Hai sinh viên Ngọc Hà, Phương Linh cố gắng tìm việc làm thêm để có tiền trang trải các chi phí sinh hoạt - Ảnh: HÀ QUÂN
Phòng trọ rộng 5-7m2 nằm trong con ngõ sâu gần trường. Phạm Ngọc Hà (sinh viên năm cuối, quê Tuyên Quang) đang cùng Đào Phương Linh (sinh viên năm cuối, quê Hưng Yên) tính toán lại sinh hoạt phí.
Từng gạch đầu dòng: trứng gà 40.000 đồng/chục, rau muống 30.000 đồng/mớ to, cà chua 15.000 đồng/cân khiến Hà "hoa mắt". Nhưng hãi nhất là tiền phòng 2,8 triệu đồng/3 người, điện nước 4.000 đồng/số điện.
Với quỹ sinh hoạt phí "phình to", Phương Linh tính sẽ phải tìm thêm việc gia sư tiếng Hàn để vừa tích lũy kinh nghiệm, bớt phải xin tiền cha mẹ ở quê, do năm cuối nên tiền học liệu làm khóa luận khá tốn kém.
Hà cho biết: "Mỗi tháng, bố mẹ gửi cho 3 triệu đồng. Xăng tăng nên cái gì cũng tăng, em không còn đi ăn ngoài nữa. Bố mẹ tính nếu mua thịt, rau củ để lâu như khoai lang, khoai tây, su hào, cà rốt, bắp cải gửi lên thì vẫn rẻ hơn mua tại Hà Nội, lại còn tránh nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh. Thế là từ tháng nay, em chỉ ra chợ mua cà chua, hành, tỏi, dầu ăn, còn lại bố mẹ đóng thùng gửi từ quê lên".
Chị Nguyễn Thị Nga (44 tuổi, quê Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc) phải căng mình làm công việc kéo xe thuê ở chợ Long Biên để tồn tại trên thành phố, dành dụm tiền gửi về quê nuôi hai con đang học phổ thông.
Chị Nguyễn Thị Nga vừa nấu cơm, vừa chia sẻ câu chuyện khó khăn khi xăng tăng giá - Ảnh: HÀ QUÂN
Chị Nga kể: "Việc thì bập bõm, ngày có, ngày không. Có ngày nhiều người thuê thì kiếm được 100.000-200.000 đồng, ngày nhiều mới được 300.000 đồng. Nhưng có ngày ngồi từ 21h đến sáng không được chuyến nào vì ít khách, chủ buôn nhập hàng ít đi".
Chồng chị chạy Grab, trừ xăng xe, tiền ăn trưa cũng được 100.000-150.000 đồng. Nhưng giờ có ngày chả được nghìn nào. Tiền nhà cứ mở mắt ra là mất 40.000 đồng/ngày. Tháng phải trả hơn triệu tiền phòng, chưa tính điện nước, ăn uống, thuốc men lúc ốm đau.
Vừa kể, chị Nga tranh thủ bẻ nhỏ tấm gỗ vừa nhặt được ở bãi phế liệu gần chợ. Đây là nguyên liệu đun nấu chính của gia đình chị do gas tăng. Bữa nay, chị Nga nấu một bữa cơm có hai miếng thịt luộc, một ít cổ gà và vài nghìn dưa muối.
"Trong Tết, giá gas chỉ tầm 380.000 đồng/bình, giờ đã là 480.000 đồng, tăng cả trăm bạc chứ ít gì. Chưa kể dầu ăn, nước mắm đều tăng giá. Như dầu ăn, chai bé chỉ 15.000 đồng mà giờ 20.000 đồng. Từ độ hai tuần nay, mình đã chuyển sang dùng mỡ lợn thay cho dầu ăn. Muối hạt thay cho bột canh, mì chính, miễn là no bụng để đi làm là tốt rồi", chị Nga bộc bạch.
Dù đường về nhà chỉ khoảng 70km nhưng hai tháng qua chị và chồng chưa về thăm con. Bởi mỗi lần về thăm nhà lại mất thêm khoản tiền đi lại, trong khi "cục nợ" gần 200 triệu đồng do heo mắc dịch tả châu Phi hai năm trước vẫn ám ảnh chị Nga.
"Hai năm trước, mình có chăn nuôi lợn, sau thì chết hết nên theo người cùng làng xuống Hà Nội làm. Người ta bảo làm gì thì mình làm nấy, miễn là có tiền, mỗi tháng gửi được về quê vài triệu để ông bà nuôi con. Ai cũng bảo về quê cho đỡ khổ nhưng còn tiền vay vẫn phải trả, thà ở trên này còn có đồng ra đồng vào", chị giãi bày.
Cùng cảnh lao động nghèo kiếm sống, cô Hiền (51 tuổi, quê Sơn Tây, Hà Nội) tâm sự cô và chồng cứ 3h sáng dậy để thịt lợn rồi đi gần 50km đến một chợ cóc ở quận Thanh Xuân để bán. Ngồi từ sáng đến gần trưa, lác đác vài người hỏi mua nên chỗ thịt của hai vợ chồng cô Hiền vẫn còn mới nguyên. Theo cô Hiền, giá thịt lợn vẫn ở mức 80.000 đồng so với trước Tết do buôn bán ế ẩm, nếu tăng nữa thì không có khách.
Ngồi ở sạp kế bên cô Hiền, chị Hoa (bán tôm tươi, quê Chương Mỹ, Hà Nội) cũng lo lắng vì trưa rồi vẫn chưa bán được hàng. Nhà cách chợ 30km, chồng làm ruộng, lúc được mùa lúc mất mùa nên kinh tế đặt nặng lên vai chị.
Chị Hoa tâm sự: "Do dịch, xăng tăng nên người ta hạn chế ra ngoài. Mình nhập hàng đã 17.000-18.000 đồng/lạng rồi nên không thể bán thấp hơn nữa. Ngày trước, sinh viên đông nên nhập 4-5 triệu vẫn hết hàng, giờ giảm đi một nửa mà không có khách mấy".
Chị Hoa, cô Hiền chỉ là hai trong số hàng ngàn tiểu thương khắp các chợ cóc, chợ dân sinh trên địa bàn thủ đô đang "méo mặt" vì xăng tăng, gas tăng. Với họ, mong muốn lúc này là dịch bệnh sớm qua đi, vật giá giảm xuống để có thêm miếng thịt, mớ rau cho bữa cơm gia đình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận