11/10/2009 06:08 GMT+7

Sôi động bóng rổ không chuyên

KHƯƠNG XUÂN
KHƯƠNG XUÂN

TT - Vì đam mê, một nhóm bạn trẻ Hà Nội đã lập ra một ban tổ chức để tổ chức những giải đấu quanh năm cho dân chơi bóng rổ nghiệp dư. Bảy năm họ dần hoàn chỉnh giải đấu của mình, bắt đầu tìm được nguồn tài trợ đồng thời làm sàn đấu nóng lên với sự có mặt của các ngoại binh.

Sôi động bóng rổ không chuyên

TT - Vì đam mê, một nhóm bạn trẻ Hà Nội đã lập ra một ban tổ chức để tổ chức những giải đấu quanh năm cho dân chơi bóng rổ nghiệp dư. Bảy năm họ dần hoàn chỉnh giải đấu của mình, bắt đầu tìm được nguồn tài trợ đồng thời làm sàn đấu nóng lên với sự có mặt của các ngoại binh.

ImageView.aspx?ThumbnailID=367530
Các VĐV nghiệp dư thi đấu tại Cúp các CLB bóng rổ không chuyên Hà Nội 2009 - Ảnh: THĂNG LONG
ImageView.aspx?ThumbnailID=367490
Pha biểu diễn lên rổ của một cầu thủ Chicken Dunk trong ngày kết thúc giải - Ảnh do CLB Chicken Dunk cung cấp

Nếu như Cúp các CLB bóng rổ không chuyên thường được tổ chức vào tháng 7, tháng 8 hằng năm tại nhà thi đấu Trường ĐH Bách khoa hay ĐH Y Hà Nội thì HBL là giải đấu được tổ chức quanh năm.

Với khoảng 20 đội, HBL có tổng cộng hơn 200 trận đấu/năm và thi đấu liên tục vào cuối tuần trên các sân khác nhau (hầu hết là sân đất). Các đội tham dự giải sẽ đấu hai vòng: sân nhà, sân khách tính điểm và tìm ra nhà vô địch. Cúp các CLB bóng rổ không chuyên và Giải HBL đều có sự tham dự của đội nam và nữ. Những năm gần đây, ban tổ chức giải còn tổ chức thêm giải đấu dành cho lứa trẻ tại các CLB này.

Trong khi Hà Nội hoàn toàn mất dạng và không hề có tên trong danh sách các đội tham dự Giải bóng rổ VĐQG nhiều năm gần đây thì người Hà Nội, đặc biệt là giới trẻ, vẫn say mê và âm thầm phát triển bóng rổ.

Để thỏa niềm đam mê, họ đã tổ chức hai giải đấu gồm: Cúp các CLB bóng rổ không chuyên Hà Nội và Giải bóng rổ HBL (Hà Nội Basketball League). Bất ngờ là giải đã sống hùng sống mạnh suốt bảy năm qua. Từ chỗ chỉ có bốn CLB ban đầu, hiện Hà Nội đã có hơn 20 CLB nghiệp dư tham gia sân chơi phong trào với những cái tên: Chicken Dunk, 7&1, Thăng Long, Phủi Club, Ba Đình, Hidden Dragon, Dwarf, Law, The Last Jump Club...

Lạ hơn, trong khi khán đài ở các giải đấu chuyên nghiệp thưa vắng thì ở những sân chơi này người đến xem đông như hội, dù có những giải đấu diễn ra hàng trăm trận và kéo dài suốt một năm. Ở sân chơi này, VĐV kiêm luôn công việc của nhà tổ chức và cả của nhà tài trợ khi phải móc hầu bao để có tiền tổ chức giải hằng năm.

Từ Thăng Long đến “ông vua” Chicken Dunk

Ba Đình và Thăng Long là hai CLB được thành lập đầu tiên ở Hà Nội. Qua 15 năm hoạt động, Thăng Long là nơi quy tụ vài trăm VĐV là HSSV. Được thành lập từ năm 1994 với nòng cốt là học sinh Trường THPT Trần Phú (sau đó là THPT Phạm Hồng Thái), người thầy đầu tiên của đội bóng rổ Thăng Long là ông Thông - một cựu VĐV bóng rổ chuyên nghiệp những năm 1960-1970. Và tên Thăng Long do ông đặt cho đội bóng.

Những thành viên đầu tiên của Thăng Long giờ vẫn còn nhớ hình ảnh ông Thông với chiếc xe đạp từ thời Điện Biên Phủ, mỗi lần ra sân luôn mang theo một ít hoa quả, bánh kẹo, ô mai cho bọn trẻ tập bóng. Nhiều năm liền ông Thông là HLV không công và là người thầy dìu dắt đội bóng. Khi sân 10-10 không còn, đội Thăng Long chuyển về chơi tại sân Vạn Bảo. Năm 2003, đội bóng rổ nữ Thăng Long bắt đầu hình thành và hoạt động cùng với đội nam.

CLB Thăng Long có cả slogan “Như anh em trai” để nói về tình cảm anh em trên sân tập cũng như trong cuộc sống. Như anh em trai cũng là tiêu đề cuốn sách cùng tên viết về đội bóng rổ Thăng Long do NXB Kim Đồng phát hành. Người viết cuốn sách là Trang Thu - một VĐV của đội nữ Thăng Long (hiện đang du học). “Vì tinh thần cùng nhau chơi thể thao, cùng nhau nỗ lực học tập nên hiện CLB Thăng Long có đến ba tiến sĩ, hơn 10 thạc sĩ và phần lớn được đào tạo ở nước ngoài” - anh Thành, đội trưởng của Thăng Long, nói trong tự hào.

Dù ra đời muộn hơn các đội bóng khác nhưng Chicken Dunk được xem là “ông vua” của bóng rổ phong trào Hà Nội khi 5/7 lần vô địch Cúp các CLB bóng rổ không chuyên và 2/5 lần vô địch Giải HBL. Năm 2009, cả đội nam và nữ Chicken Dunk đều giành chức vô địch tại Cúp các CLB bóng rổ không chuyên Hà Nội. Họ cũng là đội bóng có công lớn nhất trong việc tổ chức các giải đấu nghiệp dư.

Ra đời năm 2002, Chicken Dunk do những học sinh của Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam lập nên. Đại bản doanh của Chicken Dunk cũng là sân Trường Hà Nội - Amsterdam và họ thường xuyên chơi bóng trên sân trước sự cổ vũ của hàng ngàn học sinh. Ngay sau khi thành lập, Chicken Dunk đã tổ chức Giải bóng rổ nghiệp dư đầu tiên tại sân Trường Hà Nội - Amsterdam và mời ba đội khác tham dự.

Với lối chơi mang phong cách của bóng rổ nhà nghề Mỹ học được qua truyền hình, Internet và con đường du học, Chicken Dunk luôn là đối thủ đáng gờm nhất đối với các đội khác. Năm 2006-2007, sau khi tốt nghiệp ĐH, việc nhiều thành viên lứa đầu tiên của Chicken Dunk du học khiến thành tích của đội đi xuống. Năm 2007, với sự trở lại của Minh Tuấn (du học ở Pháp), Hoàng Anh (du học ở Anh), đội trưởng Huy Toàn (tốt nghiệp thạc sĩ về giảng dạy tại ĐH Bách khoa Hà Nội) và sự bổ sung hai ngoại binh Soren, Alex, Chicken Dunk đã lấy lại phong độ.

Tuyển ngoại binh, tìm nhà tài trợ

Sau khi Cúp các CLB bóng rổ không chuyên ra đời (năm 2002) và sau đó là Giải HBL (năm 2004), các thành viên của 20 CLB đã cử ra các thành viên đại diện để thành lập ban tổ chức giải. Điều lệ thi đấu cũng được soạn thảo dựa trên đóng góp và tư vấn từ những VĐV bóng rổ chuyên nghiệp đã nghỉ hưu.

Trước mỗi giải đấu, VĐV của 20 CLB phải đóng tiền tổ chức giải. Từ đây, việc tìm nhà tài trợ cho giải bắt đầu được tính đến. Một số đội lúc này đã tìm được nhà tài trợ, như đội Nagakawa được nhà sản xuất máy điều hòa Nagakawa tài trợ. Đội nữ Thăng Long được website teenshop.vn tài trợ. Trong hai năm nay, Chicken Dunk đã nhận được sự tài trợ của cửa hàng dụng cụ thể thao bóng rổ Shooter Hà Nội. Đây là nhà cung cấp bóng miễn phí cho toàn đội. Tuy số tiền tài trợ cho một đội bóng chỉ vài triệu đồng/năm nhưng đây chính là tình yêu và sự nỗ lực của những người tổ chức giải đấu.

Trưởng ban tổ chức các giải bóng rổ không chuyên và là đội trưởng Chicken Dunk - giảng viên khoa hóa ĐH Bách khoa Hà Nội Đào Huy Toàn là một trong những thành viên tích cực nhất trong việc cải thiện tình hình tài chính cho giải đấu. Năm 2009, lần đầu tiên anh và các thành viên ban tổ chức tìm được nhà tài trợ cho Cúp các CLB bóng rổ không chuyên Hà Nội là cửa hàng đồ dùng thể thao Thangbesport (TP.HCM) với số tiền tài trợ 10 triệu đồng.

“Dù số tiền đó chẳng đáng là bao với những người đi làm nhưng với một giải nghiệp dư thì con số đó rất đáng được khích lệ. Thời gian tới ban tổ chức sẽ tìm kiếm thêm nhà tài trợ để tổ chức giải hoành tráng hơn, thu hút nhiều người đến xem hơn. Chúng tôi có thể tự hào rằng giải này lúc nào cũng đông kín khán giả, thậm chí có những trận quá tải không đủ chỗ ngồi” - Huy Toàn tâm sự.

Đặc biệt, hai năm nay giải đấu còn xuất hiện nhiều ngoại binh đang học tập và sinh sống tại VN tham gia sinh hoạt tại các đội bóng. Năm 2008, ban tổ chức giải đã quyết định bổ sung điều lệ giải khi cho phép mỗi đội chỉ được đăng ký ba ngoại binh/giải và có một ngoại binh thi đấu trong sân.

Điều này khiến những giải đấu gần đây có đến hàng chục ngoại binh xuất hiện trên sân. Nếu như Nagakawa có ngoại binh đến từ Trung Quốc, 7&1 có ngoại binh đến từ Lào thì Chicken Dunk có Soren (Đan Mạch), Alex (Mỹ). Soren không những là VĐV mà còn kiêm luôn việc tư vấn lối chơi, chiến thuật cho Chicken Dunk do anh từng là một VĐV nghiệp dư tại Đan Mạch.

Đáng nể hơn, dù nghiệp dư nhưng mỗi CLB hiện nay luôn duy trì ba đội bóng: đội nam, nữ và đội trẻ nam (lực lượng kế cận). Điều này đến ngay các CLB bóng rổ chuyên nghiệp cũng khó làm được. Và cũng từ sức sống của phong trào, nhiều CLB đã hình thành các quản lý đội, thuê HLV là các VĐV bóng rổ chuyên nghiệp về dạy để nâng cao chuyên môn.

Bóng rổ Hà Nội đang “cháy” lên từ sân chơi phong trào.

Những bóng hồng trên sàn đấu

ImageView.aspx?ThumbnailID=367489
Đội trưởng Hồng Hạnh (trái) trong một pha đi bóng ở Giải HBL 2009 - Ảnh: K.X.

Hầu hết VĐV nữ hiện nay tại các CLB Chicken Dunk, Nana, Thăng Long, The Last Jump Club... đều là học sinh trung học và sinh viên các trường ĐH. Ngọc - đến từ khoa Tây Ban Nha ĐH Hà Nội - đã tập bóng rổ được sáu năm nay.

Chuyện đến sân tập của Ngọc cũng rất ly kỳ. Do không muốn Ngọc chơi bóng rổ, có lần bố Ngọc đã cắt nát bộ quần áo tập của cô. Nhưng tình yêu với bóng rổ đồng thời với việc cải thiện sức khỏe nên cuối cùng Ngọc được bố mẹ đồng ý để con gái chơi bóng rổ.

Còn cô học sinh Trường THPT Hoàng Diệu Trang Ngân mê bóng rổ qua những truyện tranh đã đọc và quyết tâm đi tập bóng. Với chiều cao 1,70m, Trang Ngân luôn là điểm “nóng” trên sân mỗi khi đội nữ Thăng Long thi đấu. Chưa hết, Hồng Hạnh - đội trưởng đội Thăng Long (SV khoa giáo dục mầm non ĐH Sư phạm Hà Nội) - cũng là một trong những hoa khôi trong làng bóng rổ nghiệp dư Hà Nội.

KHƯƠNG XUÂN

KHƯƠNG XUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên