18/07/2011 07:09 GMT+7

Sơn Tùng - nhà văn chiến sĩ

PHẠM XUÂN NGUYÊN
PHẠM XUÂN NGUYÊN

TT - Để nói về ông, nhà văn Sơn Tùng, không có gì đúng bằng và hay bằng bốn chữ ấy. Bởi cuộc đời ông, từ trong máu thịt và tâm khảm, ngay từ những ngày còn nhỏ đã toát lên ý chí chiến sĩ đấu tranh cho cái đẹp, cái đúng của cuộc sống và con người.

4dmuI2Eo.jpgPhóng to
Nhà văn Sơn Tùng - Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết vừa ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động cho nhà văn Sơn Tùng - hội viên Hội Nhà văn VN.

Ông là nhà văn VN thứ hai, sau nhà văn Chu Cẩm Phong, được phong danh hiệu anh hùng.

Chàng trai sinh năm 1928 ở một làng quê Nghệ An giàu truyền thống nhân nghĩa và văn chương đã cầm bút như cầm súng khi bước vào nghề báo. Và khi anh ra chiến trường, cây súng của anh vẫn chính là cây bút.

Cây bút trong tay Sơn Tùng luôn nhắm trúng một mục tiêu: diệt cái xấu, cái ác, bảo vệ cái tốt, cái đẹp.

Bởi hành trình của ông là hành trình của một chiến sĩ trên mặt trận văn chương, văn hóa. Bị thương ở chiến trường Đông Nam bộ, xếp hạng thương binh 1/4, đi lại khó khăn, ăn uống khó khăn, thương tật và bệnh tật luôn hành hạ ông, nhưng kỳ lạ trong tấm thân nhỏ bé của người thương binh từ tuổi trẻ ngày nào cho đến ông lão ngoài 80 tuổi hiện nay luôn cháy rực ngọn lửa của tình yêu thương và trách nhiệm.

Ông đã dồn toàn bộ tâm lực của mình vào những trang viết về một mảng đề tài hấp dẫn, lý thú nhưng đầy thử thách, có cả nguy nan: viết về những nhà cách mạng hiện đại.

Sơn Tùng viết về bà Đặng Quỳnh Anh - người nuôi giấu cán bộ cách mạng ở Thái Lan, về anh bộ đội Lê Duy Ứng bị mù mắt lấy máu vẽ hình Bác Hồ trên đường tiến quân giải phóng Sài Gòn...

Nhưng trên hết, Sơn Tùng đã khai mở một hướng viết mới về Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa với tư cách lãnh tụ của đất nước, nhân vật lịch sử của thời đại, vừa với tư cách một con người bình thường, một người con xứ Nghệ.

Tiểu thuyết Búp sen xanh ông viết về tuổi thơ và tuổi thanh niên của Bác Hồ, trong giai đoạn hình thành nhân cách một vĩ nhân, đã gây nhiều chiều dư luận khi mới xuất bản do sự đan cài tư liệu lịch sử và hư cấu, và cái chính do một quan niệm đối với sáng tác văn học về nhân vật lịch sử lớn, lại là nhân vật thời hiện đại.

Nhưng tác phẩm đó đã vượt thời gian, được tái bản hơn mười lần với gần nửa triệu bản sách được in. Từ đấy, ông đã có thêm những tác phẩm khác viết về Bác Hồ sinh động và sâu sắc, không chỉ có giá trị văn chương mà còn cả giá trị sử học.

Gọi Sơn Tùng là “nhà văn chiến sĩ” cũng bởi trong tâm trí ông chưa bao giờ nguôi ngoai những nghĩ suy, trăn trở, thao thức về những vấn đề của nhân dân, đất nước. Ai có dịp được diện kiến ông trong căn hộ nhỏ chật hẹp ở khu Văn Chương (Hà Nội) sẽ được ông truyền cho nhiệt huyết và quyết tâm bằng những câu chuyện được nói ra, bằng những ý tưởng được nêu lên, qua giọng nói sôi nổi, dõng dạc của ông, bất chấp sức khỏe suy yếu.

Ông quên hoàn cảnh của riêng mình, quên vết thương của riêng mình, để chia sẻ nỗi buồn và nỗi đau trước thực trạng xã hội còn nhiều điều bức xúc, nổi cộm.

Danh hiệu Anh hùng lao động được trao cho Sơn Tùng là một sự tưởng thưởng xứng đáng cho ông. Đây cũng là một kỷ niệm đẹp cho mối quan hệ tình cảm đồng chí anh em thân thiết, một biểu hiện tình người cao đẹp giữa vị Chủ tịch nước và một công dân. Họ vốn là đồng đội của nhau ở chiến trường, nhà văn vốn là cấp trên của Chủ tịch nước. Vị nguyên thủ quốc gia đã từng gọi nhà văn là “đại sư phụ” của mình. Danh hiệu này, vì thế, còn mang một ý nghĩa nhân văn cao cả, đáng quý thời nay.

Chúc mừng nhà văn Sơn Tùng được phong anh hùng mà tôi lại nghe vẳng lại lời ca bài hát Gửi em chiếc nón bài thơ do nhạc sĩ Lê Việt Hòa phổ nhạc bài thơ ông làm trong dịp tham dự Đại hội thanh niên sinh viên thế giới lần thứ 5 (1955).

PHẠM XUÂN NGUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên