![]() |
“Đời chúng tôi cố chịu, còn đời con cái chúng tôi nữa chứ? Nếu xảy ra dịch bệnh, ai sẽ là người chịu trách nhiệm?” - anh Tuấn chỉ tay ra hướng nghĩa trang, bức xúc |
Khoảng cách từ nhà dân đến mộ chỉ là 80m! Hàng chục năm nay, ngày cũng như đêm người dân ở đây phải hứng chịu những ảnh hưởng nặng nề của nạn ô nhiễm môi trường từ nghĩa trang.
“Chúng tôi không phải đang sống mà là đang tồn tại với người chết!” - anh Nguyễn Sỹ Tuấn, người sống ở gần nghĩa trang nhất, than thở. Cổng nhà anh Tuấn và cổng dẫn vào nghĩa trang chỉ cách nhau vỏn vẹn 30m. “Nhà tôi và nghĩa trang là hàng xóm của nhau” - anh Tuấn nói.
Chịu đựng ngày & đêm
![]() |
Mộ ở nghĩa trang dày như bát úp! |
“Anh xem, ngày nào mùi xú uế cũng nồng nặc thế này đây”. Anh Tuấn khịt khịt mũi, nhăn mặt ngán ngẩm. 11 giờ, thời tiết ở thôn Giạ oi nồng. Qua cơn mưa rào tầm tã, hơi nước bốc lên như cuốn theo tất cả những gì dồn nén dưới lòng đất sau chuỗi ngày nắng nóng vừa qua.
Không khí nồng nặc mùi xú uế, mùi ôi thối của các tử thi đang phân hủy... bốc ra từ nghĩa trang Tân An! Mật độ mộ ở nghĩa trang “dày như bát úp”. Không ít lần người dân được chứng kiến cảnh: khi cải táng mộ này thì mộ khác lộ quan tài ra và có rất nhiều mộ còn sụp cả xuống, hở những lỗ như nắp hầm...
Nghĩa trang Tân An nằm trên một quả đồi. Đất cát khô nên tử thi rất lâu phân hủy. Khi cải táng, có nhiều trường hợp tử thi còn nguyên dạng. Để lấy được hài cốt, những người bốc mộ thuê phải róc bỏ những phần “dư thừa”. Hài cốt đem đi cát táng rồi, còn nằm lại đó những phần dư thừa bừa bãi. Những phần này phân hủy theo nắng mưa, bốc mùi...
“Nhiều lúc gia đình đang ăn dở bữa cơm mà phải bỏ, không thể ăn tiếp được nữa. Nhiều gia đình có ruộng lúa quanh khu vực tường bao của nghĩa trang đã phải “treo cày” bởi nguồn nước chảy ra từ nghĩa trang đen sì, hôi thối. Lội xuống, về nhà là chân tay lở loét, nổi mẩn ngứa...” - chị Nguyễn Thị Hoàn bức xúc.
![]() |
Một trong những giếng nước ở thôn Giạ không còn sử dụng được do hôi thối |
“Nhưng chúng tôi vẫn phải sử dụng thứ nước vàng khè, tanh tanh này trong sinh hoạt hằng ngày” - múc cho tôi xem một xô nước dưới giếng, anh Tuấn nói. “Các anh có xử lý nguồn nước qua bộ phận lọc nào không?” - tôi hỏi. “Dân làm gì có điều kiện mà xử lý. Nhắm mắt mà ăn, uống. Mãi rồi cũng quen thôi mà” - anh Tuấn ngán ngẩm.
Hôm nay, nghĩa trang Tân An lại đón thêm hai sinh mạng mới về nơi an nghỉ cuối cùng. Trời chiều nhập nhoạng, hai đám tang tiến dần vào nghĩa trang với tiếng kèn, tiếng trống, tiếng kêu khóc ai oán. “Ngày nào cũng phải nghe những âm thanh chết chóc đó, anh ạ...”.
Đêm. Nghĩa trang Tân An le lói ánh sáng vàng khè từ quả bóng điện tròn 60W ở ban quản lý nghĩa trang hắt ra. Khung cảnh càng ma quái bởi những bóng lửa xanh lập lòe cháy lơ lửng, dật dờ trong lòng nghĩa trang. Ma trơi? “Phôtpho từ mộ mới thoát ra cháy đấy. Đêm nào chẳng lập lòe thế. Lúc đầu còn sợ. Mấy chục năm nhìn nó đâm quen, chúng tôi còn kéo nhau ra xem như xem đốt pháo hoa...” - ông Nguyễn Sỹ Đào, năm nay 65 tuổi, cho biết.
1 giờ khuya. Tôi cố xua đi hình ảnh hàng ngàn ngôi mộ đang “nằm” ngay bên cạnh để chợp mắt. Bỗng, những tiếng mõ, tiếng kèn, tiếng khóc ai oán nổi lên. Vụt ngồi dậy như người mộng du, anh Tuấn lẩm bẩm: “Lại cải mộ đây mà. Năm nay mùa cải mộ đến sớm...”. Những tiếng động đó văng vẳng cho đến tận 3 giờ sáng.
Ngày nào, đêm nào những người dân ở đây cũng phải chịu đựng như vậy...
Lo lắng và... kêu cứu
![]() |
Có những ngôi mộ được kè như thế này để chống sụt |
Ngoài ra còn khoảng trên 600 ngôi mộ cát táng và hung táng của thôn Mỹ, xã Thái Đào (huyện Lạng Giang), thôn Thượng, xã Tân An (huyện Yên Dũng) bao quanh khu nghĩa trang Tân An! Khi thị xã Bắc Giang được qui hoạch lên thành phố, những nghĩa trang xung quanh khu vực nội thị lại được di chuyển về nghĩa trang Tân An.
Từ năm 2003, nghĩa trang được UBND TP Bắc Giang chính thức phê duyệt dự án cải tạo mở rộng, tăng diện tích từ 22.787m2 lên 52.998m2, mặc dù đã có ý kiến cảnh báo của Sở Tài nguyên - môi trường tỉnh Bắc Giang về tình trạng ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng!
Ông Dương Ngọc Dũng - trưởng phòng môi trường, Sở Tài nguyên - môi trường Bắc Giang - lo ngại: “Năm 2003 chúng tôi đã cử đoàn cán bộ chuyên gia về quan trắc các mẫu nước, không khí tại thôn Giạ và thôn Mỹ. Những kết quả của cuộc khảo sát hết sức lo ngại. Và việc người dân kêu cứu là có cơ sở...”.
Theo bản báo cáo của Sở Tài nguyên - môi trường mà ông Dũng đưa cho chúng tôi, 10 mẫu nước giếng khơi được lấy xét nghiệm ngẫu nhiên tại hai thôn này đều có nồng độ các chất độc hại vượt mức chỉ tiêu cho phép: nồng độ Fecal Coliform quan trắc được là 210 MPN/100ml, trong khi chỉ tiêu cho phép của Bộ Y tế là 3 MPN/100ml; nồng độ của tổng Coliform ở các giếng vượt mức hàng nghìn lần so với chỉ tiêu cho phép, thậm chí có giếng vượt 9.600 lần!
![]() |
Nguồn nước đen sì, nổi váng vàng từ nghĩa trang chảy ra ruộng của thôn Mỹ |
Vì lo ngại môi trường ô nhiễm sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của 1.235 nhân khẩu đang sinh sống tại thôn Giạ và thôn Mỹ, Sở Tài nguyên - môi trường đã kiến nghị UBND tỉnh Bắc Giang yêu cầu UBND TP Bắc Giang và Công ty cổ phần Quản lý công trình đô thị Bắc Giang không nên tiếp tục mở rộng nghĩa trang về phía khu vực dân cư sinh sống, thế nhưng nó vẫn được mở rộng.
Theo thời gian, lượng mộ hung táng và cát táng ở nghĩa trang lớn nhất của TP Bắc Giang sẽ tiếp tục tăng lên. Có nghĩa là môi trường của những hộ dân sinh sống quanh vành đai của nghĩa trang ngày càng bị đe dọa. Người dân ở đây đang đối mặt với mối lo: “Liệu làng chúng tôi có trở thành một “làng ung thư” mới? Ai sẽ chịu trách nhiệm nếu bệnh tật nguy hiểm xảy ra?”... Và thực tế tại thôn Giạ và thôn Mỹ, tình trạng người dân mắc các bệnh về tiêu hóa và hô hấp đã ngày một gia tăng.
Từ năm 2003, khi nhận được thông tin nghĩa trang Tân An sẽ tiếp tục được mở rộng, người dân ở hai thôn này đã làm đơn kiến nghị gửi lên các cấp, ban ngành hữu quan của tỉnh Bắc Giang. Nhưng nhiều lá đơn đề nghị, kêu cứu của họ đã không phát huy được tác dụng...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận