23/05/2016 11:00 GMT+7

Sinh viên đam mê cheerleading

T.PHÚC - H.ĐĂNG (huydang@tuoitre.com.vn)
T.PHÚC - H.ĐĂNG (huydang@tuoitre.com.vn)

TT - Nhào lộn trên độ cao 2m hay đu người thực hiện những động tác mạo hiểm - đằng sau các bài biểu diễn cheerleading (thể dục cổ vũ) đẹp mắt đó là những buổi luyện tập gian khó, hiểm nguy, nhưng cũng giúp ích không nhỏ cho cuộc sống vừa học vừa làm của các bạn trẻ.

Đội cheerleading của Trường đại học Quốc tế - Ảnh: N.T.
Đội cheerleading của Trường đại học Quốc tế - Ảnh: N.T.

Là các bài biểu diễn thể dục cổ vũ trong những sự kiện thể thao, giải trí nhằm tăng thêm phần sôi động, hoạt náo, bản thân môn cheerleading cũng được xem như một môn thể thao rất có sức cuốn hút. Ở VN, môn thể thao này đang ngày càng phổ biến rộng rãi.

Chấn thương như cơm bữa

Đến xem một buổi tập luyện của đội cheerleading Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM, chúng tôi được mục kích thế nào là sự gian khổ của môn thể thao này. Hơn 10 bạn trẻ cùng tham gia một buổi tập với tiếng nhạc sôi động, những bước nhảy điêu luyện và các động tác tung hứng giữa không trung thật đẹp mắt. Đỉnh cao là khi các flyer (những người được đồng đội nâng lên cao) đu người nhịp nhàng trên đôi tay của các đồng đội.

Nhưng rồi bất ngờ một cô gái sẩy chân ngã xuống, rất may cô được đồng đội đỡ kịp thời nhưng bài tập cũng phải ngưng giữa chừng. Võ Thành Nhẫn, một thành viên kỳ cựu trong đội, cho biết chuyện chấn thương xảy ra rất thường xuyên trong môn cheerleading.Thành Nhẫn nói: “Chấn thương thường xảy ra khi các flyer trượt chân ngã. Nhưng những người thường dễ bị chấn thương hơn lại là các baser (những người ở dưới, nâng các flyer lên) vì họ là người dang tay đỡ, thường bị va đập mạnh. Trặc tay, trặc chân, giập mũi là chuyện bình thường trong cheerleading”.

Trong số các đội cheerleading ở VN, đội của Trường đại học Quốc tế là đội hàng đầu, và vì có lịch diễn nhiều nên thành viên trong đội cũng dính chấn thương nhiều. Lê Ngọc Trân (sinh viên năm 3), thành viên kỳ cựu và cũng là HLV trưởng của đội, cho biết tập cheerleading suốt 6 năm qua, cứ 2-3 tháng lại dính chấn thương một lần. “Mới đây nhất, mình bị giãn dây chằng cổ tay và thoát vị đĩa đệm. Mỗi lần như vậy phải nghỉ tập suốt cả tháng”.

Khó khăn, nguy hiểm là vậy, nhưng các bạn trẻ theo tập cheerleading không nao núng vì quá đam mê. Phạm Thị Hoàng Trang (23 tuổi), sinh viên Cao đẳng Bách Việt vừa ra trường, cho biết sở thích từ nhỏ vốn là học múa, từng đi biểu diễn nhiều lần ở trường. Khi vào Sài Gòn học đại học, Hoàng Trang thấy bạn bè tập cheerleading và mê mẩn với môn thể dục vừa mang tính thể thao, vừa có âm nhạc sôi động này.

“Khó khăn kể ra cũng nhiều lắm. Thời gian đầu tôi cũng giống như những người mới tập chơi khác, hai chân đi hai hàng kỳ lắm. Chấn thương cũng nhiều, mà tôi thì vốn không có kinh nghiệm chơi thể thao. Nhưng dần dà rồi cũng quen. Cheerleading không chỉ rèn luyện thể chất mà còn giúp tôi cảm thấy dạn dĩ hẳn ra, thích nghi với cuộc sống năng động ở Sài Gòn. Tôi vốn là sinh viên tỉnh vào học nên hồi đầu còn rụt rè lắm” - Hoàng Trang nói.

Vừa học vừa “chạy sô”

Ở VN, cheerleading vẫn chưa phải là một môn thể thao được công nhận rộng rãi khi chưa có liên đoàn. Ông Đinh Anh Tuấn - HLV đội cheerleading của Nhà văn hóa Thanh niên, là một trong những người đầu tiên huấn luyện môn thể thao này tại VN - cho biết: “Ở VN chỉ có khoảng một, hai giải đấu được tổ chức trong năm. Chừng này là quá ít so với nhu cầu tập luyện, thi đấu của các bạn trẻ. Lứa tuổi học sinh cấp II cho đến đại học chơi môn này rất nhiều”.

Chưa có nhiều sân chơi chuyên nghiệp, “đất dụng võ” của những người tập luyện cheerleading chủ yếu là trong các chương trình giải trí, thông thường sẽ có tiết mục biểu diễn cheerleading để tăng thêm phần sôi động. Và những giọt mồ hôi gian khổ của các bạn trẻ đam mê cheerleading cũng được trả công phần nào.

Lê Quốc Hùng (25 tuổi), cựu sinh viên Trường đại học Hùng Vương, cho biết hiện anh đã có được công việc ổn định trong ngành tổ chức sự kiện nhưng cách đây vài năm khi còn đi học, “chạy sô” cheerleading là nguồn thu nhập chính cho cuộc đời sinh viên của anh. “Mỗi buổi biểu diễn chúng tôi nhận được tầm 200.000 - 300.000 đồng. Mỗi tháng trung bình có 2-3 sô diễn. Thi thoảng gặp được những chương trình lớn thì mỗi người có thể kiếm cả triệu đồng. Chi phí tập luyện của chúng tôi không nhiều, chỉ tốn tiền quần áo, còn sân bãi, thảm tập thì Nhà văn hóa Thanh niên cho mượn. Vì vậy thu nhập từ môn cheerleading cũng giúp ích đáng kể cho tôi thời sinh viên”.

So với Nhà văn hóa Thanh niên, đội cheerleading của Trường đại học Quốc tế “chạy sô” nhiều hơn khi mỗi tháng có 5-6 buổi diễn, phần lớn là cho các chương trình của Sở Văn hóa - thể thao TP.HCM. Tất nhiên, thu nhập này chưa đáng kể gì để có thể thành một nghề sinh nhai cho các bạn trẻ. “Nhưng đằng nào thì chúng tôi cũng sẽ tập luyện cheerleading vì đam mê. Nên có thu nhập vẫn tốt hơn, nó giúp đội có được kinh phí để tập luyện hay chữa trị chấn thương” - Ngọc Trân nói.

Ông Tuấn cho biết vì phong trào cheerleading ở VN còn chưa thật sự phát triển chứ ở những nước như Thái Lan, môn thể thao này trở thành một nghề thực thụ.

Mơ ước phát triển môn cheerleading

Chỉ xem cheerleading như một thú vui giải trí bên cạnh công việc thường ngày nhưng các bạn trẻ ở Nhà văn hóa Thanh niên vẫn ấp ủ nhiều kế hoạch để môn thể thao mà mình đam mê được chuyên nghiệp hóa hơn. Cụ thể như vài năm qua, Lê Quốc Hùng và các bạn thường xuyên bỏ tiền túi ra mời những thành viên trong Liên đoàn Cheerleading Singapore (ICU) để tổ chức các buổi tập luyện, hướng dẫn kỹ năng thú vị cho các bạn trẻ sinh hoạt ở Nhà văn hóa Thanh niên.

Mới đây nhất là chương trình mang tên Vietnam Cheer Fest với chủ đề rèn luyện kỹ năng dựng tháp (đứng chồng lên nhau) trong cheerleading. Diễn ra tại nhà thi đấu Rạch Miễu (Q.Phú Nhuận), chương trình thu hút đến hơn 100 bạn trẻ tham dự.

T.PHÚC - H.ĐĂNG (huydang@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên