![]() |
Bác Hồ vào năm 1969 - Ảnh tư liệu |
Ngày 19 tháng 5 năm ấy, đúng 9 giờ Bác ngồi trước bàn làm việc tiếp tục viết và sửa chữa Di chúc. Bên ngoài trời nắng đẹp, những chùm hoa phượng nở sớm bắt nắng khoe mầu rực rỡ. Mặt hồ lăn tăn gợn sóng, lấp lánh ánh mặt trời. Một làn gió mát rượi ùa vào khung cửa sổ, làm bay bay những sợi tóc bạc trên đầu Bác. Bác ngồi đó, vầng trán mênh mông, ung dung, thanh thản. Bác xem lại toàn bộ bản viết trong 4 năm qua, nhưng chỉ chữa thêm ba chữ ở phần mở đầu. Bác dùng chữ "sẽ" thay cho chữ "phải" trong câu "phòng khi tôi phải đi gặp cụ Các Mác, cụ Lê Nin và các vị cách mạng đàn anh khác". Trong câu "Khi người ta đã ngoài 70 tuổi", Bác thay chữ "tuổi" bằng chữ "xuân". Không phải ngẫu nhiên Bác gọi cuộc đời 79 năm của mình là 79 mùa xuân. Đầu năm 1946, trong thư gửi cho tuổi trẻ Việt Nam, Bác viết: "Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội".
Nhân kỷ niệm ngày sinh nhật, ông Vũ Kỳ xin phép Bác mời chị Lê Thị Quyên (vợ anh hùng liệt sỹ Nguyễn Văn Trỗi) và chị Lê Thị Châu vào ăn cơm với Bác. Bác gật đầu hài lòng và dặn thêm:
- Chú mời cả chú Tô, trưa nay sang tiếp khách với Bác. Cả chú nữa, trưa nay chú cũng ăn cơm khách với Bác cho vui.
Bác nói với ông Vũ Kỳ và như nói với chính mình:
- Cháu Trỗi hy sinh cách đây đã gần 5 năm rồi đấy chú nhỉ.
Bác trầm ngâm một lúc rồi bảo:
- Chú phải làm cách nào để cháu Quyên bớt buồn và nói với đồng chí Cần nấu món ăn theo kiểu Nam Bộ để hai cháu miền Nam ăn cho ngon miệng.
Bữa trưa ngày 19 tháng 5 cuối cùng trong cuộc đời 79 mùa xuân của Bác Hồ diễn ra thật ấm cúng, thân tình. Bác ăn ngon miệng, vừa ăn vừa nói chuyện rẩt vui.
Buổi chiều, sau khi các bác sỹ thăm bệnh cho Bác, Bác lên nhà sàn viết thư khen các cháu thiếu niên hợp tác xã Măng non thôn Phú Mẫn, xã Hàm Sơn, huyện Yên Phong, tỉnh Hà Bắc (nay là tỉnh Bắc Ninh).
Bác thường có thói quen đọc báo hằng ngày, kể cả các báo địa phương. Qua báo Hà Bắc, được biết các cháu thiếu niên hợp tác xã măng non thôn Phú Mẫn là những thiếu niên vừa học tập tốt, vừa tham gia sản xuất tốt, có nhiều cố gắng trong việc chăm sóc trâu bò của hợp tác xã. Các cháu luôn luôn cho trâu bò ăn no, đi kiểm tra trâu bò ban đêm, mùa rét vận động các xã viên che kín chuồng trại, may áo cho trâu bò, v.v... Nhờ đó nhiều năm trâu bò của hợp tác xã không bị chết đói, chết rét, mà ngày càng béo khoẻ.
Trong thư Bác viết: "Các cháu tuy tuổi còn nhỏ, cũng có thể làm những việc ích nước, lợi dân. các cháu là những người chủ tương lai của nước nhà, của hợp tác xã. Thiếu niên Việt Nam ta ngày nay cả ở hai miền Nam Bắc có nhiều cháu rất dũng cảm, thông minh đã làm nên nhiều việc rất tốt đẹp trong hoc tập, sản xuất và chiến đấu.
Bác mong các cháu thiếu niên ở hợp tác xã Măng non Phú Mẫn luôn luôn cố gắng hơn nữa, học tập những gương của những thiếu niên anh hùng để ngày càng tiến bộ".
Suốt 24 năm làm Chủ tịch nước, hầu như năm nào Bác cũng gửi thư cho các cháu thiếu niên, nhi đồng. Đây là lá thư được viết và gửi đúng ngày thiêng liêng- ngày sinh nhật Bác và là thư cuối cùng Bác Hồ gửi cho thiếu nhi Việt Nam.
Sau khi được Bác Hồ gửi thư khen, Chủ nhiệm hợp tác xã Măng non Đặng Đình Chiến được mời tham dự trại hè thiếu nhi quốc tế. Đội thiếu niên thôn Phú Mẫn đã vinh dự được đón tiếp Quyền Chủ tịch nước Nguyễn Hữu Thọ và nhiều đoàn đại biểu thanh niên, thiếu niên trong nước và nước ngoài đã về thăm, trao đổi kinh nghiệm hoạt động.
Làm theo lời Bác dạy, nhiều đội viên thiếu niên năm ấy nay đã trưởng thành như: các sỹ quan quân đội Đặng Đình Chiến, Lê Đình Khang, bác sỹ Lê Danh Quang, tiến sỹ Nguyễn Hữu Tráng, Phó Vụ trưởng (Bộ Công An) Nguyễn Đăng Nghiệm, kỹ sư Nguyễn Văn Lương...38 năm qua các thế hệ thiếu niên thôn Phú Mẫn vẫn duy trì "hợp tác xã Măng non", tham gia tuyên truyền, cổ động các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, duy trì nền nếp đánh trống báo giờ học buổi tối, hằng tuần tổ chức vệ sinh đường làng, ngõ xóm...góp phần xây dựng quê hương giầu, đẹp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận