12/10/2011 09:00 GMT+7

Sẽ có văn phòng giám định tư pháp tư nhân

C.MAI
C.MAI

TTO - Chiều 11-10, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM đã tổ chức Hội thảo góp ý dự án Luật Giám định tư pháp (sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ hai).

Theo ông Trần Du Lịch, Phó Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM thì một trong những nội dung quan trọng của dự án Luật giám định tư pháp là việc cho phép thành lập tổ chức giám định tư pháp ngoài công lập (xã hội hóa công tác giám định tư pháp) dưới dạng Văn phòng giám định tư pháp, nhằm giảm bớt gánh nặng cho bộ máy. Theo dự án luật, các giám định viên tư pháp có đủ điều kiện theo quy định có thể thành lập Văn phòng giám định tư pháp (tương tự Văn phòng công chứng tư hiện nay) hoạt động song song với các cơ quan giám định tư pháp công lập (của nhà nước).

Tại hội thảo, nhiều ý kiến ủng hộ chủ trương xã hội hóa công tác giám định tư pháp nhưng chỉ nên hạn chế trong một số lĩnh vực. Ông Trần Văn Bảy, Trưởng phòng Bổ trợ tư pháp (Sở Tư pháp TP.HCM) cho rằng việc xã hội hóa công tác giám định tư pháp là cần thiết nhưng cần phải có lộ trình và chỉ nên giao cho giám định tư pháp tư nhân làm một số lĩnh vực như xây dựng, tài chính… Riêng giám định pháp y, pháp y tâm thần, kỹ thuật hình sự và văn hóa thì nên giao cho cơ quan giám định tư pháp của nhà nước.

Nhiều đại biểu công tác trong ngành tòa án, viện kiểm sát, công an và các luật sư cho rằng công tác giám định tư pháp hiện nay còn nhiều bất cập, là một điểm “nghẽn” trong hoạt động tố tụng. Có vụ án có nhiều kết luận giám định tâm thần, giám định gen trái ngược nhau (cơ quan này nói bị can tâm thần, cơ quan khác nói bình thường, kết luận này xác định cha đứa trẻ là ông A nhưng kết luận khác lại cho rằng cha đứa trẻ là ông B…) khiến cho các cơ quan tố tụng không biết căn cứ vào kết luận nào để giải quyết.

Kết luận giám định tư pháp là một chứng cứ khách quan hết sức quan trọng trong tố tụng nên nhất thiết việc ban hành Luật phải tạo điều kiện cho công tác giám định tư pháp phát triển, hoàn thiện hơn. Nhiều đại biểu kiến nghị bổ sung quy định về quyền trưng cầu giám định tư pháp của người dân khi có nhu cầu, không nhất thiết vụ việc phải được thụ lý giải quyết (trong dân sự, thương mại, hôn nhân gia đình,…) hay khởi tố (hình sự) thì mới được quyền trưng cầu giám định.

C.MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên