24/02/2008 04:26 GMT+7

Sống chung với lũ chuột

LÊ LA
LÊ LA

TTC - Con chuột không ai còn lạ. Nhiều người chỉ nghĩ chuột là con vật bé nhỏ, không gây hại. Thế nhưng gần đây, chuột đang hoành hành khắp khu phố cổ Hà Nội, khiến người dân phải khiếp sợ, biến Hà Nội thành một “vương quốc chuột”, một trong những nguy cơ lây truyền dịch tả rất nguy hiểm.

Gj8cnmfk.jpgPhóng to

Ông Sơn, nhà ở ngõ Phất Lộc (Hàng Buồm, Hà Nội) than phiền: “Thời gian gần đây, chuột nhiều khủng khiếp, khiến nhiều gia đình ăn không ngon, ngủ không yên”. Ông kể, cứ trời nhá nhem là chuột xuất hiện, từ mái nhà chui xuống, từ dưới cống rãnh chui lên, thậm chí từ trong gầm bếp gas, tủ lạnh chui ra, ngang nhiên đi lại. Tuy nhiên, “giờ cao điểm” của chuột là nửa đêm, khi tất cả người dân bắt đầu đi ngủ thì chuột bắt đầu tràn ra quậy phá.

Khi đèn tắt, chuột chạy rầm rập ngay đầu giường, thậm chí leo lên nhai xé mùng màn, cắn rách cả chân trẻ nhỏ. Chuột khiến người già mất ngủ nghiêm trọng. Bởi cứ tầm khuya trở đi, cả đàn chuột lại đuổi nhau xoành xoạch trên mái nhà, từ dãy nhà này sang dãy nhà khác. Nằm bên dưới mà cảm giác như mái nhà bị ném đá, ngói xô từng mảng.

Chị Hà ở khu nhà tập thể 93 Hàng Mã (Hà Nội) cũng than vãn: “Chưa bao giờ thấy có loại chuột to khủng khiếp như bây giờ. Hôm qua, tôi suýt té sấp vì đá phải con chuột cống to bằng bắp chân người lớn, nặng dễ đến chừng nửa cân, mình trụi lông, da có vảy mốc meo, trong nhà bếp. Nó thấy người, cắm đầu cắm cổ, chạy cồng cộc qua sàn nhà như ném bowling, trông phát khiếp!”.

Theo chị, trước kia đâu có nhiều chuột như vậy. Nhưng bây giờ, ở khu nhà chị ở, có cả một “sư đoàn chuột”. Nhiều đêm chuột lọt vào nhà, cắn tủ quần áo, chui vào hộc bàn vi tính, sục sạo trong thùng đựng rác, trên chạn để bát với những âm thanh phát ra khiến người ta có cảm giác như trong nhà… có kẻ trộm. Dậy bật đèn, dùng que gõ lộc cộc vào tường, tủ, bàn ghế thì chuột nằm im thin thít. Nhưng hễ cứ chui vào màn, tắt đèn là chuột lại rục rịch, sục sạo cho đến sáng.

Còn bà Mai ở khu nhà 50 Hàng Bè (Hà Nội) thì ca thán: “Cứ khi nào trong nhà bỗng bốc mùi thối um là y như rằng có chuột vừa chui ở dưới cống, bể phốt lên, con nào con nấy ướt nhượt”. Bà Thu ở khu chợ Hàng Bè thì giãi bày rằng bây giờ chuột không chỉ nhiều mà còn quái dị nữa. Trước đây, chuột chỉ ăn thóc, cơm rơi thức vãi. Nhưng bây giờ, thật không thể tưởng tượng nổi thứ chuột có thể nuốt trôi cả bánh xà bông, gặm nhấm cả than tổ ong.

Trong phòng tắm nhà bà, xà bông để ở góc nào cũng bị chuột mò vào gặm từng góc nham nhở, sau dăm ba hôm lại đành vứt bỏ. Còn trong nhà bếp, cả tủ đựng than tổ ong biến thành hang ổ của chuột. Chúng đào than tổ ong như đào đất ngoài bờ ruộng, làm tổ, đẻ con. Khi bà lấy than tổ ong ra, cả lũ chuột còn kêu chí chóe. Kỳ lạ hơn, sau nhiều ngày tháng “rình mò”, bà mới phát hiện trong lốc tủ lạnh của gia đình và case máy tính của chồng bà cũng có ổ chuột. Khi lật ra, lốc tủ lạnh, case máy tính rặt những lõi ngô, vỏ bưởi, vỏ chuối, giẻ rách… bốc mùi phát khiếp. May mà chuột chưa cắn nát lốc máy. Chứ như các loại “dây” trong nhà, nào dây điện, dây điện thoại, dây internet… đều đã bị chuột nhè răng cắn đứt cả.

Để chống lại “giặc” chuột, mới đây bà mua về một con mèo. Nhưng nhìn thấy chuột lớn quá, mèo cũng co rúm lại. Bà đành mua thêm một loạt cạm sắt, nhưng cũng chẳng ăn thua, vì có đêm, chính bà bắt gặp con chuột dính dạm còn lôi tuột cả cạm xuống cống. Sau đó, chồng bà phải mua về một cái máy đuổi chuột trị giá gần 600.000 đồng để hù dọa chuột thì có đỡ hơn một chút. Nhưng bà tin rằng, chuột không còn đến nhà bà thì cũng lại tạt sang nhà khác để “đại náo”.

Ông Sơn thổ lộ: “Gần đây, vợ chồngtôi cũng đã mua mèo về để dọa chuột. Nhưng chuột cũng không còn sợ mèo như trước nữa, buộc chúng tôi phải dùng bả để tiêu diệt. Nhưng dùng bả lại có hậu quả không hay, đó là sau khi dính bả, chuột không bò xuống cống rãnh, hang ổ mà thường chui vào góc khuất trong nhà để… chết. Mà chuột thường chết sau vài ngày gia chủ mới phát hiện được khi thấy có thứ mùi lạ bốc lên”.

Phần lớn nhà cửa ở khu phố cổ Hà Nội chật chội, ẩm ướt, thiếu ánh sáng. Bên trên chủ yếu mái ngói rêu phong, chắp vá. Bên dưới hệ thống cống rãnh chằng chịt, hư hỏng nặng. Đó là hang ổ lý tưởng của chuột. Thế nhưng, điều không ai có thể lý giải được là trước kia chuột ở khu phố cổ đâu có nhiều mà bây giờ lại sản sinh ra cả một “sư đoàn”, “dịch” chuột. Có 2 nguyên nhân tạm được đưa ra, đó là thường đến mùa lũ, chuột từ ngoài bãi sông Hồng tràn vào phố cổ và do vệ sinh trong khu phố cổ ngày càng yếu kém, nhà hàng, quán nhậu mọc lên nhiều, nhưng ý thức xử lý rác, chất thải lại không hề được coi trọng.

Trước đây, ở Hà Nội vẫn còn tổ chức được phong trào “Toàn dân diệt chuột”, nhưng bây giờ chẳng còn ai để ý tới con chuột nữa. Người dân đành phải chống chọi với chuột một cách cục bộ. Nhiều năm qua, họ gần như phải chấp nhận sống chung với chuột. Và họ chỉ thực sự phát hoảng lên khi dịch tả bắt đầu xuất hiện, mà chuột là một trong những “con đường” phát tán dịch bệnh nhanh ra cộng đồng, nếu chẳng may chuột tiếp xúc với khuẩn tả. Đến bao giờ phố cổ Hà Nội mới không còn chuột, có lẽ là một câu hỏi kỳ lạ!

HFcsz4zF.jpgPhóng to

Tuổi Trẻ Cười số 344(ra ngày 15-01-2008) hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

Chúc bạn đọc có thật nhiều thời gian thư giãn thoải mái!

LÊ LA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên