Phóng to |
Cao ốc vẫn xây dựng thì có hạn chế kiểu gì dân nhập cư vẫn cứ tăng. Trong ảnh: tòa nhà CT1 khu đô thị Mỹ Đình - Mễ Trì - Ảnh: LÂM HOÀI |
Giải trình về vấn đề quản lý dân cư, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng quy định của Luật cư trú khá “mở” nên tốc độ phát triển dân cư trên địa bàn Hà Nội quá nhanh, gây sức ép nhiều mặt lên quản lý dân cư, cơ sở hạ tầng, dịch vụ... Tuy việc bổ sung các điều kiện cư trú chặt chẽ hơn chưa phải là giải pháp tối ưu để quản lý dân cư nhưng cũng là một trong các biện pháp nhằm giảm bớt dân số nội thành.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị quy định theo hướng: những người đăng ký thường trú tại nội thành không thuộc các trường hợp được điều động, tuyển dụng, làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn; người về ở cùng người thân hoặc người trước đây đã có hộ khẩu trong nội thành phải đáp ứng các điều kiện: có việc làm hợp pháp, ổn định ở Hà Nội; có nhà ở thuộc sở hữu của mình hoặc nhà thuê lâu dài; đã tạm trú liên tục hai năm. Các đối tượng tạm trú và lưu trú thì không quy định đặc thù.
GS Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) cho rằng nếu siết chặt nhập cư theo quy định như vậy thì không có ý nghĩa gì nhiều, cũng không cản được dòng người dồn về Hà Nội làm việc. “Nhiều lao động vào thủ đô làm việc, người ta không cần hộ khẩu” - ông Thuyết khẳng định. GS Nguyễn Ngọc Đào (Hà Nội) cũng phân tích: “Hiện nay dân nhiều nơi về đây làm ăn, luật nói phải có việc làm hợp pháp, tôi thử hỏi một bà bán bún, bán nước chè có hợp pháp hay không? Thế nào là hợp pháp? Nếu bất hợp pháp thì đã bị điều chỉnh ở các luật khác rồi”.
Còn theo TS Trần Du Lịch, “trong điều kiện kinh tế thị trường không thể quản lý nhập cư bằng hộ khẩu. Hạn chế nhập cư nhưng trung tâm vẫn xây dựng cao ốc, trung tâm thương mại thì có hạn chế kiểu gì nhập cư vẫn cứ tăng. Muốn thay đổi chất lượng dân số phải thay đổi cơ cấu kinh tế. Muốn chống kẹt xe phải thay đổi quy hoạch giao thông, đô thị. Chứ cứ phát triển kinh tế vỉa hè mà đòi tăng chất lượng dân số thì không thể. Luật không nên biến những người dân có công việc, cư trú hợp pháp thành công dân hạng hai chỉ vì họ không có hộ khẩu”.
Ủng hộ Luật thủ đô ra đời nhưng cả GS Đào, GS Thuyết và TS Lịch đều chưa nhận thấy các quy định gọi là đặc thù trong luật này mang tính thuyết phục. “Khi nói Hà Nội là đô thị đặc biệt thì chưa thấy quy định nào đặc biệt: được làm gì đặc biệt, khác thường so với các đô thị khác: xây dựng cơ bản thế nào, quản lý đô thị thế nào?” - ông Đào hỏi.
Ngay đến cơ chế đặc thù về an ninh trật tự, ông Thuyết đồng tình với quy định của dự luật cho phép Hà Nội xử phạt nặng hơn địa phương khác nhưng đề nghị “phải nhìn rộng ra các đô thị khác nữa, TP.HCM cũng cần phạt nặng hơn nếu vi phạm ở nội thành chứ đâu chỉ riêng Hà Nội”.
Thảo luận về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng dân sự, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết đã có rất nhiều ý kiến khác nhau của đại biểu Quốc hội về cơ chế kiến nghị và xem xét lại quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC). Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Thu Ba, có ý kiến đề nghị không nên quy định cơ chế này. Tuy nhiên, ông Uông Chu Lưu cho rằng: “Xuất phát từ thực tế là những bản án, quyết định của hội đồng thẩm phán TANDTC cơ bản đúng pháp luật, bảo đảm công lý. Nhưng cũng có trường hợp sai lầm nghiêm trọng, gây oan sai cho người dân. Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân theo đúng pháp luật mà chúng ta không có cơ chế nào để giải quyết, khắc phục những trường hợp như vậy thì có được không? Nếu cứ để như vậy thì không ổn. Cho nên lần này xin phép Quốc hội có bổ sung một cơ chế đặc biệt, với những thủ tục, trình tự rất chặt chẽ”. Trước đó, theo Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình, cơ chế đặc biệt nêu trên là để chính hội đồng thẩm phán TANDTC sửa sai đối với quyết định của mình. Về vai trò của Viện kiểm sát trong hoạt động tố tụng dân sự, đại biểu Nguyễn Đăng Trừng (TP.HCM) cho rằng “việc dân sự cốt ở đôi bên”, vì vậy nếu Viện kiểm sát phát biểu quan điểm về giải quyết vụ án sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của một bên đương sự, hơn nữa chỗ đứng của Viện kiểm sát là lợi ích của Nhà nước, không phải lợi ích của một trong hai bên đương sự. Còn theo đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn), trong xử án thì án dân sự rất phức tạp, dễ nảy sinh tiêu cực nên việc tham gia của Viện kiểm sát là cần thiết. Dự kiến Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng dân sự vào ngày 29-3. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận