01/03/2009 15:01 GMT+7

Sôi nổi tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2009 tại Bà Rịa - Vũng Tàu

NHÓM PV TUỔI TRẺ ONLINE
NHÓM PV TUỔI TRẺ ONLINE

TTO - 14g30 chiều nay 1-3, chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2009 do báo Tuổi Trẻ phối hợp với Tỉnh đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức đã diễn ra tại Trường THPT Nguyễn Du, thị trấn Ngãi Giao, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Tham dự buổi tư vấn có khoảng 3.000 học sinh đến từ bảy huyện, thành phố trong tỉnh.

D71vjMsz.jpgPhóng to
Toàn cảnh chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2009 tại Bà Rịa - Vũng Tàu chiều 1-3-2009 - Ảnh: Như Hùng
wspWaPj5.gifPhóng to Xem video clip

Mở đầu chương trình, ban tư vấn đã thống kê điểm thi tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2008. Theo đó, các thí sinh thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có số điểm trung bình rất cao (trung bình mỗi thí sinh đạt 12 điểm) và nằm trong top 20 các tỉnh, thành có số thí sinh đạt điểm cao nhất kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ 2008.

Ban tư vấn gồm các thầy cô, đại điện cho các trường ĐH học lớn, cũng là chuyên gia các nhóm ngành thuộc các trường ĐH tại TP.HCM gồm: TS Lê Thị Thanh Mai, phó trưởng ban ĐH và sau ĐH (ĐH quốc gia TP.HCM); PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng, phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM; TS Phạm Tấn Hạ, phó trưởng phòng đào tạo Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia TP.HCM);

ThS Trần Thế Hoàng, trưởng phòng đào tạo và quản lý sinh viên Trường ĐH Kinh Tế TP.HCM; ThS Cổ Tấn Anh Vũ, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM; ThS Hứa Minh Tuấn, trưởng phòng đào tạo trường ĐH bán công Marketing; thầy Nguyễn Anh Đức, trưởng phòng công tác sinh viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM; thầy Phan Trung Viên, phó hiệu trưởng Trường ĐH Bà Rịa - Vũng Tàu.

Mở đầu buổi tư vấn, PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng - phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TPHCM - đại diện ban tư vấn giới thiệu những điểm chính về các kỳ thi năm 2009. Theo đó, kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ tổ chức thi theo cụm (3-4 trường THPT/cụm). Kỳ thi này cũng sẽ tăng cường hàng chục ngàn giảng viên các trường ĐH-CĐ cũng sẽ tham gia vào kỳ thi với vai trò thanh tra, giám thị, chiếm khoảng 25% cán bộ làm việc trong kỳ thi tuyển, bài thi của thí sinh cũng được chuyển để thực hiện việc chấm chéo giữa các tỉnh.

Về kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ. Năm nay kỳ thi tiếp tục tổ chức theo hình thức "ba chung” (chung đề, chung đợt, chung kết quả xét tuyển).

Học sinh đang học lớp 12 THPT, bổ túc THPT tại trường nào thì nộp hồ sơ và lệ phí đăng ký dự thi (ĐKDT) tại trường đó, không nộp tại các điểm thu nhận hồ sơ của sở GD-ĐT. Học sinh sẽ nộp hồ sơ từ ngày 10-3 đến 10-4-2009.

Thí sinh tự do, thí sinh vãng lai nộp hồ sơ ĐKDT tại các điểm thu nhận hồ sơ của sở GD-ĐT, từ ngày 10-3 đến 10-4-2009. Sau thời hạn này, từ ngày 11-4 đến 17-4-2009, thí sinh có thể nộp hồ sơ trực tiếp tại các trường ĐH, CĐ có tổ chức thi.

Thí sinh nộp hồ sơ ĐKDT ở đâu sẽ nhận giấy báo dự thi (và sau này là giấy báo điểm hoặc giấy báo trúng tuyển) từ nơi đó.

Theo lịch thi của Bộ GD-ĐT, kỳ thi tuyển sinh 2009 sẽ có hai đợt thi ĐH bao gồm:

- Đợt 1: Ngày 4 và 5-7-2009 thi ĐH khối A và V. Thí sinh thi khối V, sau khi dự thi môn toán, lý, thi tiếp năng khiếu vẽ đến ngày 7-7-2009.

- Đợt 2: Ngày 9 và 10-7-2009 thi ĐH khối B, C, D và các khối năng khiếu. Thí sinh thi khối năng khiếu, sau khi dự thi các môn văn hóa (khối H, N thi văn theo đề thi khối C; khối M thi văn, toán theo đề thi khối D; khối T thi sinh, toán theo đề thi khối B; khối R thi văn, sử theo đề thi khối C), thi tiếp các môn năng khiếu đến 13-7-2009.

- Đợt 3: Đối với hệ CĐ: Các trường CĐ tổ chức thi sẽ thi trong ngày 15 và 16-7-2009 (trừ các môn năng khiếu kéo dài đến 22-7-2009).

Ngoài ra. PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng cũng thông báo điểm thay đổi cơ bản về đối tượng ưu tiên trong tuyển sinh ĐH-CĐ 2009. Theo đó, điều 33 của quy chế tuyển sinh về khung điểm ưu tiên theo đối tượng và khu vực tuyển sinh đối với các trường đóng tại vùng dân tộc thiểu số và các trường dành chỉ tiêu để đào tạo theo địa chỉ, các trường có nhiệm vụ đào tạo nhân lực cho địa phương - được sửa đổi theo hướng giảm mức điểm ưu tiên chênh lệch giữa các đối tượng, khu vực ưu tiên so với qui định trước đây. Theo đó, mức điểm ưu tiên giữa các đối tượng chỉ được chênh lệch không quá 1,5 điểm, giữa các khu vực không quá 1 điểm.

Điểm đặc biệt nữa là các trường ĐH-CĐ ngoài công lập năm nay khi tuyển sinh phải thông báo trước cho thí sinh mức học phí cụ thể của từng trường. Quy chế cũng quy định rõ: các trường xác định điểm trúng tuyển đối với các nguyện vọng theo quy định: điểm trúng tuyển nguyện vọng sau không thấp hơn nguyện vọng trước, bảo đảm tỉ lệ trúng tuyển hợp lý giữa các nguyện vọng; không hạ điểm trúng tuyển. Những trường hợp đặc biệt, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT xem xét, quyết định.

Tiếp theo chương trình, TS Lê Thị Thanh Mai - phó trưởng ban ĐH và sau ĐH (ĐH Quốc gia TP.HCM) - hướng dẫn những nét chung nhất trong quá trình làm hồ sơ ĐKDT. Trước hết thí sinh phải biết rõ trường mình muốn học có tổ chức thi hay không. Chính vì thế, ngay khi hồ sơ tuyển sinh được phát hành, trước hết thí sinh phải ghi thật chính xác những thông tin cá nhân ở các mục. Cách ghi hồ sơ ĐKDT được hướng dẫn đầy đủ ở mặt sau của tờ phiếu đăng ký số 2 trong bộ hồ sơ. Phần trường thi, ngành, mã ngành, mã trường THPT… thí sinh phải tìm hiểu thật kỹ qua cuốn “Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH-CĐ 2009”.

uKIXwaR7.jpgPhóng to
Các bạn học sinh đang xem thông tin tuyển sinh trên báo Tuổi Trẻ - Ảnh: Như Hùng

* Một thí sinh hỏi: "Nếu không trúng tuyển NV1, có phải mua thêm hồ sơ để đăng ký NV2 không? Có thể gửi NV2, NV3 vào nhiều trường khác nhau không?".

- PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng: Trong hồ sơ ĐKDT chỉ có NV1. Khi không trúng tuyển NV1, thí sinh nếu đạt điểm trên điểm sàn sẽ được cấp giấy chứng nhận điểm để xét tuyển NV2, NV3 vào các trường khác. Thí sinh không phải mua hồ sơ nữa, chỉ điền thông tin theo giấy chứng nhận điểm và gửi hồ sơ qua đường bưu điện. Thí sinh phải gửi bản chính để xin xét tuyển NV2 vào một trường, một khối, nên không có chuyện có nhiều NV2. Khi không trúng tuyển NV2 mới được tham gia xét tuyển NV3.

* Hiện xã hội đang thiếu nhân lực ở ngành nào và trường nào có đào tạo các ngành đó?

- TS Lê Thị Thanh Mai: 10 nhóm ngành đang thu hút lao động (qua điều tra thông tin tuyển dụng) là kinh tế - quản trị kinh doanh 34,6%, tài chính - kế toán - ngân hàng 19,3%, cơ khí 4,9%, công nghệ thông tin 4,1%, ngoại thương 3,6%, điện - điện tử 3,5%, y dược 3,2%, xây dựng 3%, tiếng Anh 3%, điện tử - viễn thông - công nghệ thông tin 3%.

ThS Trần Thế Hoàng cho biết thêm, năm 2008 có 705 thí sinh Bà Rịa - Vũng Tàu thi vào Trường ĐH Kinh tế TP.HCM và có 206 thí sinh trúng tuyển. Đây là tỉ lệ rất cao. Hiện có nhiều trường tuyển sinh các ngành kinh tế cho thấy nhu cầu của xã hội cao.

Thầy Nguyễn Anh Đức cho biết qua thống kê 5 năm từ 2004 đến 2008 thì bình quân mỗi năm có trên dưới 1.000 thí sinh Ba Rịa - Vũng Tàu thi vào Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM. Năm 2008 đạt tỉ lệ 18,24% trúng tuyển, cao hơn tỉ lệ trung bình của cả nước 4%. Bà Rịa - Vũng tàu là 1 trong 5 tỉnh có lượng thí sinh thi vào trường tương đối đông. Truyền thống của trường đào tạo theo hướng khoa học kỹ thuật, trong những năm vừa qua được các nhà tuyển dụng đánh giá cao, khoảng 95% thí sinh tốt nghiệp có việc làm ngay, do các khu công nghiệp, khu chế xuất ở Tam giác miền Đông mọc lên rất nhiều, các ngành may, in, công nghệ thông tin hút nhân lực, ngoài lĩnh vực kinh tế tương đối hút thì các ngành khác cũng rất hấp dẫn.

Quan trọng nhất là các em phải xác định được mình ham thích theo ngành nghề nào. Các em không nên tìm hiểu những ngành "hot" mà quan trọng nhất là đam mê của các em vì có đam mê thì việc học và làm mới có hiệu quả. Thực tế, nhiều trường phải giúp sinh viên chuyển ngành chuyển nghề vì các em thi đầu vào theo ngành "hot", theo nguyện vọng của gia đình... chứ không phải theo đam mê sở thích của các em.

* Cho em biết Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM đào tạo như thế nào? Những ngành nào có nhu cầu cao? Ngành nào "hot"?

- ThS Cổ Tấn Anh Vũ, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, nói: Những ngành nghề có nhu cầu cao, các ngành tuyển sinh năm 2009 của trường liên quan đến sáu ngành nghề, trong đó có kỹ thuật đóng tàu là một trong những ngành được thống kê là có nhu cầu tuyển dụng cao. Thường sinh viên học ngành này đến năm 3, 4 là được các công ty tìm đến tuyển dụng.

Tuy nhiên các em đừng quan tâm đến ngành "hot" mà nên đặt đam mê, yêu thích của mình lên trên các yếu tố khác vì đôi khi ngành này "hot" năm nay nhưng vài năm nữa hết "hot". Khối ngành hàng hải hiện nay đang có khả năng tìm việc cao do các hãng hàng hải quốc tế đang tìm đến các nước châu Á để tuyển dụng, các em cũng có thể tìm hiểu và theo học ngành công nghệ thông tin vì ngành này vẫn còn nhu cầu rất cao.

* Ngành thẩm định giá thi khối nào? Đào tạo những gì?

- ThS Hứa Minh Tuấn: Chuyên ngành thẩm định giá (khối A, D1) đào tạo cử nhân thẩm định giá có khả năng vận dụng kiến thức trong thực tiễn nghề nghiệp thẩm định giá và tiếp cận được trình độ thẩm định giá của các nước trong khu vực.

Sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành thẩm định giá sẽ đảm nhiệm được các công việc sau: thực hiện một phần công việc quản lý hoạt động thẩm định giá tại các cơ quan quản lý giá, quản lý thuế... của Nhà nước; thực hiện hoạt động tư vấn về kinh tế thuộc lĩnh vực thẩm định giá nhằm giúp các chủ thể kinh tế tìm ra một mức giá tương ứng với giá trị của tài sản, phù hợp với từng thời điểm cụ thể và từng mục đích kinh tế nhất định (mua bán, thế chấp, bảo hiểm, cho thuê, kinh doanh...).

* Em không giỏi ngoại ngữ có thể học công nghệ thông tin để làm lập trình web, thiết kế... không? Điểm chuẩn của nhóm ngành này bao nhiêu?

- TS Lê Thị Thanh Mai: Nhóm ngành công nghệ thông tin các trường tuyển khối A, D1. Khối A không yêu cầu giỏi tiếng Anh. Điểm chuẩn nhóm ngành công nghệ thông tin nhiều trường rất cao, như cao nhất là ĐH Bách khoa TP.HCM: 21 điểm (trong đó điểm trung bình là 24,2 điểm), ĐH Công nghệ thông tin: 21 (điểm trung bình 23 điểm), ĐH Khoa học tự nhiên: 20... Nếu sức học không cao thì các em nên chọn các trường có điểm chuẩn trung bình.

* Ngành môi trường của Trường ĐH Nông lâm TP.HCM có khác gì với ngành môi trường các trường khác?

- PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng: Hiện ngành môi trường có các các chuyên ngành: kỹ thuật môi trường, công nghệ môi trường, quản lý môi trường, kinh tế môi trường. Thí sinh có thể lựa chọn các chuyên ngành này tại các trường ĐH.

oKz4VFBi.jpgPhóng to
ThS Trần Thế Hoàng đang tư vấn cho thí sinh - Ảnh: Như Hùng

* Điểm chuẩn của Trường ĐH Kinh tế TP.HCM có vẻ phụ thuộc tỉ lệ chọi? Trường lấy cùng một điểm chuẩn thì làm sao thí sinh chọn đúng ngành?

- ThS Trần Thế Hoàng: Có lúc trường có số thí sinh dự thi trên 50.000 nhưng năm ngoái thì ít hẳn, đúng như nhận xét của bạn, điểm chuẩn của trường ảnh hưởng bởi số lượng thí sinh dự thi, năm ngoái, thí sinh dự thi ít hẳn do vậy điểm chuẩn của trường cũng giảm xuống chỉ còn 18,5 điểm.

Điểm chuẩn phụ thuộc vào chất lượng thí sinh ĐKDT, độ khó đề thi... Rất nhiều trường tỉ lệ chọi thấp nhưng điểm chuẩn luôn luôn cao, ví dụ như ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM). Các em không nên căn cứ tỉ lệ chọi để chọn ngành, chọn trường mà nên theo đúng khả năng của mình. Điểm chuẩn của trường không phụ thuộc tỉ lệ chọi.

Trường ĐH Kinh tế TP.HCM không xét điểm trúng tuyển riêng cho từng ngành mà xét điểm trúng tuyển chung cho tất cả các ngành (một chuẩn duy nhất) từ năm 2004 đến nay. Điểm chuẩn năm 2008 của trường là 18,5; năm 2007 là 21,5; năm 2006 là 17,5; năm 2005 là 19,5; năm 2004 là 16,5.

Sau khi sinh viên học xong giai đoạn giáo dục đại cương (một năm rưỡi), trường sẽ phân bổ sinh viên vào các chuyên ngành theo nguyện vọng, năng lực của sinh viên và chỉ tiêu của trường.

Nếu học lực các bạn khá trở lên thì vẫn có thể nộp hồ sơ vào ĐH Kinh tế TP.HCM. Ngoài ra, ở ĐH Kinh tế TP.HCM hằng năm có khoảng 3.500 chỉ tiêu liên thông từ CĐ lên ĐH, nếu các bạn không trúng tuyển đại học vẫn có thể đăng ký nguyện vọng 2, 3 vào CĐ để có khả năng liên thông lên ĐH. Sau ba học kỳ, các bạn sẽ được nhận bằng ĐH.

* Em muốn học CĐ về ngành báo chí, tiếng Anh thì có thể thi vào trường nào? ĐH KHXH&NV TP.HCM có tuyển không?

- TS Phạm Tấn Hạ: Nếu ở hệ CĐ báo chí, bạn có thể thi vào Trường CĐ phát thanh truyền hình 2 tại TP.HCM. Ngành tiếng Anh thì hiện tại có rất nhiều ngành đào tạo ở trình độ CĐ. Trường ĐH Khoa học xã hội & nhân văn TP.HCM chỉ đào tạo các ngành trên ở trình độ ĐH.

EHW7rOEm.jpgPhóng to
TS Phạm Tấn Hạ, phó trưởng phòng đào tạo Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM đang tư vấn cho thí sinh - Ảnh: Như Hùng

* Em được biết có một số ngành của Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM không tuyển nữ, có đúng không?

- ThS Cổ Tấn Anh Vũ: Trừ hai ngành điều khiển tàu biển và khai thác máy tàu thủy của Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM không tuyển nữ thì các ngành còn lại tuyển bình thường.

* Em thi trường ĐH nếu không đậu thì năm sau em có được thi không?

- PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng: Các em cứ yên tâm, Bộ GD-ĐT sẽ có hướng dẫn chi tiết để thí sinh không trúng tuyển năm nay vẫn được thi năm 2010. Khi đưa ra vấn đề mới, chắc chắn Bộ sẽ có hướng dẫn. Em không nên lo lắng mà hãy học cho tốt để thi năm nay.

* Ngành công nghệ sinh học thi hai khối A, B thì học khác nhau thế nào?

- TS Lê Thị Thanh Mai: Tuyển sinh hai hay nhiều khối do cần nhiều thí sinh giỏi. Nhưng khi vào học thì chỉ học một chương trình. Tuy nhiên sau ba học kỳ, vào chuyên ngành thì các em sẽ chọn chuyên ngành phù hợp khả năng của mình thường các bạn khối A sẽ chọn ngành thuộc lĩnh vực sản xuất còn các bạn khối B thường chọn chuyên ngành thiên về nghiên cứu.

* Ngành kinh tế vận tải biển có tuyển nữ không, thi trường nào?

- ThS Cổ Tấn Anh Vũ: Ngành này là ngành đặc thù ở ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, có khả năng tìm việc làm rất cao. Ngành này có tuyển nữ.

* Dự thi vào các trường thành viên ĐH Quốc gia TP.HCM thì học ở Thủ Đức hay ở trung tâm TP.HCM?

- TS Lê Thị Thanh Mai: ĐH Quốc gia TP.HCM có sáu trường thành viên, một số trường sẽ học vài học kỳ ở Thủ Đức, riêng trường ĐH Quốc tế, Khoa Kinh tế, ĐH Công nghệ thông tin thì học tại Thủ Đức, hiện nay các phương tiện giao thông di chuyển xuống Thủ Đức đều rất thuận tiện.

* Em thích khối D, muốn theo du lịch thì học ngành nào? Ngành song ngữ Nga - Anh thi khối nào?

- TS Phạm Tấn Hạ: Bạn thích du lịch thì thi vào các trường có đào tạo du lịch như ĐH Hùng Vương, ĐH Văn Hiến, ĐH Cần Thơ... Muốn làm hướng dẫn viên thì bạn phải giỏi ngoại ngữ. Ở Trường ĐH KHXH&NV có ngành địa lý (mã ngành 608), sau đó chọn chuyên ngành du lịch.

Ngành song ngữ Nga - Anh thi D1, D2. Học ngành này là 5 năm, được cấp cử nhân ĐH Nga văn và cử nhân CĐ Anh văn.

Sau hơn hai giờ tư vấn trực tiếp, các thành viên ban tư vấn về các phòng học để tiếp tục tư vấn riêng cho các bạn thí sinh. Kết thúc chương trình tư vấn hôm nay, vào ngày 7-3, chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2009 sẽ đến với học sinh huyện Lộc Ninh - một huyện biên giới của tỉnh Bình Phước.

Và ngày 8-3 tới sẽ diễn ra Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2009 tại hội trường TP.HCM (111 Bà Huyện Thanh Quan, Q.3). Chương trình có sự tham gia tư vấn của lãnh đạo Bộ GD-ĐT, lãnh đạo các trường, các chuyên gia tư vấn, hướng nghiệp, chuyên gia tư vấn tâm lý, sức khỏe. Đồng thời, thí sinh còn được cung cấp nhiều thông tin về các trường, ngành nghề đào tạo, chính sách vay vốn, học bổng, giao lưu với những người nổi tiếng... Mời các bạn thí sinh và quý phụ huynh cùng tham dự.

NHÓM PV TUỔI TRẺ ONLINE
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên