22/10/2011 07:34 GMT+7

Sau cái chết Gaddafi, thế giới lo ngại

KHỔNG LOAN
KHỔNG LOAN

TT - Nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi, sau 42 năm cầm quyền ở Libya, đã kết thúc cuộc đời theo cách mà không một chính trị gia nào muốn. Thế giới lo ngại một hình thái can thiệp mới cũng hình thành nhân danh “can thiệp nhân đạo tự do”!

6pNwgooY.jpgPhóng to
Lực lượng trung thành với nhà lãnh đạo Gaddafi bị bắt ở TP Sirte ngày 20-10 - Ảnh: AFP
Ông Gaddafi đã bị tiêu diệt ra sao? Cuộc đời thăng trầm của đại tá Gaddafi Những phút cuối của ông Gaddafi

Những hình ảnh cuối cùng của nhà lãnh đạo Libya do một thành viên của lực lượng đối lập quay bằng điện thoại gửi cho đài truyền hình Al Jaeera cho thấy ông bị lôi ra khỏi một ống bêtông, người đầy máu và các vết thương, bị một đám đông xô đi đẩy lại, gương mặt không còn thần khí. Trong sự hỗn loạn, ông ta giơ hai tay lên đầu và nói: “Các người muốn gì?” rồi “Các con trai ơi, đừng giết ta!”. Rồi người ta nghe những tiếng súng vang lên.

Một cái chết còn nhiều điểm tối

Kỷ nguyên Gaddafi đã thật sự kết thúc hai tháng sau khi ông buộc phải trốn chạy khỏi thủ đô Tripoli trước các đợt không kích dữ dội của liên quân do NATO lĩnh ấn tiên phong, và chứng kiến cảnh con cái, cháu chắt mình bị giết, bị bắt, các nhân vật thân cận nhất từ bỏ mình.

Hội đồng chuyển tiếp quốc gia (NTC) tuyên bố ông Gaddafi bị chết do trúng đạn trong các cuộc giao tranh giữa hai phe, còn bác sĩ đi theo xe cứu thương chở ông Gaddafi cho biết ông chết vì hai phát đạn vào đầu và ngực sau khi bị bắt gần thành phố Sirte. Chi tiết chính xác về cái chết của ông Gaddafi đến nay vẫn chưa rõ ràng, Tổ chức Ân xá quốc tế đã yêu cầu cần tiến hành một cuộc điều tra độc lập về tình huống dẫn tới cái chết của ông.

Theo BBC, lực lượng lãnh đạo Libya đang có kế hoạch chôn cất ông Gaddafi một cách bí mật. Tuy nhiên, thay vì phải chôn cất gấp trong 24 giờ theo truyền thống của đạo Hồi thì thời gian chôn cất có thể kéo dài do các bên còn bàn về vị trí chôn cất. NATO sẽ sớm tuyên bố kết thúc chiến dịch không kích ở Libya trong thời gian sớm nhất.

Trong khi đó, hôm nay (22-10) NTC tuyên bố “giải phóng” toàn bộ Libya. Bước vào một kỷ nguyên hậu Gaddafi, Libya sẽ bán được dầu trở lại và khách hàng ưu tiên chính là các công ty phương Tây. Ít nhất Libya sẽ có tiền từ các khoản tài sản bị đóng băng ở nước ngoài. NTC sẽ được tiếp cận với khoảng 150 tỉ USD.

Nhưng việc xây dựng nhà nước mới sẽ không dễ dàng sau khi Libya đã trải qua 42 năm dưới chế độ cầm quyền của ông Gaddafi. Phép thử đầu tiên và quan trọng nhất cho NTC chính là làm sao thống nhất được các thành phần chính trị khác nhau của 6 triệu dân nước này, giải giáp vũ khí và đáp ứng được sự mong đợi của người dân Libya. NTC phải thu hút được người dân, thống nhất các mục tiêu của các phe nhóm một cách hòa bình.

Chuyển từ Benghazi tới Tripoli, NTC sẽ hình thành chính phủ chuyển tiếp trong vòng 30 ngày, tổ chức bầu cử quốc hội trong 240 ngày, bầu thủ tướng một tháng sau để đưa ra nội các cũng như một bản hiến pháp mới sẽ ra đời. Vận hành một nước Libya dân chủ sẽ là bài toán rất khó, và số tiền 37 tỉ USD mà phương Tây giải ngân ngay sau khi Gaddafi bị giết không thể là sự đảm bảo cho Libya.

Tổng thống Mỹ Barack Obama nói người Libya đã “chiến thắng” trong cuộc cách mạng của mình. Nhưng không ai chắc chắn về tương lai của một đất nước giờ bị xé toạc ra nhiều mảnh. Tám tháng qua ở Libya là thời gian đẫm máu giữa hai phe nổi dậy và phe ủng hộ Gaddafi. Còn lực lượng NATO, với dàn máy bay và pháo kích tinh nhuệ, đã không tổn thất một sinh mệnh nào.

Nhưng sự hào hứng của phương Tây, như Mỹ, Anh, Pháp trước cái chết của Gaddafi đang khiến thế giới lo ngại về một hình thái can thiệp mới của phương Tây nhằm vào một quốc gia. Giám đốc Viện Quan hệ quốc tế và chiến lược Pháp (IRIS) Pascal Boniface cho rằng cái chết của Gaddafi vẫn không giải quyết được toàn bộ những vấn đề đặt ra do cuộc can thiệp quân sự của NATO vào quốc gia Bắc Phi này. “Mọi niềm hi vọng và mọi câu hỏi vẫn không thay đổi”.

Những gì đã xảy ra ở Libya có thể là kịch bản mới cho Syria và Yemen - hai nước đang chứng kiến các cuộc nổi dậy của người dân phản đối chính phủ. Học thuyết “can thiệp nhân đạo tự do” liệu có được coi là đúng đắn hay không khi NATO bị chỉ trích đã vượt quá giới hạn mà nghị quyết của LHQ đưa ra nhằm bảo vệ thường dân Libya?

Các nhà phân tích chính trị, sử gia sẽ còn bàn luận, nhưng “chiến thắng” trước một Gaddafi bị cô lập hoàn toàn không nhất thiết có thể đảm bảo được lợi ích quốc gia cho phương Tây về mặt lâu dài, một cách khôn ngoan và đúng đắn về mặt đạo đức.

Hành động dùng bạo lực can thiệp vào quốc gia khác có thể sẽ được áp dụng ở bất kỳ đâu trên thế giới. Nhưng can thiệp nhằm đem lại sự tự do hay xây dựng một mô hình chính trị dân chủ ở bất kỳ quốc gia nào chỉ có thể tồn tại lâu dài nếu bản thân người dân quốc gia đó hành động vì mục tiêu đó. Dân chủ là thứ không thể áp đặt, mà nó xuất phát từ nhận thức và mong muốn của người dân.

KHỔNG LOAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: Libya Gaddafi