30/11/2013 16:23 GMT+7

Sống cùng Thu Bồn - kỳ 4: Vươn lên sóng nước

HUỲNH VĂN MỸ
HUỲNH VĂN MỸ

TTO - Bến đò Cà Tang - nơi xảy ra thảm nạn đắm đò làm chết 19 học sinh trong cơn mưa dông chiều 19-5-2003 nằm dưới chân núi Cà Tang. Trên dưới bến Cà Tang cộng dồn chừng 25km là một đoạn của trung nguồn Thu Bồn, được cho là đoạn chịu áp lực lũ nặng nhất trên sông Thu Bồn.

Kỳ 1: Cảng thị của "con đường tơ lụa trên biển"Kỳ 2: Kinh đô lụa làKỳ 3: Lễ hội dòng sông

aJPaSDmq.jpgPhóng to
Một góc vạn chài Khe Cát ở xã Duy Thu, huyện Duy Xuyên - Ảnh: H.V.Mỹ

Thảm họa lớn xảy ra tại đây trong trận lụt năm Giáp Thìn 1964. Cũng từ đây bật lên sức sống của những con người đã chọn cuộc sống bên dòng sông này...

Hoa trái bên sông

Nằm sau lưng bãi cát lớn bên sông, làng Bình Yên (xã Phước Ninh, huyện Nông Sơn) - nơi có đến 380 người chết trong trận lụt năm Thìn - giờ trông thật tươi tắn với những mái ngói bên vườn cây. Trỗi lên trên màu xanh của những mảnh vườn ở đây là những cây trụ - một loại bưởi quý riêng có của vùng Cà Tang - mang đầy trái.

“Còn chừng tháng nữa trái trụ nở, sẽ ngọt, hái bán được. Bà con ở đây chừ đang cố trồng cây trụ để có trái bán, có con đường thông ra bên ngoài được vài năm nay rồi... ”, bà Trương Thị Tùng, người thoát chết từ trận lụt năm Thìn, kể.

Cái phù sa bồi đắp từ những cơn lũ lụt hung hãn mỗi năm như món hồi môn của Thu Bồn tặng cho hoa trái. Nổi tiếng nhất ở vùng Cà Tang là vườn cây quả Đại Bình (xã Quế Trung, Nông Sơn) - nơi có 83 người chết trong trận lụt năm Thìn. Có đủ các loại cây ăn quả của đất phương Nam như sầu riêng, măng cụt, chôm chôm, quýt đường..., đây được xem là vườn cây quả độc đáo nhất bên dòng Thu Bồn.

Vượt qua tang tóc ngút ngàn từ cơn lũ dữ, những người còn lại ra sức dựng xây, vun bồi cuộc sống. Làng Đại Bình bao lâu nay như ốc đảo xanh, một làng sinh thái hiếm có ở vùng trung nguồn có sức hút du khách đến thăm.

Ui9PrAW9.jpgPhóng to
Trụ - một loại bưởi đặc hữu của vùng Thu Bồn Cà Tang - đang được cư dân nhân trồng vì giá trị kinh tế - Ảnh: H.V.Mỹ

Đứng lên từ tai ương nghiệt ngã, làng Trung Phước - cũng thuộc xã Quế Trung - có ngót trăm người chết trong lụt năm Thìn, là nơi có câu chuyện làm ăn giống như một truyền kỳ mới bên sông. Ngôi chợ mang tên làng bên doi đất hẹp sát bến sông, từng bị cuốn trôi mang theo nhiều xác người, không ai nghĩ cứ lớn dần lên, thịnh vượng dần lên.

Ngoài cả tưởng tượng của cư dân, chợ Trung Phước mang thêm một tên gọi mới: chợ Trầm - một chợ trầm hương đầu mối lớn nhất miền Trung. Rồi vài mươi năm nay những hộ dân quanh ngôi chợ này đã tạo nên một làng nghề mới: làng trầm mỹ nghệ Trung Phước - độc đáo và cũng lớn nhất nước.

Từ bến đò quê, vào những năm 1980, những trai tráng ở làng - chợ Trung Phước ngược phía thượng nguồn tít xa của Thu Bồn để săn trầm kiếm sống. Trầm hết, người các nơi giải nghệ. Nhưng dăm bảy thợ săn trầm ở Trung Phước đã nghĩ đến cách làm những sản phẩm dó trầm mỹ nghệ từ những gốc dó còn sót ở rừng. Không ngờ họ đã bắt mạch đúng thị hiếu của khách hàng. Đến lượt những cây dó vườn cho họ phát triển nghề nghiệp.

“Từ năm ngoái dân trầm Trung Phước mình đã sang mở hẳn cửa hàng bán trầm mỹ nghệ tại Trung Quốc. Làm ăn được, nay đã có năm cửa hàng trầm của người Trung Phước mình ở bên đó...”, chủ xưởng trầm Thái Mười kể. Từ bến-chợ quê, sau đau thương thảm nạn, những con người bên sông đã vượt gian nan sóng gió để lần hồi cập bến ấm no, để đổi đời.

lP5oQRZj.jpgPhóng to
Chợ - làng Trung Phước bên bến đò Trung Phước, bên dưới núi và bến đò Cà Tang, nay đang dần trở thành thị trấn của huyện Nông Sơn - Ảnh: H.V.Mỹ

Nối đời với vạn đò

Thật là một cảnh quan lạ khi nhìn những vạn đò nép mình dưới ngút ngàn bóng núi nơi vùng trung nguồn Thu Bồn. Đây chính là làng xóm của những người chọn định cư bên sông nước Thu Bồn.

“Cũng như những di dân đến đây mở đất lập làng, ông cha mình đến đây chọn đoạn sông nào ưng ý là dừng lại lập vạn đò, đánh bắt con cá, chở người, chở hàng trên sông mà sống. Làng có vị tiền hiền khai khẩn ruộng đất lập nên làng thì vạn ghe mình cũng có vị tiền hiền mở ra chuyện khai khẩn, đánh bắt cá trên sông để lập ra vạn đò...”, ông Tăng Hùng - cư dân vạn Khe Cát (xã Duy Thu, huyện Duy Xuyên), giải thích.

Với 138 hộ, Khe Cát được xem là vạn đò lớn nhất trong số mươi lăm vạn đò bên núi ở các huyện Duy Xuyên, Nông Sơn, Hiệp Đức.

Sống đời sông nước lênh đênh, không ai ở các vạn đò này giữ được gia phả, nhưng phần đông đều cho rằng họ kế tục nghiệp lưới chài, thương hồ trên dòng Thu Bồn từ nhiều đời.

o3dezMuS.jpgPhóng to
Chị Nguyễn Thị Hậu (31 tuổi) cùng chồng và hai con nhỏ ở vạn đò Khe Cát vẫn còn phải lấy ghe làm nhà ở vì không mua nổi đất và cũng không đủ tiền để làm nhà ở - Ảnh: H.V.Mỹ

Đổi thay lớn nhất, hạnh phúc lớn nhất với những vạn đò ở Thu Bồn là từ sau ngày hòa bình dần dần họ đã được chính quyền địa phương cấp cho đất làm nhà ở thành làng bên vạn đò dưới chân núi. Đến nay những vạn đò này chỉ còn là nơi bán trú, là chỗ ở thứ hai của người vạn đò. Chưa kể họ cũng được cấp cho một ít ruộng đất để gieo trồng kiếm sống thêm vào với khoản lưới chài, chuyên chở trên sông.

“Không tấc đất cắm dùi, bao đời qua dân vạn đò ở đây lấy ghe làm nhà, dựa những lùm cây nơi chỗ sông khuất kín neo đậu khi lũ lụt, gió bão. Dân biển cũng sống nhờ mặt nước nhưng hơn dân vạn đò tụi tui là họ có đất làm nhà ở, lưới chài được nhiều tiền, từ xưa đã có nhiều người giàu có. Còn dân vạn đò tụi tui thì chỉ có làm kiếm sống qua ngày, ít có ai khá giả. Khổ thân nhất với người vạn đò ở đây ngày trước là chết không chỗ chôn, phải chôn lén lút chỗ bìa rừng...”, ngư dân Nguyễn Ngọc Thạch (52 tuổi) ở vạn đò Khe Cát nói.

Ở các vạn đò Tý, Đá Ngang, Nhụ Sơn (xã Quế Lâm, huyện Nông Sơn), Trà Linh (xã Hiệp Hòa, huyện Hiệp Đức) nghề đánh cá trên sông còn khá thịnh. Ngư dân thường gom lưới vào lúc tinh mơ để có cá kịp mang vào làng bán.

dICui4Pm.jpgPhóng to
Nhà máy nhiệt điện Nông Sơn công suất 30MW sắp được hoàn thành, bên kia bến Cà Tang - Ảnh: H.V.Mỹ

Ở cách biển ngót cả trăm cây số, đường xe cũng mới có vì núi cao rừng rậm bao quanh, bao đời qua cư dân nhiều xã ở vùng trung nguồn này đều dựa vào nguồn cá đánh bắt trên sông Thu Bồn là chính. Và, như một đặc ân của thiên nhiên cho cư dân, vùng trung nguồn Thu Bồn có nhiều loại cá ngon như vượt, trôi, leo, nụ, rói, ngạnh, lăng, mòi, dưng trắng...

Dài ngót 60-70 km, sông ở vùng trung nguồn rộng, nước ít chảy xiết, có nhiều vực sâu, có nhiều bãi hoa màu rộng, hai bên có núi cao che chắn nên cá có nhiều.

“Sông ở đây có rất nhiều cá. Những năm trước đem rổ ra xúc hay đem nom ra chộ vẫn bắt được cá như bắt gà trong chuồng. Còn mùa mưa thì cứ đứng giăng hàng trên bãi để bắt cá lên. Chỉ tỉnh riêng các vạn đò ở Quế Lâm nay cũng có 70-80 ghe làm cá. Thỉnh thoảng có ghe gặp được đàn cá, một đêm được cả gánh nặng cá. Nhưng nay thì cá có phần giảm...”, ông Nguyễn Tiến Hùng ở bên vạn đò Tý kể.

HUỲNH VĂN MỸ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên