09/07/2009 08:45 GMT+7

Sĩ tử khu "ổ chuột"

LÊ VÂN - ĐÌNH DÂN
LÊ VÂN - ĐÌNH DÂN

TT - Lẩn khuất giữa Sài Gòn vẫn còn có những khu nhà xập xệ, ẩm thấp. Ở đó, có những lứa học trò nghèo đang tạm gác việc bươn chải mưu sinh hằng ngày để bước vào mùa thi ĐH…

h7ZTHJCA.jpgPhóng to
Tí Nị, niềm tự hào của bà Hồng - Ảnh: Lê Vân

Sáng sáng trên đường Lý Chính Thắng (Q.3, TP.HCM) có một phụ nữ nước da vàng nhợt loay hoay đẩy chiếc xe bán nước giải khát dựng sát vào cây cột điện trên vỉa hè. Đó là bà Nguyễn Thị Xuân Hồng, ngụ tại số 82/1D Lý Chính Thắng. Xe đẩy của bà không biết bao nhiêu lần bị dọn về UBND phường vì lấn chiếm vỉa hè, nay lại có thêm một cô gái “tiếp sức” cùng bà đẩy xe ra bán hàng! Đó là Trần Thị Thu Hương, con gái bà Hồng. Hương vừa thi xong đợt 1 kỳ thi tuyển sinh ĐH 2009 vào Trường ĐH Tôn Đức Thắng TP.HCM.

Đợt 2 của kỳ thi này, Hương sẽ thi vào Trường ĐH Y tế dự phòng TP.HCM.

Bài toán khó lúc nửa đêm…

Sự hi sinh của người mẹ

Một lần, hai lần và nhiều lần… Để có tiền cho con đi học, bà Hồng đã giấu gia đình đi bán máu từ năm Hương lên lớp 6 tới nay. Năm 2008 vừa rồi, cả Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Truyền máu - huyết học TP.HCM đều từ chối không nhận máu của bà Hồng vì cả lượng hồng cầu và tiểu cầu đều giảm sút nghiêm trọng khiến nước da bà vàng bệch như bây giờ.

Trong căn nhà xập xệ được giăng tứ tung bằng vải bạt, tôn cũ và giấy báo dán tường, Thu Hương mở ba cuốn học bạ từ lớp 1 đến lớp 12: những con số trong bảng điểm trung bình môn học hằng năm của Hương đều 8,5 trở lên.

Điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2009 của Hương đạt loại giỏi với ba môn toán, hóa, sinh đều được 9,5. Với kết quả học đó, bạn bè trong lớp của Hương ở Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai đều chọn thi vào một ngành học khá đẳng cấp ở các trường ĐH có điểm tuyển cao như Bách khoa, ĐH Y… Nhưng Hương lại khá khiêm tốn chọn thi ngành kế toán và y tế dự phòng trong hai đợt thi năm nay dù cô bé học rất chắc chương trình sách giáo khoa và giải được hầu hết các đề thi năm trước.

Bà Hồng tâm sự: “Con bé có hỏi tôi về việc chọn trường khi đăng ký thi và mấy đêm ròng thấy nó đặt bút hoài rồi lại ngồi ngẫm nghĩ. Gặng hỏi hoài nó bảo chọn trường còn khó hơn làm… mấy bài toán khó!”. Cô học trò nhỏ luôn có kết quả học xếp trong top 10 của lớp nhưng lại rất rụt rè bộc bạch: “Hương muốn chọn ngành học nào dễ kiếm việc và học phí vừa phải để có thể đi học và phụ má!”. Đêm Hương đặt bút chọn hai trường sẽ thi trong kỳ thi tuyển sinh 2009 cũng là đêm mà hai mẹ con phải cùng ngồi lại giải bài toán khó không có trong bất kỳ đề thi nào: chọn trường nào để có đủ tiền theo học.

Nhà mẹ con Hương đang ở là một ngôi nhà thuê, cả gia đình năm người cùng trú ngụ. Căn nhà xập xệ lắm. Có gác nhưng thủng lỗ chỗ, nóng bức. Sát cạnh nhà vệ sinh và cũng là bếp nấu ăn là chiếc giường sắt với đống chăn gối cũ nát, nơi Hương ngủ, học bài. Giường của anh trai Hương là chiếc ghế dài của một tiệm uốn tóc bỏ đi nên mẹ Hương lượm về dùng. Còn ba mẹ Hương trải chiếu nằm dưới nền đất ngay trước cửa ra vào. Những lúc ở nhà, Hương mang sách vở ra xe đẩy phụ mẹ bán nước và lúc vắng khách thì ngồi học. Vậy mà suốt 12 năm liền Hương luôn là học sinh xuất sắc của lớp.

Trong ba anh chị em chỉ còn mình Hương đi học vì ba mẹ không đủ sức lo cho cả ba. Hai người anh em còn lại của Hương đều đang làm những việc theo thời vụ nên thu nhập bấp bênh, ba Hương làm phụ hồ cũng thường xuyên thiếu việc làm. Cả nhà năm người đều trông chờ vào xe đẩy của người mẹ và gần 1 triệu đồng hằng tháng bà đi giúp việc theo giờ cho người ta.

Ở nhà, Hương thường được gọi bằng tên Tí Nị vì đã hết cấp III mà cô bé vẫn nhỏ con, đen nhẻm như cô học trò cấp II. Niềm tự hào mang tên “Tí Nị” của ba mẹ Hương đã khóc khi tâm sự: “Hương không biết phụ giúp gì hơn khi thấy ba mẹ vất vả, chỉ biết cố gắng học thật tốt!”. Đó là khi Hương kể lại lần phát hiện bà Hồng, vì để có tiền đóng học phí cho con đã đi bán máu!

wZudZlxI.jpgPhóng to
“Bé Tí” Nguyễn Thị Phương Thảo ở xóm tỏi và góc học tập của mình - Ảnh: LÊ VÂN

Khu “xóm tỏi” vào mùa thi

Phải bước đi rất khẽ khàng và khéo léo chúng tôi mới leo được lên căn gác xép bằng gỗ ọp ẹp, nóng hầm hập nhà bé Tí, cô học trò “xóm tỏi” đang ôn thi trong đợt thi lần hai này. “Xóm tỏi” là tên gọi của cư dân khu xóm đình Phú Định trong hẻm chùa Hưng Minh Tự trên đường Lý Chiêu Hoàng, Q.6 (TP.HCM). Nghề chính của người dân ở đây là bóc tỏi thuê nên người ta gọi vậy.

Gác xép có một dãy chậu nhựa xếp thành hàng. Tí giải thích: “Tại trời sắp mưa nên xếp sẵn chậu…hứng nước dột!”. Hàng xóm ở đây khá quen mặt Tí (tên thật của Tí là Nguyễn Thị Phương Thảo - NV) vì sáng sáng Tí vẫn phụ bán hủ tiếu cho một quán ăn ngoài mặt tiền đường Lý Chiêu Hoàng. Còn thường đi học về Tí giúp mẹ bóc tỏi tới 8g tối mới lên gác xép học bài.

k3TJ9A3q.jpgPhóng to
“Ai bánh mì nóng đây...”. Sau giờ học, Nguyễn Thị Kim Thanh lại đi bán bánh mì - Ảnh: Đình Dân
12 năm liền Tí là học sinh khá, giỏi. Đợt vừa rồi Tí thi vào ngành sư phạm Trường ĐH Sài Gòn. Sắp tới Tí sẽ thi ngành điều dưỡng Trường ĐH Y TP.HCM. Hai sĩ tử khu “xóm tỏi” cùng thi trong đợt hai với Tí là Nguyễn Hữu Hoàng Tuấn và Trần Lê Vy cũng không chịu thua kém Tí khi 12 năm liền đều là học sinh giỏi và kết quả tốt nghiệp cũng đạt loại giỏi.

Còn ở khu ổ chuột nằm nép mình bên dòng kênh Tàu Hủ đen ngòm cũng đang chứng kiến nghị lực bước vào giảng đường của một cô bé nghèo. Đó là Huỳnh Thị Kim Thanh (sinh năm 1991), học sinh lớp 12A6 Trường THPT Tạ Quang Bửu. Nhiều người trong khu ổ chuột dọc bờ kênh này kể: “Con bé Thanh bán bánh mì để nuôi giấc mơ học ĐH đấy. Nhà nó thuộc diện xóa đói giảm nghèo của phường mà học giỏi lắm”.

Trong kỳ thi đại học này, Thanh làm đơn thi hai trường: khối A em thi vào khoa ĐHSP hóa Trường ĐH Sài Gòn, khối B Trường ĐH Y dược TP.HCM. “Thanh thích học sư phạm vì ước mơ từ nhỏ là được làm giáo viên, còn thi vào ngành y là quyết định sau cái chết của ba. Thanh muốn trở thành bác sĩ thật giỏi để chữa cho những người mắc căn bệnh quái ác như ba…” - Thanh tâm sự.

Để san sẻ gánh nặng với mẹ, Thanh và chị gái cũng lao vào cuộc mưu sinh sau những giờ đi học. Công việc đầu tiên của Thanh là phụ bán ở một quán cà phê cóc với tiền lương mỗi ngày vẻn vẹn 10.000 đồng. Công việc này kéo dài từ khi Thanh học lớp 7 đến lớp 11. Khi bước vào lớp 11, biết hoàn cảnh gia đình Thanh nghèo mà vẫn cố gắng học, một thầy giáo trong trường đã tặng Thanh chiếc xe đạp cũ của ông để cô bé có phương tiện đến trường.

jl1UtNFg.jpgPhóng to
Đường vào “xóm tỏi” - Ảnh: Lê Vân

Ngày ngày bà con trong khu ổ chuột ở phường 8, quận 8 lại thấy cô bé Thanh dáng người nhỏ nhắn, buổi sáng chở sách tới trường, buổi chiều lại chở sau xe một thùng bánh mì 50 chiếc. Với thùng bánh mì to hơn người chở sau xe, cô học trò nhỏ hằng ngày lại rong ruổi với tiếng rao “Ai bánh mì nóng đây” sau mỗi giờ tan học. Cách học của cô học trò khu ổ chuột này cũng kỳ lạ. Để đỡ tốn giấy, Thanh ngồi bệt giữa nhà mà học. Giấy nháp là nền nhà phẳng phiu, viết thì dùng bút chì và gôm.

“Viết rồi lại xóa, sạch nhà mà lại tiết kiệm giấy. Học như vậy cũng thấy thích nên riết thành thói quen!”, cô học trò nhỏ hồn nhiên bộc bạch.

Xếp bút sau đợt thi này, những sĩ tử của khu ổ chuột lại trở về mưu sinh hằng ngày cùng cha mẹ. Sẽ còn những bài toán khó không có trong bất cứ kỳ thi nào mà họ đang phải đối phó. Nhưng chúng tôi tin rằng chẳng có khó khăn nào cản được ước mơ cháy bỏng bước tới giảng đường cũng như khát khao đổi thay cuộc sống của những sĩ tử ở các khu ổ chuột này.

Cô lao công đến trường thi

cznzp49a.jpgPhóng to

15g30 tan ca làm, Tiên lại ôm sách vở ngồi học bên hành lang bệnh viện, chuẩn bị cho giờ lên lớp - Ảnh: ĐÌNH DÂN

Mùa thi đến, cô lao công trẻ Trần Thanh Tiên ở Bệnh viện Bình Dân trong phóng sự “Phận nữ lao công(Tuổi Trẻ ngày 3-12-2008) xếp bộ quần áo lao công, gác cây chổi vào góc nhà và chuẩn bị cho giấc mơ giảng đường.

Thế là sau hơn ba năm trời làm lao công, đây là những ngày tháng ý nghĩa nhất của cuộc đời cô lao công trẻ. Gác lại những nhọc nhằn của cuộc mưu sinh, lao vào những trang sách, con chữ với giấc mơ trở thành sinh viên khoa hộ sinh ĐH Y dược TP.HCM.

“Mấy hôm nay em lo lắm. Ba mẹ biết em mê học nên cũng động viên nhiều. Em biết nếu đậu càng phải cố gắng nhiều hơn nữa, đây là cơ hội rất lớn trong cuộc đời em và cả gia đình nữa nên em sẽ cố gắng hết mình”, Thanh Tiên chia sẻ.

Hôm nay, Trần Thanh Tiên lại cọc cạch trên chiếc xe đạp cũ kỹ của mình nhưng không phải đến Bệnh viện Bình Dân để cầm cây chổi mà đến phòng thi với cây bút.

LÊ VÂN - ĐÌNH DÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên