![]() |
Chêm gỗ vào giữa mố cầu và dầm cầu |
Nguy cơ lún sụt cầu
Ngày 4-3, chúng tôi chui xuống dưới lòng cầu Văn Thánh 2 và thấy ở hai đầu cầu có nhiều vết nứt, trong đó có một vài chỗ dầm bêtông đã bị bể loang lổ. Đáng chú ý là tất cả các dầm cầu đều bị dịch chuyển đụng vào mố ở cả hai phía bờ và kéo bật khe biến dạng ở giữa cầu. Nhiều chỗ người ta lấy 2-3 khúc gỗ chêm vào giữa mố cầu và dầm dọc, thậm chí có chỗ dùng ván ép để chêm mặc dù phía trong mép đã được hàn một lớp sắt. “Hiện tượng hư hỏng này đã có từ vài tháng nay, nhưng chưa thấy ai đến sửa chữa” - một người dân sống gần khu vực cầu Văn Thánh 2 cho biết.
Một kỹ sư thiết kế thuộc Xí nghiệp Tư vấn thiết kế cầu đường - người đã trực tiếp xuống khảo sát tại hiện trường - cho biết theo thiết kế thì tất cả 44 dầm bêtông cốt thép dài 15m đều đặt gối cố định lên mố cầu, trụ ở sông đặt gối di động. Để làm gối cố định, trên mố có thiết kế chốt thép 45mm sắt CT5 nằm trong gối để cố định hoặc giữ chặt dầm cầu. Nhưng hiện cả 44 dầm này đều bị chuyển dịch áp sát mặt dầm vào mố. Theo kỹ sư này, “cầu hoặc không có chốt để cố định dầm hoặc nếu có thì chốt nhỏ không đảm bảo chịu lực dọc”, nên dầm bị dịch chuyển đụng mố vỡ bêtông và nứt, các gối thớt trên dịch chuyển so với gối thớt dưới từ 2-5cm, thớt bị cong vênh.
Theo quan sát của chúng tôi, hiện các dầm cầu vẫn đang có chiều hướng bị đẩy mạnh vào mố cầu, khả năng nứt nẻ lớn xảy ra là điều khó có thể tránh khỏi. “Nguy cơ lún sụt cầu từ sự cố này có thể xảy ra bất cứ lúc nào, gây ra những hậu quả khó lường” - một cán bộ có trách nhiệm của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ (Bộ Công an) nói. Được biết, cơ quan điều tra này cũng đang thu thập hồ sơ để làm rõ nguyên nhân của các sự cố nói trên.
Qua quan sát hiện trường trên, một cán bộ của Khu quản lý giao thông đô thị TP.HCM cũng cho biết trong toàn bộ sự cố chất lượng ở dự án Nguyễn Hữu Cảnh hiện nay vấn đề quan trọng nhất chính là hiện tượng chuyển vị (chuyển dịch vị trí) dầm (đà) cầu Văn Thánh 2. Theo đó, nếu dầm cầu chuyển dịch ít sẽ làm lệch tâm trụ cầu gây hư hỏng mặt cầu, gây trở ngại cho các phương tiện giao thông. Trường hợp dầm cầu bị chuyển dịch nhiều thì có khả năng sập cầu.
Lòng vòng kiến nghị lên xuống
![]() |
Những "khuyết tật" tại cầu Văn Thánh 2 - Ảnh: L.A.Đ |
Mặc dù đã hơn ba năm đưa vào khai thác nhưng do độ lún quá mức cho phép của các hầm chui sau mố cầu Văn Thánh 2 và hiện tượng lún còn tiếp diễn tại các đoạn đường dẫn sau mố cầu vượt tại nút giao thông đầu cầu Sài Gòn, sau mố cầu Văn Thánh 2... nên công trình vẫn chưa được nghiệm thu bàn giao cho đơn vị quản lý. Nay lại xuất hiện thêm một số “khuyết tật” của cầu Văn Thánh 2 mà chúng tôi đã nêu trên.
Sở Giao thông công chánh (GTCC) TP thấy tất cả các sự cố trên nên vào tháng 8-2004 đã yêu cầu các đơn vị liên quan (Công ty sản xuất kinh doanh thương mại và dịch vụ xuất nhập khẩu Thanh niên xung phong TP.HCM - chủ đầu tư dự án, Công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải phía Nam, Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 6 - nhà thầu thi công, và Phân viện Khoa học công nghệ giao thông vận tải phía Nam) sớm có kế hoạch khắc phục ngay các khiếm khuyết này. Tuy nhiên, đến nay các đơn vị vẫn chưa thực hiện đầy đủ các giải pháp kỹ thuật cần thiết.
Theo Sở GTCC TP, sở không thể giải quyết những tồn tại trên vì sở không quản lý xuyên suốt, liên tục từ đầu dự án: trong giai đoạn trước đây Bộ Giao thông vận tải (GTVT) có vai trò ảnh hưởng bao quát nhiều nội dung kỹ thuật quan trọng của công trình, Cục Giám định và quản lý chất lượng xây dựng công trình GTCC (thông qua Chi cục Giám định và quản lý chất lượng xây dựng công trình giao thông phía Nam) là đơn vị đã thẩm định thiết kế kỹ thuật và trình bộ trưởng Bộ GTVT phê duyệt. Các đơn vị khảo sát thiết kế, thi công, tư vấn giám sát của công trình này là các doanh nghiệp xây dựng lớn, cơ quan nghiên cứu khoa học của Bộ GTVT.
Nhằm giải quyết những sự cố về chất lượng công trình ngày càng xuống cấp, ngày 27-12-2004 và ngày 11-1-2005 Sở GTCC TP đã liên tiếp gửi văn bản kiến nghị bộ trưởng Bộ GTVT có chỉ đạo Cục Giám định và quản lý chất lượng công trình giao thông (CLCTGT) chủ trì việc giải quyết triệt để những tồn tại của công trình này. Đồng thời đề nghị bộ phân định rõ trách nhiệm từng đơn vị liên quan để có kế hoạch hoàn thiện chất lượng công trình, sớm nghiệm thu bàn giao cho các đơn vị quản lý hạ tầng giao thông của TP.
Thế nhưng, Sở GTCC TP đã không nhận được văn bản trả lời từ Bộ GTVT, thay vào đó là nhận văn bản của Cục Giám định và quản lý CLCTGT gửi bộ trưởng Bộ GTVT đề nghị thực hiện phương án: UBND TP.HCM có văn bản gửi Bộ GTVT để thành lập đoàn kiểm tra và kiến nghị bộ giao cho cục chủ trì đoàn kiểm tra. Ngày 31-1-2005, UBND TP.HCM đã gửi văn bản kiến nghị bộ trưởng Bộ GTVT giải quyết các tồn tại của dự án xây dựng đường Nguyễn Hữu Cảnh vì “tình hình giảm sút chất lượng công trình sau khi đưa vào sử dụng, nhất là cầu Văn Thánh 2 và những hệ quả không tốt do công trình chậm được xử lý các tồn tại”.
Ngày 4-2-2005 Cục Giám định và quản lý CLCTGT lại có văn bản gửi Sở GTCC TP đưa ra hai ý kiến: một là để giải quyết vấn đề thì theo qui định, các công việc liên quan tới quá trình đầu tư xây dựng dự án do chủ đầu tư chịu trách nhiệm giải quyết; hai là đề nghị Sở GTCC báo cáo đề nghị UBND TP có văn bản gửi Bộ GTVT, Cục Giám định và quản lý CLCTGT sẽ tham mưu thành lập đoàn kiểm tra. Và đến nay, mọi việc vẫn chưa thấy tiến triển.
Ngày 4-3, trả lời về hướng giải quyết các sự cố ở đường Nguyễn Hữu Cảnh, ông Trần Quang Phượng - phó giám đốc Sở GTCC TP - cho biết sở mong muốn giải quyết toàn diện về chất lượng công trình này chứ không giải quyết riêng lẻ từng hạng mục công trình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận