03/01/2020 10:00 GMT+7

Sẽ không xây dựng Bảo tàng Lịch sử quốc gia gần 11.300 tỉ đồng?

THIÊN ĐIỂU
THIÊN ĐIỂU

TTO - Ông Nguyễn Văn Cường - giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia cho biết dự án xây mới Bảo tàng Lịch sử quốc gia gần 11.300 tỉ đồng sẽ không được thực hiện trong thời gian tới, một kế hoạch thay thế sẽ được trình lên Thủ tướng.

Sẽ không xây dựng Bảo tàng Lịch sử quốc gia gần 11.300 tỉ đồng? - Ảnh 1.

Phối cảnh bảo tàng 11.000 tỉ đồng

Chúng ta sẽ xếp lại ước mơ xây dựng Bảo tàng Lịch sử quốc gia mới.

Ông Nguyễn Văn Cường (giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia)

Tại hội nghị tổng kết công tác năm 2019 của Bảo tàng Lịch sử quốc gia ngày 2-1 ở Hà Nội, giám đốc bảo tàng - ông Nguyễn Văn Cường - đã chia sẻ một thông tin đáng chú ý liên quan tới dự án xây mới Bảo tàng Lịch sử quốc gia gần 11.300 tỉ đồng từng gây nhiều tranh luận trên truyền thông.

Ông Cường cho biết việc xây dựng bảo tàng mới đã được bộ trưởng Bộ VH-TT&DL đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2015 - 2020, nhưng cuối cùng đã "bị nhỡ cơ hội". 

Bảo tàng này sẽ không được xây dựng trong thời gian tới, một kế hoạch thay thế sẽ được trình lên Thủ tướng. "Chúng ta sẽ xếp lại ước mơ xây dựng bảo tàng quốc gia mới" - ông Nguyễn Văn Cường nói.

Ông Cường cho biết mới đây ông đã có buổi trò chuyện với Phó thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện, và Phó thủ tướng đã đồng ý Bộ VH-TT&DL trình Thủ tướng dự án đầu tư nâng cấp toàn bộ khu vực Bảo tàng Lịch sử quốc gia hiện tại, đưa vào danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2020 - 2025.

Ông Cường cho biết dự án này sẽ chỉ cần số vốn đầu tư bằng 1/5 tổng mức đầu tư dự án xây mới Bảo tàng Lịch sử quốc gia mới (dự án được Thủ tướng phê duyệt vào năm 2006, số vốn đầu tư lên tới gần 11.300 tỉ đồng, dự kiến khởi công vào 2021). 

Dự án sẽ xây dựng trên nền Bảo tàng Cách mạng Việt Nam tại 25 Tông Đản, với đầy đủ các công năng hiện đại. Còn trụ sở tại số 1 Tràng Tiền sẽ cải tạo để tổ chức trưng bày lại cho hấp dẫn.

Ngoài nội dung liên quan tới việc nâng cấp bảo tàng, giám đốc Nguyễn Văn Cường cũng nêu ra những khó khăn trong hoạt động bảo tàng do những lỗ hổng và bất cập về hành lang pháp lý. 

Đó là việc hiện nay các bảo tàng rất khó khăn trong hợp tác với các bảo tàng ở nước ngoài để đưa hiện vật của họ về Việt Nam trưng bày, bởi lẽ hiện cả Luật dân sự và Luật di sản văn hóa đều không có quy định về miễn trừ tư pháp cho các hiện vật của bảo tàng nước ngoài đưa đến Việt Nam triển lãm như thông lệ quốc tế. 

Theo ông Cường, nếu không bịt lỗ hổng pháp lý này thì chúng ta sẽ không thể tổ chức các triển lãm hiện vật từ thế giới đến Việt Nam, rất thiệt thòi cho công chúng.

Vướng mắc pháp lý thứ hai liên quan đến hoạt động khai quật khảo cổ của bảo tàng. Ông Cường cho biết theo Luật di sản văn hóa hiện nay, hoạt động khai quật khảo cổ phải có sự đồng thuận của các địa phương mặc dù kinh phí là do Bộ VH-TT&DL cấp. 

Nhiều địa phương không đồng thuận mặc dù việc này có thể khiến hiện vật bị mất, bị xâm hại, vì họ cho rằng khai quật lên là hiện vật của địa phương bị chia sẻ. 

"Rất cần sớm sửa Luật di sản văn hóa" - ông Cường đề nghị các lãnh đạo Bộ VH-TT&DL và Cục Di sản văn hóa lưu ý các vấn đề này.

Khám phá di sản văn hóa Tây Nguyên tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Khám phá di sản văn hóa Tây Nguyên tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Ngày 20/1, tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia (Hà Nội) đã khai mạc trưng bày chuyên đề “Di sản Văn hóa và Sâm Ngọc Linh Kon Tum - Báu vật đại ngàn”.

THIÊN ĐIỂU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên