21/06/2009 15:00 GMT+7

Socrates (tiếp theo)

JOSTEIN GAARDER
JOSTEIN GAARDER

TTO - Uyên bác hơn ai? Nếu nhà triết học muốn nói rằng người hiểu rằng mình không biết tất cả mọi thứ trên đời uyên bác hơn người nào chỉ biết chút ít nhưng lại tưởng rằng mình biết rất nhiều - à thì chẳng khó gì mà không đồng ý.

Pp2a004m.jpgPhóng to

Trước kia, Sophie chưa bao giờ suy nghĩ đến điều này. Nhưng càng nghĩ, cô càng thấy rõ ràng rằng biết rằng mình không biết cũng là một loại kiến thức. Điều ngu ngốc nhất mà cô từng biết đó là khi người ta làm như thể mình biết tất cả về những điều mà họ hoàn toàn chẳng biết tí gì.

Câu tiếp theo nói rằng sự thấu hiểu đến từ bên trong. Nhưng chẳng phải mọi kiến thức đều đi vào đầu ta từ bên ngoài sao? Mặt khác, Sophie có thể nhớ những khi mẹ cô hoặc các thầy cô giáo ở trường cố gắng dạy cô điều gì đó mà cô không thấm được. Và mỗi khi cô thực sự học được điều gì là khi chính cô đã tham gia vào nó theo một nghĩa nào đó. Thậm chí, thỉnh thoảng cô bất chợt hiểu ra một điều mà trước đó cô hoàn toàn mờ mịt. Có thể đó là cái mà người ta gọi là “sự thấu hiểu” từ bên trong.

Từ đầu đến giờ đều ổn cả. Sophie cho rằng cô đã hoàn thành khá tốt ba câu hỏi đầu tiên. Nhưng câu còn lại thì kỳ cục đến mức cô không nhịn được cười: “Người hiểu lẽ phải sẽ hành động đúng.”

Có phải như thế có nghĩa rằng khi một tên cướp vào cướp nhà băng thì đó là do hiểu biết của hắn chỉ được đến thế? Sophie không cho là như vậy.

Ngược lại, cô nghĩ rằng cả trẻ con lẫn người lớn đều làm những việc ngu ngốc mà sau đó họ có thể sẽ hối hận chính là vì họ đã làm dù biết như vậy là không đúng.

Trong khi ngồi suy nghĩ, cô nghe thấy tiếng sột soạt trong bụi cây khô ở phía bờ giậu gần rừng. Đó là người đưa tin chăng? Tim cô bắt đầu đập rộn lên. Nghe như có một con thú đang đến gần, nó đang thở hổn hển.

Lát sau, một con chó to nòi Labrador sục vào hốc. Nó thả chiếc phong bì to màu nâu đang ngậm trong mõm xuống chân Sophie. Tất cả xảy ra nhanh đến nỗi Sophie không kịp phản ứng. Một giây sau, cô ngồi với chiếc phong bì trên tay, còn con Labrador màu vàng đã phóng về phía khu rừng.

Khi tất cả đã qua, cô òa khóc.

Cô ngồi như vậy một lúc lâu, mất hết khái niệm về thời gian.

Rồi cô chợt ngẩng lên.

Vậy ra đó là liên lạc viên quý hóa của ông ta! Sophie thở phào nhẹ nhõm. Tất nhiên, vì vậy mà phong bì bị ẩm quanh mép và có những cái lỗ nhỏ. Tại sao cô lại không nghĩ ra nhỉ? Bây giờ, thật dễ hiểu về chuyện bỏ một chiếc bánh quy hay một mẩu đường vào phong bì khi cô muốn gửi thư cho nhà triết học.

Không phải lúc nào cô cũng có thể thông minh được như cô muốn, nhưng ai mà đoán được liên lạc viên lại là một chú chó cơ chứ! Nói một cách nhẹ nhàng thì chuyện này hơi khác thường. Cô từ bỏ ý định ép liên lạc viên tiết lộ thông tin về chỗ ở của Alberto.

Sophie bóc chiếc phong bì to và bắt đầu đọc.

Triết học thành Athens

Sophie thân mến! Khi đọc bức thư này, có lẽ em đã gặp Hermes. Nếu chưa, tôi xin nói thêm rằng đó là một chú chó. Đừng lo, nó rất hiền và hơn nữa còn thông minh hơn khá nhiều người. Trong bất cứ trường hợp nào, nó không bao giờ ra vẻ khôn ngoan hơn là nó vốn có.

Có lẽ em cũng thấy rằng tên của nó không phải không có ý nghĩa.

Trong thần thoại Hy Lạp, Hermes là người đưa tin của các vị thần. Đây còn là vị thần của những người đi biển, nhưng ta không quan tâm đến chuyện đó, ít nhất là bây giờ. Điều quan trọng hơn là tên của Hermes được dùng trong từ “hermetic”, nghĩa là bị che giấu hay không tới được. Không phải là không thích hợp với cách Hermes giữ cho chúng ta giấu mặt đối với nhau.

Vậy là liên lạc viên đã được giới thiệu. Tất nhiên, chú ta hiểu khi nghe gọi tên và tóm lại là rất ngoan.

Nào, ta quay lại với triết học. Chúng ta đã hoàn thành phần đầu của khóa học. Ý tôi muốn nói đến các nhà triết học tự nhiên và sự đoạn tuyệt có tính chất quyết định của họ đối với bức tranh thần thoại về thế giới. Bây giờ ta sẽ gặp ba nhà triết học cổ điển vĩ đại: Socrates, Plato, và Aristotle. Các triết gia này, mỗi người đã ảnh hưởng đến toàn bộ nền văn minh châu Âu theo cách của mình.

Các nhà triết học tự nhiên còn được gọi là các triết gia tiền Socrates, vì họ sống trước thời của Socrates. Mặc dù Democritus chết sau Socrates vài năm, nhưng tất cả các tư tưởng của ông vẫn thuộc về triết học tự nhiên tiền Socrates. Socrates đại diện cho một thời kỳ mới về cả địa lý lẫn thời gian. Ông là người đầu tiên trong các nhà triết học vĩ đại sinh ra ở Athens, cả ông và hai người kế tục đều sống và làm việc ở đây. Em có lẽ còn nhớ là Anaxagonas cũng sống ở Athens một thời gian nhưng đã bị đuổi đi vì ông cho rằng Mặt Trời là một khối đá nóng đỏ. (Socrates cũng phải chịu số phận không hơn gì!)

Từ thời của Socrates, Athens là trung tâm của văn hóa Hy Lạp. Cần lưu ý sự thay đổi về đặc điểm của chính các nghiên cứu triết học khi nó tiến triển từ triết học tự nhiên đến Socrates. Nhưng trước khi gặp Socrates, ta hãy nghe một chút về các Học giả - những người ngự trị trên sân khấu Athens thời Socrates.

Kéo màn, Sophie! Lịch sử của các tư tưởng cũng giống như một vở kịch nhiều màn.

Con người ở vị trí Trung tâm

Sau những năm 450 trước Công nguyên, Athens trở thành trung tâm văn hóa của thế giới Hy Lạp. Từ thời kỳ này, triết học đi theo một hướng mới.

Các nhà triết học tự nhiên đã quan tâm chủ yếu đến bản chất của thế giới vật chất. Điều đó đem lại cho họ một vị trí trung tâm trong lịch sử của khoa học. Ở Athens, các mối quan tâm lúc bấy giờ tập trung vào cá nhân và vị thế của cá nhân trong xã hội. Dần dần, một nền dân chủ đã ra đời với các hội đồng nhân dân và tòa án.

Để nền dân chủ có hiệu lực, dân chúng phải có đủ học thức để tham gia quá trình dân chủ. Ta đã thấy trong thời đại của chúng ta, một nền dân chủ non trẻ cần đến sự khai sáng cho quảng đại quần chúng như thế nào. Đối với những người Athens, điều đầu tiên và quan trọng nhất là phải thành thạo nghệ thuật diễn thuyết, nghĩa là nói sao cho thật thuyết phục.

Một làn sóng giáo sư và triết gia từ các thuộc địa của Hy Lạp đổ về Athens. Họ tự xưng là Học giả (Sophist). Từ “sophist” thời đó có nghĩa một người học vấn và uyên bác. Ở Athens, các Học giả kiếm sống bằng nghề dạy học cho dân chúng.

Các Học giả có chung một đặc điểm với các nhà triết học tự nhiên: họ cũng chỉ trích các huyền thoại truyền thống. Nhưng đồng thời, các Học giả bác bỏ những gì mà họ coi là các suy đoán triết học vô ích. Quan điểm của họ là: mặc dù các câu hỏi triết học có thể có lời giải đáp, nhưng con người không thể hiểu được sự thực về các câu đố của thiên nhiên và vũ trụ. Trong triết học, quan điểm kiểu này được coi là thuộc Chủ nghĩa hoài nghi.

JOSTEIN GAARDER
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên