10/11/2015 22:31 GMT+7

Sinh viên "chơi chủ yếu" đổ lỗi cho môi trường

TRẦN HUỲNH
TRẦN HUỲNH

TTO - Sau bài “Sinh viên thế hệ i: i-học không nhiều, i-chơi chủ yếu?", nhiều sinh viên đã lên tiếng phản biện rằng họ dùng i để "chơi chủ yếu" không phải vì chính bản thân họ!

Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM) đã có nhiều
Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) có nhiều công cụ đáp ứng nhu cầu của sinh viên “thế hệ i” - Ảnh: Trần Huỳnh

Thanh Hiếu, sinh viên Trường ĐH Văn Hiến, thừa nhận: “Tôi cũng như không ít bạn bè cùng lớp đều có nhiều thiết bị công nghệ như laptop, smartphone… nhưng chủ yếu để giải trí. Trên lớp thầy cô còn dạy chay, chúng tôi cũng không phải làm bài tập online. Nếu nhà trường cũng như các giảng viện sử dụng thiết bị công nghệ hiện đại trong dạy học, tôi nghĩ với các thiết bị thông minh sinh viên đang có sẽ trở nên hữu ích hơn rất nhiều”.

"Thiết bị trường chúng tôi rất... chuối"

“Các bạn sinh viên một số trường khác có cơ sở vật chất tốt, nhà trường đầu tư hệ thống mạng, lớp học với trang thiết bị hiện đại, thư viện điện tử… nên với chiếc smartphone, tablet sẽ hỗ trợ họ nhiều trong học tập. Trong khi máy móc, thiết bị phục vụ việc giảng dạy học tập ở trường tôi rất… chuối nên chúng tôi đâu có cơ hội sử dụng iPhone, iPad của mình để học tập. Chủ yếu lên “phây” chém gió thôi” - Kim Dung, sinh viên Trường ĐH Mỏ địa chất Hà Nội, nói.

Sinh viên của nhiều trường ĐH, CĐ tư thục ở TP.HCM cũng đều cho rằng do các trường chưa đầu tư các thiết bị dạy học hiện đại, thư viện điện tử cũng không có. Nếu nhà trường tổ chức tốt việc ứng dụng các thiết bị công nghệ thông minh trong đào tạo, sinh viên sẽ sử dụng các thiết bị này cho việc học tập hơn là chỉ để giao lưu, giải trí.

Tuy nhiên ở góc nhìn khác, bạn Cao Thục Trinh, sinh viên năm cuối khoa báo chí - truyền thông Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho rằng thông tin thuận lợi, dễ dàng tương tác nhờ Internet, nhờ các thiết bị di động vừa là cơ hội vừa là cám dỗ với người trẻ nói chung và sinh viên nói riêng. Những sinh viên nào tận dụng được thì là cơ hội, những ai không có sức đề kháng về sự văn hóa, tính cách, xu hướng thì là cám dỗ…

“Không ít sinh viên vin vào sự tiện ích của công nghệ để lười biếng học, lười lên lớp, chỉ cần ở nhà xin bài giảng qua mail của giảng viên, theo dõi các kênh giáo dục điện tử... và không chịu chủ động học hành. Chính xác thì là ỷ lại! Ỷ lại vào sức mạnh công nghệ nên không học hành tích cực” - Trinh nói.

Số hóa giảng đường “sinh viên i” sẽ học nhiều hơn

Theo nhận xét của nhiều sinh viên Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), hiện nay nhà trường có rất nhiều công cụ để hỗ trợ và đáp ứng nhu cầu của sinh viên “thế hệ i”.

Nhà trường đã và đang cung cấp mạng không dây miễn phí cho sinh viên để hỗ trợ cho việc học tập và tra cứu. Giảng viên đã áp dụng được mạng Internet vào bài giảng, nhờ đó mà bài học trở nên phong phú và sinh động hơn. Ngoài ra đã bắt đầu “số hóa” giảng đường, sinh viên được tạo phòng học và làm bài online giúp tăng hiệu quả học tập.

Trần Hoàng Hữu Đạt, sinh viên năm nhất ngành cơ điện tử chất lượng cao Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho rằng: “Theo xu hướng hiện nay, để tăng hiệu quả tôi nghĩ nên có mạng Internet tốt hơn hay theo từng tầng để mạng ổn định hơn vì đôi lúc có vấn đề không chỉ trong lúc làm bài mà còn liên quan đến bài giảng của giảng viên, mở nhiều kênh mạng xã hội hay kênh thông tin chia sẻ bài giảng trước ngày học và để trao đổi thông tin học tập. Cải thiện mạng là điều quan trọng nhất để giúp phát triển “thế hệ i”. Giảng viên cần đưa bài giảng của ngày hôm sau lên mạng để sinh viên, học sinh dễ chuẩn bị và xây dựng bài tốt hơn”.

Trong khi đó, bạn Nguyễn Trí Chấn Hưng, sinh viên Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), nói: “Phương pháp giảng dạy và kênh trao đổi thông tin trên Internet đã trở nên thông dụng. Vì vậy giảng viên cần thay đổi cách giảng dạy, cách trao đổi thông tin và bài học nên trực tiếp thông qua Internet. Nhà trường cần tạo cơ hội cho sinh viên thế hệ i có điều kiện học tập và sáp nhập hơn với Internet”.

Thay đổi cách sử dụng Internet

Để khắc phục tình trạng sinh viên “thế hệ i” chơi nhiều hơn học, Cao Thục Trinh cho rằng sinh viên phải thay đổi cách sử dụng Internet của bản thân. Thay vì ngốn thời gian cho các mạng xã hội, nhạc, phim, game..., các bạn nên dành thời gian để du ngoạn, tìm hiểu những trang web khoa giáo, công nghệ... phù hợp với đam mê và ngành học của mình.

 

TRẦN HUỲNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên