Điều này đồng nghĩa đó là án tử cho các bệnh nhân nghèo tại Ấn Độ và các nước khác.
Phóng to |
Ngày 22-8, Tòa án tối cao Ấn Độ đã bắt đầu phiên xét xử yêu cầu của Hãng dược Thụy Sĩ Novartis. Bị đơn của vụ kiện là Văn phòng cấp bằng sáng chế Ấn Độ, cơ quan đã từ chối cấp bằng sáng chế thuốc Glivec cho Novartis với lý do Glivec không phải là loại thuốc mới mà chỉ là một phiên bản cải thiện của một hợp chất đã được biết trước đó. Vụ xử dự kiến kéo dài trong vài tuần. Nếu Novartis thắng kiện, những phiên bản generic của Glivec được bán sau 2005, năm Ấn Độ gia nhập WTO, sẽ bị cấm.
Ấn Độ là “nhà thuốc của các nước đang phát triển”, đứng đầu thế giới về xuất khẩu các loại thuốc generic (thuốc được bào chế theo công thức có sẵn của thuốc nước ngoài đã chứng minh có hiệu quả và hết thời hạn bản quyền). Các loại thuốc này, bao gồm Glivec, có giá rẻ hơn rất nhiều so với thuốc bản quyền do chi phí sản xuất của các công ty Ấn Độ rẻ hơn và họ cũng không phải tái đầu tư vào nghiên cứu. Thị trường dược của Ấn Độ, được đánh giá sẽ đạt đến 74 tỉ USD vào năm 2020, đang là một thị trường béo bở thu hút nhiều hãng dược nước ngoài muốn nhảy vào đầu tư.
Cuộc chiến thuốc giá rẻ và thuốc bản quyền
"Nó đơn giản là một án tử hình cho chúng tôi" Bệnh nhân nhiễm HIV Vikas Ahuja kiêm chủ tịch một hội những người có HIV nói nếu Novartis thắng kiện |
Thuốc Glivec của Novartis được cấp phép tại Mỹ năm 2001 dưới tên Gleevec và được bán tại hơn 40 quốc gia khác. Gleevec được đánh giá là một bước tiến lớn trong điều trị các căn bệnh hiểm nghèo như ung thư bạch cầu tủy mãn tính và một số loại ung thư dạ dày, ruột non.
Chi phí điều trị bằng loại thuốc này lên đến 70.000 USD/năm trong khi các phiên bản thuốc generic của Ấn Độ chỉ tốn 2.500 USD/năm. Cuối năm 2003, Novartis xin được đặc quyền tiếp thị Glivec tại thị trường Ấn Độ và trong năm năm giá loại thuốc này đã bị đẩy lên cao gấp 10 lần.
Nội dung chính mà Novartis kiện là khoản 3(d) của Luật sáng chế Ấn Độ, theo đó không cho phép cấp bằng sáng chế với các phiên bản khác nhau của cùng một loại thuốc. Đó cũng chính là cơ sở để năm 2006 Văn phòng cấp bằng sáng chế Ấn Độ từ chối xác nhận bản quyền thuốc Glivec cho Novartis.
Theo Ấn Độ, thuốc Glivec đã được phát triển và cấp phép tại một số nước từ những năm 1990 và phiên bản cải tiến của loại thuốc này mà Novartis muốn được cấp bằng sáng chế không có đột phá đáng kể. Hãng dược Thụy Sĩ này sau đó đã hai lần kiện lên tòa cao cấp thành phố Chennai, bang Tamil Nadu nhưng đều thất bại.
Khi nộp đơn lên tòa án tối cao, Novartis cảnh báo vụ kiện sẽ là một phép thử về khả năng bảo vệ sở hữu trí tuệ ở Ấn Độ để họ xem xét sẽ tiếp tục hay không tiếp tục đầu tư.
Phóng to |
Một bệnh nhân nhận thuốc từ chương trình cấp thuốc miễn phí của chính phủ ở một bệnh viện thuộc Chennai, bang Tamil Nadu của Ấn Độ - Ảnh: Reuters |
Bảo vệ người nghèo
“Nó đơn giản là một án tử hình cho chúng tôi - bệnh nhân nhiễm HIV Vikas Ahuja kiêm chủ tịch một hội những người có HIV nói - Tôi đoan chắc rằng nếu Novartis thắng, các công ty đa quốc gia khác sẽ hùa nhau cùng kiện theo và giá các loại thuốc sẽ trở nên đắt đỏ không thể chấp nhận được”.
Các tổ chức nhân đạo quốc tế cũng lo ngại việc các hãng dược phương Tây giành được quyền bảo hộ sáng chế. Trên trang mạng chính thức của mình, Tổ chức Thầy thuốc không biên giới nhận định: “Ấn Độ khi đó sẽ không thể cung cấp cho các nước đang phát triển các dược phẩm chất lượng có giá hợp lý... Và ngày càng nhiều liệu pháp điều trị có chi phí vượt ngoài tầm với của các nước này”.
Rất nhiều loại thuốc giá rẻ để điều trị các căn bệnh nan y đều có nguồn gốc từ Ấn Độ, chẳng hạn thuốc điều trị nhiễm HIV được bán với giá chỉ 150 USD hay thuốc trị ung thư, lao phổi, sốt rét...
Nói về chuyện bản quyền, Yusuf Hamied, chủ tịch một công ty dược Ấn Độ, cho biết thực tế những loại thuốc hàng đầu thế giới hiện nay đều được bán bởi những công ty không sáng chế ra chúng. “Tôi tôn trọng bằng sáng chế nhưng không thể phủ nhận quyền được sản xuất thuốc giá rẻ cho người nghèo” - ông nhấn mạnh.
Các hãng dược nước ngoài khẳng định việc bảo hộ sáng chế là động lực để nghiên cứu cải tiến thuốc. Nhưng Ahuja cho rằng đó chỉ là một sự ngụy biện khi nghiên cứu của họ chỉ tạo ra những loại thuốc đắt đỏ để tìm kiếm lợi nhuận lớn mà chỉ người giàu mới mua nổi. Một nghiên cứu y khoa mới đây cho thấy chỉ 5% tổng số thuốc được cấp bằng sáng chế thật sự là thuốc hoàn toàn mới.
Quốc hội Ấn Độ năm 2005 đã bắt đầu bảo hộ sở hữu trí tuệ, nhưng cũng chỉnh sửa luật nhằm ngăn không cho các hãng dược tăng thời hạn bảo hộ bằng cách chỉnh sửa công thức thuốc hoặc thay đổi hệ thống phân phối. New Delhi cũng đang cân nhắc thay đổi quy định về giá thuốc, nâng số thuốc bị áp giá trần từ 74 lên 348 loại.
Ngoài ra, nhằm tránh nguy cơ thâu tóm của các hãng dược nước ngoài đối với các công ty trong nước có thể làm giá thuốc tăng lên, Ấn Độ đang đề nghị thành lập cơ quan chống độc quyền để xem xét tất cả vụ sáp nhập lớn trong ngành dược.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận