06/11/2004 08:35 GMT+7

Sinh mạng chính trị

TS TRẦN THƯỢNG TUẤN
TS TRẦN THƯỢNG TUẤN

TT - Đặt lợi ích công lên trên lợi ích tư trong công việc là yêu cầu hàng đầu về đạo đức của công chức nhà nước. Đó cũng là điều được dùng trong các bài giảng về đạo đức và nghĩa vụ công dân. Tuy nhiên, trong thực tế có phải điều đó luôn được xem là nguyên tắc cao nhất trong suy nghĩ và hành động của mỗi viên chức nhà nước?

Khi công việc của một cơ quan, xí nghiệp hay cả một ngành bị trì trệ, thì cách giải quyết thường thấy trên thế giới là người lãnh đạo với lòng tự trọng sẽ tự nhận trách nhiệm của mình và từ chức, nếu không muốn chờ đến lúc bị cách chức. Ở nước ta việc từ chức như vậy còn là chuyện hiếm và cách giải quyết thường kéo dài, làm gia tăng các thiệt hại đáng ra phải sớm được chặn đứng, làm giảm lòng tin của người dân. Điều đó được biện minh là sợ không khéo ảnh hưởng đến “sinh mạng chính trị”, một giá trị rất mơ hồ của người có chức vụ, nhất là người có chức vụ cao.

Ai cũng biết là người có chức vụ càng cao, nhưng năng lực kém, bất tài hay tiêu cực, thì thiệt hại do người đó gây ra đối với xã hội, đối với Đảng càng lớn. Với cách nghĩ về sinh mạng chính trị nói trên thì cách giải quyết thường thấy là chuyển người có vấn đề sang một đơn vị khác với cấp bậc tương đương hoặc thậm chí nhiều trường hợp còn được đưa lên vị trí cao hơn.

Trên thực tế, theo cách giải quyết nói trên, lợi ích cá nhân đã được coi trọng hơn lợi ích của cơ quan, xí nghiệp, ngành hay của dân nói chung. Sự kéo dài đó làm chùn bước những con người trung thực, cương trực, cũng như làm thui chột mọi ý tưởng thay đổi tư duy quản lý, hướng đi và cách hoạt động của đơn vị. Sự dung dưỡng những người kém tài mà cố vị, chứ chưa nói gì đến tiêu cực, cũng đồng nghĩa với sự hủy hoại môi trường phát triển của nhân tài.

Sinh mạng chính trị là gì? Nếu xem sinh mạng chính trị gắn liền với chức vụ và như vậy chức vụ càng cao thì sinh mạng chính trị càng lớn, thì sinh mạng chính trị của người công nhân, nông dân, người dân được đo bằng gì?

Theo quyết định 109 của UBND tỉnh Nghệ An, khoảng 135 cán bộ quản lý ngành giáo dục bị miễn nhiệm, chuyển công tác và hàng ngàn giáo viên chưa đạt chuẩn không được tiếp tục giảng dạy vì lợi ích chung là nâng cao chất lượng giáo dục của tỉnh. Như vậy vấn đề sinh mạng chính trị của số cán bộ quản lý và giáo viên này ra sao, hay vấn đề này chỉ dành riêng cho những người có chức vụ cao? Thật ra khái niệm sinh mạng chính trị chỉ thường nghe được ở những người có chức, có quyền, còn người dân thì chỉ nói đến quyền công dân và mong có sự bình đẳng và công minh.

Nếu hiểu sinh mạng chính trị được thể hiện qua sự tín nhiệm, quí trọng, tin yêu của Đảng và quần chúng thì người tự nhận thấy sự thiếu năng lực ở cương vị của mình và từ chức để tránh gây thêm thiệt hại cho đơn vị, cho đất nước, là người đáng kính chứ không hề bị ảnh hưởng gì đến sinh mạng chính trị. Chỉ có người bất tài, tham quyền cố vị hay tiêu cực thì dù ở cương vị nào cũng bị người đời xem rẻ, khi đó thì sinh mạng chính trị mới thật sự có vấn đề, dù vẫn yên vị.

Mong sao khái niệm về sinh mạng chính trị được xác định một cách rõ ràng để các hiền tài được thay vào đúng những vị trí thích hợp cho dân nhờ và nhân tài không bị mai một.

TS TRẦN THƯỢNG TUẤN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên