Phóng to |
Oscar Pistorius (trái) tham dự cả Olympic và Paralympic 2012 - Ảnh: AFP |
Theo Hãng tin AFP, nhiều VĐV và chuyên gia quốc tế lên tiếng kêu gọi Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) và Ủy ban Paralympic quốc tế (IPC) tích hợp Olympic và Paralympic thành một sự kiện thể thao chung. Nhiều người nhấn mạnh thể lực và khả năng không còn là yếu tố đáng lo ngại khi so sánh giữa các VĐV Olympic và VĐV Paralympic.
VĐV đua xe đạp Anh Victoria Pendleton, người giành HCV tại Olympic London 2012, khẳng định trường hợp của đồng đội Sarah Storey đã chứng minh điều đó. Storey không được dự Olympic và lập một thành tích tại Paralympic, đủ để giúp cô giành HCB Giải vô địch thế giới đua xe đạp dành cho VĐV bình thường. “Cô ấy thi đấu cho đội tuyển Anh ở Giải vô địch thế giới và Paralympic. Chẳng có lý do gì ngăn cản cô ấy tranh tài ở Olympic. Storey đã cho thấy mình đủ khả năng thi đấu với các VĐV Olympic” - Pendleton nhấn mạnh.
Năm nay VĐV điền kinh Nam Phi Oscar Pistorius, từng đoạt HCB cự ly 4x100m tiếp sức ở Giải vô địch điền kinh thế giới, đã đi vào lịch sử khi trở thành “người không chân” đầu tiên thi tài ở Olympic. Anh đã vào bán kết cự ly 400m và chung kết 400m tiếp sức. Tay vợt bóng bàn Ba Lan Natalia Partyka (sinh ra không có tay phải) cũng thi đấu ở cả Olympic và Paralympic. Đồng đội của Pistorius là VĐV bơi lội Natalie Du Toit bị cụt chân trái cũng từng góp mặt ở Olympic Bắc Kinh 2008.
Tuy nhiên, những người phản đối ý tưởng tích hợp trên cho rằng việc kết hợp hai sự kiện thể thao lớn nhất thế giới (xét theo số lượng VĐV tham dự) sẽ là một “cơn ác mộng” về phương diện hậu cần cho các nhà tổ chức. Cụ thể, tại Paralympic London có tới 4.200 VĐV từ 165 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự. Còn Olympic London thu hút 10.500 VĐV từ hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Những người phản đối cho rằng kết hợp hai sự kiện đồng nghĩa với việc nơi tổ chức sẽ phải xây làng VĐV lớn hơn, chuẩn bị nhiều địa điểm thi đấu hơn. Điều đó sẽ dẫn tới tình trạng tắc nghẽn lịch thi đấu nghiêm trọng. Như ở Paralympic có 15 vòng chung kết điền kinh ở cự ly 100m dành cho các VĐV khiếm thị, bị mất một chân, mất cả hai chân, bị bại liệt...
“Đó không phải là một tình huống khả thi bởi sẽ có quá nhiều thứ. Chúng ta không thể tổ chức một sự kiện thể thao khổng lồ với 750 bộ huy chương. Mọi người sẽ không chịu nổi” - ông Jason Hellwig, quan chức Ủy ban Paralympic Úc, khẳng định. Nhiều VĐV cũng cho rằng việc kết hợp hai giải sẽ khiến sự kiện thể thao này bị “loãng”. Hơn nữa ở Paralympic có nhiều môn thi đấu không tương thích với Olympic.
Gần đây, IPC và IOC đã ký một thỏa thuận duy trì hệ thống thi đấu hiện nay cho tới năm 2020. “Chúng tôi chưa thảo luận với IOC về việc tổ chức chung Paralympic và Olympic” - AFP dẫn lời chủ tịch IPC Philip Craven cho biết. Ông không loại trừ khả năng hai sự kiện thể thao này sẽ được tích hợp nhưng đó là “chuyện của tương lai”.
Pistorius lại thất bại Ngày 6-9 (giờ Anh), VĐV Pistorius đã không thể bảo vệ thành công HCV nội dung chạy 100m hạng thương tật T44 (cụt chân) tại Paralympic 2012. Tại Paralympic 2008, Pistorius đã thống trị các nội dung nước rút. Nhưng ở Paralympic lần này, Pistorius vẫn chưa có HCV cá nhân nào sau thất bại ở nội dung chạy 200m. Ở cự ly 100m, Pistorius chẳng những mất ngôi vô địch mà còn không đoạt được huy chương nào khi chỉ về thứ tư với thời gian 11,17 giây. Về nhất nội dung này là VĐV chủ nhà Jonnie Peacock với 10,90 giây. Như vậy tại Paralympic 2012, Pistorius chỉ còn cơ hội duy nhất để tìm HCV ở nội dung 400m. * Lúc 16g24 hôm nay (8-9), kình ngư Võ Thanh Tùng thi đấu nội dung 100m tự do hạng thương tật S5. Sau đó lúc 1g02 ngày 9-9, VĐV Cao Ngọc Hùng sẽ thi đấu nội dung ném lao hạng thương tật F57/58. Đây cũng là hai nội dung thi đấu cuối cùng của đoàn thể thao người khuyết tật VN tại Paralympic 2012. P.TẤN |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận