![]() |
Sinh viên Phí Thị Tường Vy trình bày tham luận "Cồng chiêng trong sinh hoạt cộng đồng người Tây Nguyên" - Ảnh: K.Liên |
Tour du lịch “Người đi tìm hạnh phúc” do Hạnh Đoan thiết kế hấp dẫn ngay từ tên gọi. Đối tượng Hạnh Đoan hướng đến là lượng du khách trong độ tuổi từ 35 đến 44 tuổi, là độ tuổi chiếm số đông trong cộng đồng (kể cả trong nước cũng như khách nước ngoài hay Việt kiều), có nguồn thu nhập ổn định, có nhu cầu rất lớn về du lịch và đặc biệt cũng là độ tuổi mà đời sống tình cảm hoặc hôn nhân dễ có vấn đề dẫn đến tình trạng không ổn định về tâm lý.
Thiết kế tour cho đối tượng này, Hạnh Đoan chú trọng mục tiêu nghỉ dưỡng và tìm lại cảm hứng trong tình yêu phù hợp, do đó hai yếu tố quan trọng được bạn đưa vào nội dung là khung cảnh lãng mạn và các trò chơi tập thể.
Người làm du lịch không để khách tự xem tự chơi mà hòa vào khách, vực những người khách thụ động, nhút nhát cùng chủ động tham gia, vì theo bạn, đó cũng là những yếu tố làm nên một "tình yêu sét đánh". Nếu đề tài này được các nhà làm du lịch chú ý, đầu tư và nghiên cứu một cách bài bản, hiệu quả hẳn sẽ không nhỏ.
Với tham luận "Giữ gìn bản sắc văn hóa lễ hội dân gian trong phát triển du lịch", Phạm Thị Xuân đã đặt vấn đề "Lễ hội là một loại hình sản phẩm du lịch luôn có sức hấp dẫn cao không chỉ với khách nội địa mà cả khách quốc tế. Với tiềm năng lễ hội lớn ở nước ta hiện nay, ngành du lịch làm thế nào khai thác hiệu quả - triệt để nguồn tài nguyên du lịch dồi dào này mà không làm mất đi những truyền thống tốt đẹp vốn có của nó?".
Theo Xuân, những tour du lịch lễ hội hiện nay chưa thực sự hấp dẫn du khách vì chỉ chú trọng phần lễ còn phần hội thi đơn điệu sơ sài. Bạn đề xuất thiết kế những tour du lịch lễ hội mà du khách có thể trực tiếp tham gia vào lễ hội, "hòa" mình thật sự và lễ hội từ đó sẽ để lại những ấn tượng sâu sắc trong lòng du khách, không gây nhàm chán, buồn tẻ.
Nhóm SV Chí Niệm, Trúc Đào, Đào Nguyên, Đăng Tài lại quan tâm đến mảng du lịch sinh thái, một loại hình du lịch đang đựơc các công ty chú trọng đầu tư với đề tài "Phát triển du lịch sinh thái ven biển Bình Thuận". Theo các bạn, Bình Thuận vẫn chưa khai phá hết các tiềm năng du lịch, nguyên nhân là sản phẩm du lịch chưa đa dạng, các chương trình du lịch còn đơn điệu chưa tạo ra được sự liên kết giữa các vùng du lịch mà đây là yếu tố quan trọng trong chiến lược du lịch...
Có những đề tài tuy không mới như du lịch chuyên đề, du lịch sinh thái... nhưng lại được các bạn sinh viên khai thác về những khía cạnh văn hóa đặc trưng, mang đậm nét bản sắc Việt Nam để tạo ấn tượng như "Xích lô du lịch..." của SV Ngô Thị Kim Hoàng; hay như "Lễ hội văn hóa dân gian và đời sống người Việt hiện đại" của Mẫn Bá Thành, "Đặc trưng văn hóa cộng đồng người Khmer Nam Bộ" của Lê Thị Mỹ Linh hoặc "Địnhhướng phát triển du lịch làng nghề qua mô hình làng gốm Bát Tràng" của Nguyễn Thị Bích Vân...
Nếu Mẫn Bá Thành đánh giá cao vai trò của lễ hội văn hóa dân gian đối với đời sống hiện nay và hướng đến một loại hình du lịch mang tính “về nguồn” thì hai bạn Mỹ Linh và Bích Vân lại muốn hướng đến loại hình du lịch chuyên đề...
Song vẫn còn hạn chế chung ở cả ba tham luận này là các bạn mới chỉ quan tâm đến những kiến thức văn hóa vùng miền mà tour du lịch sẽ đem đến cho du khách, nghĩa là mới chỉ đáp ứng được yêu cầu “lịch” mà chưa chú trọng đến vấn đề “du” khi thiết kế tour theo kiểu này. Và như vậy việc lôi cuốn và làm sao để kéo du khách quay lại các vùng miền đó vẫn còn là một vấn đề bỏ ngỏ.
Hầu hết các tham luận được báo cáo và chất vấn tại hội nghị đều xoay quanh việc tìm tòi những nét văn hóa nổi bật của các vùng miền - cư dân trên khắp các lãnh thổ Việt Nam để xây dựng thành những chương trình tour Việt.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận