25/04/2011 23:25 GMT+7

Sinh viên Mỹ gốc Việt về nguồn

VÂN ANH
VÂN ANH

AT - Khi các trường học ở Mỹ bắt đầu kỳ nghỉ đông, cũng là lúc các bạn trẻ người Mỹ gốc Việt trở về quê hương.

Một số đi nghỉ đông ở Việt Nam, tranh thủ thăm họ hàng và làm một tour xuyên Việt. Một số khác nếu có thể sắp xếp thời gian và việc học, công việc, sẽ ở lại quê nhà ăn tết dân tộc. Và cũng không ít bạn tham gia các chương trình giao lưu kiều bào sinh viên học sinh gốc Việt tại Việt Nam.

9B4ZVNst.jpgPhóng to
Hồng Nga Natalie Thị Phạm(Mỹ), tiến sĩ triết lý giáo dục ở tuổi 25 đã về VN giảng dạy - Ảnh: Như Hùng

Trong các chương trình đó, các bạn sẽ được gửi đến cùng sinh hoạt với một gia đình Việt Nam để học thêm tiếng Việt, hiểu thêm văn hóa đất mẹ. Sau đó họ rong ruổi các vùng miền còn khó khăn của quê cha đất mẹ, để nhận thức rõ cuộc sống còn nhiều khó khăn ở quê hương, từ đó nơi đất khách họ ra sức học và làm việc với niềm ấp ủ sẽ có ngày trở về giúp đỡ quê hương mình.

Tôi thích những bạn trẻ như vậy. Hẳn các bạn ấy ý thức rõ hai tiếng “nguồn cội” lắm mới chịu từ bỏ những tháng ngày lễ hội ở Mỹ vào dịp cuối năm, để về miền đất nắng gió. Họ không ngại khó, ngại khổ. Họ chịu quan sát và suy ngẫm mọi thứ thuộc về quê nội quê ngoại. Tôi tin chắc một điều, nơi đất khách kia họ đã và đang rất tự hào về dòng máu Việt trong mình.

Mùa hè năm trước, tôi may mắn tham gia lớp học chuyên đề của IVCE (*) tổ chức tại Sài Gòn. Các lớp này gồm có TOEFL, SAT, GRE. Đây là các chứng chỉ cần thiết để các bạn trẻ Việt Nam có ước mơ du học Mỹ tìm được một học bổng thích hợp cho mình. Sau buổi giao lưu giới thiệu tại Trường ĐH KHXH-NV TP.HCM, tôi nhận thấy có rất nhiều sinh viên các trường đăng ký học.

Chúng tôi chỉ gởi 150.000 đồng là tiền photo tài liệu, phương tiện đi lại cho các anh chị hướng dẫn vì thực tế họ không nhận một đồng nào gọi là tiền công. Khóa học kéo dài trong hai tháng, tuần ba buổi, học tại trụ sở chính của Anh văn Hội Việt Mỹ. Những người hướng dẫn đều là sinh viên Mỹ gốc Việt tốt nghiệp loại giỏi của các trường đại học bậc nhất nước Mỹ.

Anh hướng dẫn tôi lúc ấy vừa tốt nghiệp trường UCLA(**) và một chị từ UCD (***). Tiếng Anh của họ tất nhiên là giỏi rồi, tiếng Việt thì bập bẹ. Nhưng tất cả vui lắm. Một bạn trong lớp tên Châu, anh ta cứ gọi bạn ấy là “buffalo” (con trâu). Kết thúc khóa học, anh ta ngỏ ý muốn ăn một món ăn có cái gì trắng, mỏng rồi cuốn đồ ăn lại. Vậy là cả lớp khao anh ta một bữa hoành tráng ở bánh tráng Trảng Bàng Hoàng Ty.

Tôi nhận thấy sự nhiệt thành và hào hứng rất lớn từ họ, những người Mỹ gốc Việt rất trẻ.

Thật may mắn khi vẫn còn nhiều gia đình Việt ở nước ngoài đã truyền cho các thế hệ kế tiếp những giá trị truyền thống của dân tộc Việt. Họ không chối bỏ đất nước còn khó khăn, hiểu những khó khăn đó đang rất cần sự đóng góp của chính họ.

(*) IVCE: The Institute for Vietnamese Culture and Education (Viện Văn hóa và giáo dục Việt Nam)(**) UCLA: University of California, Los Angeles (Trường ĐH California ở Los Angeles)(***) UCD: University of California, Davis (Trường ĐH California ở Davis)

gu4A0O7L.jpgPhóng to

Áo Trắngsố 37(số 92 bộ mới) ra ngày 15/04/2011hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

VÂN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên