Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Trọng Hiệu, phó cục trưởng Cục Phát triển DN, Bộ KH-ĐT, cho biết:
Phóng to |
Ông Nguyễn Trọng Hiệu - Ảnh: Lê Thanh |
* Để hỗ trợ DN, Chính phủ đã chấp thuận với đề xuất gia hạn thuế thu nhập DN cho DN nhỏ và vừa, DN sử dụng nhiều lao động. Ông đánh giá như thế nào về giải pháp này?
- Chính sách giảm, giãn thuế thu nhập DN đang áp dụng trong năm 2011 là rất tốt nhưng quá nhỏ bé so với khó khăn của DN. Bởi mỗi năm, theo số liệu của Bộ Tài chính, DN khu vực dân doanh đi vay 1.100.000 tỉ đồng mà tiền thuế được gia hạn trong cả năm 2011 ước chỉ khoảng 9.469 tỉ đồng.
Vậy nên, tôi đề xuất các bộ như Bộ Tài chính nên mạnh dạn đề xuất giải pháp mạnh hơn như giảm, miễn thuế giá trị gia tăng cho DN chứ không chỉ dừng lại là gia hạn thuế thu nhập DN. Vì tiếp cận vốn vẫn khó khăn, lãi suất vẫn ở mức cao thì DN không trụ được, nên có giảm thuế thu nhập DN cũng không có ý nghĩa nhiều.
* Về phía Bộ KH-ĐT, bộ đã xây dựng chính sách gì để hỗ trợ DN?
- Hiện Bộ KH-ĐT đang trình Chính phủ đề án quỹ phát triển DN nhỏ và vừa. Dự kiến quỹ này sẽ được áp dụng trong năm 2012. Mục tiêu của quỹ này hoạt động không vì lợi nhuận nhưng phải bảo toàn vốn. DN được vay với lãi suất ưu đãi bằng khoảng 80% lãi suất thị trường, thông qua các ngân hàng thương mại thẩm định. Do vậy, quỹ này sẽ nhắm vào các DN thật sự sản xuất kinh doanh hiệu quả, lĩnh vực mà Nhà nước đang khuyến khích phát triển như sản phẩm xuất khẩu, sản phẩm chế biến nông sản, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ...
Trong số hơn 400.000 DN nhỏ và vừa có tới 56% là DN hoạt động trong lĩnh vực thương mại dịch vụ. Lĩnh vực này lại không cần đến vốn dài hạn mà chủ yếu là vốn lưu động. Nhà nước nên quan tâm nhiều hơn đến 25-27% DN nhỏ và vừa hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu, chế biến nông sản... vì họ rất cần vốn trung và dài hạn để mua máy móc...
* Quỹ này sẽ lấy nguồn từ đâu? Dự kiến là bao nhiêu tiền?
- Theo đề xuất, vốn ban đầu xây dựng quỹ là do Nhà nước cấp, với 3.000-5.000 tỉ đồng. Còn lâu dài, có thể vay ưu đãi từ những nguồn vốn hỗ trợ phát triển của các nước dành cho phát triển DN nhỏ và vừa.
* Có ý kiến cho rằng nên hỗ trợ lãi suất cho DN như năm 2008, quan điểm của ông như thế nào?
- Theo tôi, hỗ trợ lãi suất cũng có thể áp dụng nhưng không nên làm dàn trải như trước. Có thể tập trung hỗ trợ ở một số ngành nghề, lĩnh vực mà Nhà nước khuyến khích phát triển như chế biến nông thủy hải sản, xuất khẩu... Quan trọng là việc triển khai thực hiện như thế nào. Tôi được biết ở một số nơi, có không ít DN không thuộc đối tượng được vay ưu đãi. Nhưng vì có mối quan hệ với lãnh đạo chính quyền mà DN đã vay được vốn với lãi suất ưu đãi. Do vậy, những bài học được rút ra khi thực hiện chính sách bù lãi suất năm 2008 là để trả lời câu hỏi có nên tiếp tục áp dụng chính sách bù lãi suất hay không.
Kế hoạch phát triển DN nhỏ và vừa giai đoạn 2011-2015 Số DN nhỏ và vừa thành lập mới giai đoạn 2011-2012 đạt 400.000 DN. Tỉ lệ DN trực tiếp thanh gia xuất khẩu đạt 8-10%. Đầu tư của khu vực DN nhỏ và vừa chiếm 40% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Khu vực DN nhỏ và vừa đóng góp 30% GDP, 35% tổng thu ngân sách nhà nước. DN nhỏ và vừa tạo thêm khoảng 3,5-4 triệu việc làm mới. (Cục Phát triển DN, Bộ KH-ĐT) |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận