chỗ chưa đúng, chưa đồng bộ; các vai diễn chưa có cung bậc cảm xúc... Những “sạn” này không khó nhặt nếu như đạo diễn, nghệ sĩ của Nhà hát Chèo Hà Nội quyết tâm mang đến sân khấu chèo một tác phẩm thật sự hoàn mỹ”. NSƯT Quốc Chiêm (phó giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch Hà Nội) * Vương nữ Mê Linh được sáng đèn liên tục tại rạp Đại Nam, Hà Nội từ ngày 21 đến 30-8, sau đó có một suất diễn tại Nhà hát lớn Hà Nội ngày 5-9 và sẽ tham gia Hội diễn sân khấu chèo toàn quốc 2013 diễn ra tháng 10 tại TP Hải Phòng. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận