Phóng to |
Các SBC đang chia tổ đi chống cướp giật đêm |
90% trong số này là các “quái xế” trẻ tuổi và nghiện ma túy.
Mưu mô khi tổ chức. Liều lĩnh khi cướp giật. Hung hãn khi bị truy bắt. Đó là “phẩm chất” của những “quái xế” này. Thế nhưng... Lưới trời lồng lộng. Lần lượt các “quái xế” đã phải sa lưới pháp luật bởi nghiệp vụ của một đội “săn bắt cướp” đặc biệt. Đó là đội phòng chống tội phạm cướp giật (đội 8 - Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công An TP Hà Nội).
Bắt nóng
Hà Nội một ngày đầu đông. Hai thanh niên tóc bóng mượt cưỡi chiếc Wave màu xanh đi dạo. Chắc ai cũng nghĩ chúng là con nhà giàu nếu không đột ngột xảy ra “cú chớp” ở giữa đoạn ngã tư Ngô Thì Nhậm - Ngô Quyền. Giữa ban ngày, chiếc Wave rồ ga vọt lên, tên ngồi đằng sau nhoài người giật phăng chiếc túi xách của bà Besset Ginette người Pháp đang đi xíchlô mải mê ngắm phố. Nạn nhân chưa kịp kêu cứu thì chiếc Wave đã khuất dạng để lại một làn khói xanh mỏng mảnh.
Phóng to |
Tưởng chúng phải dừng, nhưng chiếc Wave rồ ga bất ngờ liệng đuôi quay ngoắt 180O. Khoảng cách truy đuổi được nới rộng ra. Sợ bị bắt, hai tên cướp hết đi kiểu vòng thúng lại đánh võng chặn đầu, lúc được trớn thì vê ga đua tốc độ. Thượng úy Tính phải thi triển hết tay lái “lụa”. Trong quá trình bị truy đuổi, không ít người đi đường đã bị hai tên cướp cố tình chạm phải để nạn nhân ngã văng vào xe truy đuổi (nhưng không thành). Liên tiếp nhiều lần tại các ngã tư đèn đỏ, người dân dừng hết lại... đứng xem. Cũng không dưới hai lần trinh sát phối hợp tính quay xe chặn đầu nhưng hai tên quái xế luôn ma mãnh lách đuôi, thậm chí phi thẳng vào giữa rồi vọt mất.
Chạy quanh quận Hai Bà Trưng chưa thoát, chúng vòng lên Hoàn Kiếm, Ba Đình, Cầu Giấy rồi quay lại các đường phố dẫn ra ngoại thành. Cuộc rượt đuổi vào lúc quyết định khi bình xăng của hai bên đều... sắp cạn. Vận tốc đôi bên có khi đạt 120km/giờ - ngưỡng cao nhất của loại xe 100-125 phân khối có thể đạt được trong thành phố. Chặng cuối cùng tên cầm lái cảm nhận được vòng vây đã khép kín bèn bất ngờ phóng ngược vào đường Lê Duẩn (một chiều). Có tiếng thét lanh lảnh, cả một một dòng người đi xe thót tim dạt vào giữa.
Thượng úy Tính theo sát nhưng vì cua gấp nên tạo ra tình huống mới: đôi bên chạy song song, lườm nhau từ hai vệ đường. Đến ngã tư Nguyễn Khuyến - Lê Duẩn, thấy tốc độ kinh hoàng của bọn cướp, hai trinh sát phục sẵn buộc phải thực hiện biện pháp nghiệp vụ cuối cùng của đội phòng chống tội phạm cướp giật: lao thẳng xe vào bọn cướp. Người đôi bên bắn ra. Dân bên đường réo ầm ầm, rồi vỗ tay khi lính SBC nhào ngay dậy tóm gọn hai tên cướp.
Phóng to |
Căn phòng vắng vẻ của Đội phòng chống tội phạm cướp giật tại số 7 Thiền Quang vào khoảng thời gian nhạy cảm hay xảy ra cướp giật trong ngày |
Đúng 20g, sau khi đứng chờ đội SBC họp bàn phương án tuần tra cao điểm cuối năm phục bắt một nhóm cướp giật gần đây hay gây án vào buổi tối, chúng tôi được các SBC đèo đi thực địa trên chiếc xe FX-125. Đội 8 được chia thành nhiều tổ, khi ra đường mỗi nhóm sẽ đi theo tuyến nhất định với chiếc bộ đàm lúc nào cũng trong trạng thái “on” (được cuộn trong túi vải nhét vào áo). Còng số 8 nhét túi quần và súng nhét bụng. Cung đường tuần tra dài 100km trùm lên quận Hoàn Kiếm và Hai Bà Trung. Rời trụ sở Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội.
Các SBC chạy chậm qua các tuyến đường phố trọng điểm: Bờ Hồ lắm nhà giàu đi lại. Lò Đúc lắm ngân hàng, quĩ tín dụng rút tiền... Đó là những mục tiêu di động và cố định hay bị “quái xế” cướp giật nhiều nhất vào giờ tan tầm. Bốn trinh sát. Bốn cặp mắt quét nhanh như điện... Một tốp thanh niên có biểu hiện đang “phê” ma túy ở ngã ba. Bốn thanh niên khác đèo nhau phóng bạt mạng rồi đỗ xịch trước một hàng cầm đồ. Qua “phố biển xe giả” Trần Nhật Duật, một tốp nữa lố nhố tụ lại. Qua “chợ đổi đồ xe máy” phố Huế, người mua kẻ bán nhào cả ra đường. Tất cả đọng lại trong trí nhớ
“siêu đẳng” của các trinh sát. Trong những tích tắc được đo bằng cái liếc mắt ấy, các trinh sát phải nghi vấn, sàng lọc. Thỉnh thoảng, nếu ai đi đường thấy “có một ông nói chuyện vào túi vải” thì đấy là lúc các trinh sát đang trao đổi qua bộ đàm bàn phương án...
Đến đường Trần Hưng Đạo, xuất hiện hai thanh niên đi trên một chiếc Wave đeo biển số giả, chạy chầm chậm ngó nghiêng. Hai chiếc xe của đội 8 tự động quay ngoắt lại bám theo. “Đeo” đối tượng cỡ 10 phút, thì ra là hai chàng thanh niên tìm mua hoa để tặng người yêu.
Những buổi tuần tra đơn thuần như thế nhưng vẫn luôn chứa đựng nhiều kịch tính. Có đối tượng đi lòng vòng cả ngày, rồi tạt vào quán uống rượu, xong lang thang rồi... về nhà vì “có cảm giác bất an”. Nhưng bất chợt có hứng hoặc lên cơn nghiện, đối tượng mặc áo mưa phóng xe đi cướp nên nhiều hôm mưa rét, lính SBC vẫn phải... ra phố. “Đánh bóng” đường đến hết thời gian nhạy cảm rồi có khi phải về không. Thiếu tá đội phó Nguyễn Quang Tuấn nói: “Nghề này giống hệt đi câu!”...
Bình thường giống người đi dạo nhưng chỉ cần đối tượng ra tay cướp, những chiếc máy bộ đàm sẽ vang lên thuật ngữ mà dân SBC ở Hà Nội vẫn quen dùng: “chập hàng”. Nhận tin chập hàng tất cả lính SBC ngay lập tức rồ ga triển khai khép chặt các ngả đường bọn cướp có thể chạy tới, hỗ trợ nhóm đang đuổi bắt. Dân cướp giật thường đi hai, một tên lái và một tên giật. 90% bọn cướp đều có mang dao, mã tấu, thậm chí cả súng! Hầu hết anh em trong đội 8 do vậy đều đã có lần phải... chảy máu.
Theo thượng úy Tính, người lái xe thuộc loại giỏi nhất đội 8 và có nhiều cuộc đụng độ nảy lửa khiến nhiều quái xế phải cúi đầu, thì: xước da, bỏng bô, lung lay răng... là khó tránh! Bản thân anh trong một lần đuổi hai kẻ cướp dây chuyền vàng trên đường Đê La Thành, với tốc độ 100km/g, suýt đụng đầu ôtô hút chết”...
Những vụ “chập hàng”
Cuộc rượt đuổi ấn tượng nhất của thượng úy Tính và cả đội 8 là vụ “chập hàng” mới đây với một băng cướp giật “nhí” gồm 10 tên, cả nam lẫn nữ, tụ tập quen nhau qua Internet rồi rủ nhau lập “phi đội bay”. Độ tuổi trung bình của nhóm “quái xế” này chỉ 16-17. Tên trẻ nhất mới vừa bước qua tuổi 15! Chiều 5-11, đội 8 huy động quân bám theo bốn tên cướp nhí đi trên hai xe máy. Chúng khởi hành sau khi đã ngồi quán Internet tung tẩy suốt mấy tiếng. Đám trẻ ngông cuồng nên các trinh sát chẳng phải đợi lâu.
Tiếng động cơ của chúng rú lên, xe đi đầu ép chặt một phụ nữ trẻ ngay giữa giờ tan tầm đông người rồi giật dây chuyền vàng. Hai tên nhóc Vũ Minh Tân, Đỗ Quang Tuấn... mới 16 tuổi nhưng chạy xe đã thuộc dạng trên tài quái xế. Cuộc rượt đuổi diễn ra trong suốt gần 60 phút. Phi ra đường vành đai, vượt đèn đỏ không thoát, khi nhận thấy dùng tốc độ không thể “cắt đuôi” SBC, nhóm cướp nhí đã chọn cách phi thẳng vào ngõ chợ Khâm Thiên chật chội khiến SBC bám đuổi tưởng đã mất dấu... Nhưng do khép chặt vòng vây, các SBC đã ập vào bắt được bọn cướp khi chúng hí hửng tưởng thoát trong một quán cafe Internet. Đây là lần đầu tiên một băng cướp nhí có đến gần 10 tên bị bắt giữ tại Hà Nội. Chúng khai đã 12 lần đi giật.
Thời gian gần đây, các “quái xế” tham gia cướp giật có nhiều thủ đoạn hơn và lý do đi cướp của chúng đôi khi hơi khó hiểu. Nhiều tên ra đường sẵn mang dòng máu “pha xăng”, “ngồi lên xe là muốn vặn tụt ga” và lý do, theo lời khai của chúng, thì “nhìn thấy chị em phụ nữ mang nữ trang hớ hênh quá nên... không chịu được”.
“Quái xế” Phạm Quang Vinh, đang là sinh viên Trường cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội, gia đình không túng thiếu nhưng khi bắt giữ, các SBC đã sửng sốt vì “bộ sưu tập” đồ đạc đi cướp của Vinh cực kỳ phong phú: bốn chiếc điện thoại di động, hai đồng hồ đeo tay, hai túi xách, ba ví da thổ cẩm của nữ, bốn dây chuyền vàng, sáu khuyên tai, năm đăng ký xe máy... với tổng giá trị hơn 100 triệu đồng. Đối tượng này đi cướp của không phải để bán mà đem tặng người yêu, mẹ và em gái. Để bắt được Vinh các SBC Hà Nội phải mất rất nhiều thời gian và công sức.
Nghề “đánh bóng mặt đường”
Trước năm 1999 khi đội 8 chưa thành lập, tình trạng cướp giật tại thủ đô diễn ra rất nghiêm trọng. Những dịp cao điểm, nhiều băng nhóm chuyên nghiệp lộng hành, có ngày xảy ra 3-4 vụ cướp, thủ đoạn cực kỳ táo tợn. Chị Inge Maria Cleuren, quốc tịch Bỉ, khi đi đến đoạn dốc Yên Phụ trước cổng Công ty Kinh doanh nước sạch Hà Nội bị hai “quái xế” ép sát cướp chiếc túi xách. Chị Trịnh Thế Ngọc - người Trung Quốc, vô địch thế giới môn bơi chân vịt vừa sang VN - khi đi tới gần ngã tư Hai Bà Trưng - Triệu Quốc Đạt liền bị hai “quái xế” lách xe lên trên ép sát, giật mất chiếc túi khoác trên vai ngay giữa phố đông người.
Đau lòng hơn, bà Nguyễn Thị Thu được chồng đèo, giữ cẩn thận một túi xách phồng đã bị hai “quái xế” đi xe FX màu én bạc bám theo từ Chùa Hà, Cầu Giấy. Đến đường 32 Vân Nội, Đông Anh chúng bất ngờ vượt lên cướp. Xe đổ, bà Thu bị đập đầu xuống đường chết ngay khi đang được đưa đi cấp cứu. Chồng bà Thu thoát chết nhưng cũng gãy xương đùi. Chỉ lấy được 230.000đ, hai tên cướp thản nhiên cho viên gạch vào chiếc túi tang vật ném xuống hồ...
Trung tá Dương Văn Giáp, đội trưởng đội 8, cho biết các “quái xế” trẻ cực kỳ liều lĩnh. Khi nạn nhân cố tình níu giữ túi, cặp, chúng sẵn sàng kéo hoặc đẩy cho nạn nhân ngã dập xuống mặt đường để lấy bằng được tài sản và dễ bề tẩu thoát. Đội 8 bắt 10 đối tượng thì có đến 9 kẻ thủ dao để sẵn sàng... chém nếu bị vây bắt.
Sau những phút giây xuất thần trên đường phố và vinh quang trong trụ sở khi gọi được người bị cướp lên trịnh trọng trả lại tài sản, họ lại tiếp tục “đánh bóng mặt đường”. Trẻ trung, xông xáo, chấp nhận hiểm nguy: đó là các SBC số 8. Họ “làm việc” bằng cách
chạy xe trên đường, “nghỉ ngơi” bằng cách chọn ngay quán cóc hè phố để tiện bề quan sát. Độ tuổi trung bình của họ chỉ khoảng 25-26. Một SBC “thú nhận”: “Không trẻ trung, không yêu nghề thì không thể làm săn bắt cướp được!” Nếu đi trên đường, bạn thấy những thanh niên trẻ măng bất chợt rồ ga chạy với vận tốc 60-120km/g, lạng lách đuổi theo xe có vẻ đang trốn chạy, thì xin chớ vội rủa “cái bọn rửng mỡ, đua thế chết không ai tiếc”... Vì đó có thể là lính SBC đội 8. Từ chính ngọ đến nửa đêm, họ luôn sẵn sàng phải giỡn mặt tử thần để săn bắt cướp, giữ cho đường phố bình yên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận