Kênh Sao TV đang phát sóng bộ phim dài 26 tập Đấu trường yoyo do Đài Loan sản xuất (phát lúc 19g, phát lại lúc 7g, 11g và 15g ngày hôm sau, bắt đầu từ 25-1). Cùng với yoyo, cũng đã diễn ra cơn sốt chạy theo “mốt” đồ chơi được sử dụng trong các bộ phim đã phát.
Phóng to |
Phóng to |
Các cậu bé biểu diễn yoyo ăn theo phim Đấu trường yoyo trên kênh Sao TV tại một cửa hàng ở Q.3, TP.HCM - Ảnh: T.T.D. |
Nhiều phụ huynh ở TP.HCM cho biết kể từ khi chương trình phim thiếu nhi được chiếu trên Sao TV (kênh dành cho thiếu nhi nằm trong hệ thống SCTV) với các phim như Sấm chớp và tốc độ, Biệt đội siêu nhân cơ động, Robot trái cây, Đấu trường yoyo..., hàng loạt đồ chơi đi kèm theo phim xuất hiện dày đặc và bán tràn ngập tại các cửa hàng đồ chơi, siêu thị, nhà sách, trung tâm thương mại... Đa số đồ chơi đều được đặt những cái tên rất kêu để hấp dẫn các em. Chẳng hạn trong phim Sấm chớp và tốc độ, các “nhân vật” xe hơi mang các tên Cưỡi mây, Tia lửa điện, Phong ảnh, Bạch mã, Sát thủ, Siêu nhân hợp thể...
Ghi nhận trên thị trường cho thấy nhiều loại đồ chơi trong phim đang được bán ngoài thị trường giá cao. Nhiều phụ huynh đã phải bỏ ra 1,5-2 triệu đồng để chiều lòng việc chạy theo “mốt” đồ chơi của các bé... Trong khi đó, các chuyên gia cảnh báo nhiều sản phẩm bán trên thị trường có nguy cơ không an toàn cho trẻ sử dụng.
Có sản phẩm không an toàn Bà Phạm Thị Minh Trân (phụ trách marketing Công ty TNHH thương mại dịch vụ Phương Nga - nhà nhập khẩu và phân phối yoyo, sấm chớp và tốc độ) cho biết các loại đồ chơi do công ty nhập khẩu đang bán trên thị trường đều được kiểm nghiệm và có dán tem chứng nhận an toàn của Trung tâm Tiêu chuẩn kỹ thuật đo lường chất lượng 3 (Quatest 3). Ông Hoàng Lâm, phó giám đốc Quatest 3, cho biết Công ty Phương Nga và Công ty cổ phần Sài Gòn Intimex (nhập khẩu bộ đồ chơi robot trái cây) thường xuyên kiểm nghiệm sản phẩm tại Quatest 3. Sản phẩm của những doanh nghiệp này trên thị trường có dán nhãn tiếng Việt và tem CR của Quatest 3. Trong đó có hướng dẫn độ tuổi sử dụng từ 6 tuổi hoặc 8 tuổi trở lên tùy theo sản phẩm. Tuy nhiên tại các cửa hàng, sản phẩm được bán cho các em bé ở bất kỳ độ tuổi nào. Riêng với các sản phẩm nhái, theo ông Lâm, là những sản phẩm không được cấp chứng nhận an toàn, có thể không an toàn về cơ lý, có chì... Do đó người sử dụng sẽ gặp rủi ro cao. Trên thực tế, một số nhà nhập khẩu đồ chơi chính hãng cũng có những lô hàng không đạt an toàn về cơ lý và hóa học. |
Nếu so sánh với những bộ phim có kèm gọi điện thoại trúng thưởng trước đây trên kênh Sao TV, yoyo gây nên cơn sốt hơn cả có lẽ vì được những người trong cuộc “tiếp thị” một cách bài bản. Anh Nguyễn Văn Tấn, bán mặt hàng này ở siêu thị Co.op Mart Phú Thọ (TP.HCM), cho biết mỗi ngày bán khoảng 100 chiếc yoyo. Nhiều cửa hàng đã thông báo hết hàng với các sản phẩm yoyo dưới 100.000 đồng/sản phẩm, các sản phẩm còn lại ở các mức giá từ 129.000-249.000 đồng đang được bán khá chạy. Chưa kể từ ngày 19-2, Công ty Phương Nga (một đơn vị phân phối đồ chơi trẻ em) còn tổ chức những buổi dạy chơi yoyo tại ba địa điểm quận 3, 7, Tân Bình với điều kiện đổi vỏ hộp yoyo có tem hướng dẫn.
Tại siêu thị Big C Hoàng Văn Thụ đang có chương trình khuyến mãi hội chợ đồ chơi. Chỉ trong thời gian ngắn, chúng tôi quan sát thấy phần lớn sự lựa chọn của các em đều hướng đến trò chơi yoyo. Chiều 10-2, tại cửa hàng đồ chơi trên đường Kỳ Đồng, nam ca sĩ Nam Khánh và vợ dẫn con trai Bảo Khôi 3 tuổi vào mua đồ chơi yoyo. Nam Khánh cho biết: “Bé Bảo Khôi xem phim Đấu trường yoyo trên kênh Sao TV nên đòi ba mẹ mua món đồ chơi này. Mình làm cha mẹ mà thấy con thích chơi là mua thôi. Với lại Khánh thấy trò chơi này cũng ít nguy hiểm vì hình tròn, không có nhiều cạnh sắc”.
Nói về cơn sốt yoyo, với tư cách là một phụ huynh, Nam Khánh bộc bạch: “Điều này chứng tỏ trẻ em chúng ta quá thiếu sân chơi, vì thế hễ có trò chơi nào giới thiệu trên truyền hình là các bé săn lùng bằng được. Có điều Khánh hơi băn khoăn là không biết chất liệu sản xuất yoyo có độc hại nguy hiểm đến sức khỏe của trẻ không. Khánh nghĩ các cơ quan chức năng nên kiểm soát kỹ hơn các trò chơi cho trẻ nhỏ. Về bộ phim Đấu trường yoyo, cách diễn xuất của các diễn viên nhí còn nhiều điều phải bàn. Nhiều nhân vật chỉ mới tầm mười mấy tuổi nhưng khuôn mặt lúc nào cũng lạnh lùng như sát thủ, tóc tai thì dài, lởm chởm, không có dáng vẻ gì trong sáng của tuổi thơ. Điều này không hay lắm”.
Cầm trên tay món đồ chơi yoyo có tên “Đại bàng tung cánh”, N.P.Q.M. (học sinh Trường tiểu học Kỳ Đồng, Q.3, TP.HCM) cho biết đã chơi loại này được hai tuần và đang tiếp tục “luyện”. M. chơi yoyo sau khi xem phim Đấu trường yoyo. Tuy nhiên, đây không phải lần đầu em mua đồ chơi do ảnh hưởng bởi các bộ phim. M. kể vanh vách các loại đồ chơi em có sau khi xem tivi. Em thuộc nằm lòng tên các loại yoyo và giá tiền của chúng như: Ngân điện thần lừa giá 249.000 đồng/sản phẩm; Đại bàng đen, Đại bàng tung cánh, Tốc độ lửa, Thủy binh giá 149.000 đồng/sản phẩm; Băng vỡ 199.000 đồng/sản phẩm; Rồng chuyển mình 129.000 đồng/sản phẩm...
Robot vào trường học
Trước bộ phim Đấu trường yoyo hiện đang làm mưa làm gió đối với các em nhỏ, bộ phim Robot trái cây (đến giờ vẫn còn chưa hết “sốt”) với các nhân vật Quýt kiếm sĩ, Thơm giác đấu, Táo thiện xạ, Dâu tây thợ săn, Đào thích khách, Chuối pháp sư và Nho tia chớp đã làm đảo điên các “thiên thần nhỏ” và các em nằng nặc đòi mua cho bằng được. “Tôi có mua cho con bộ ba Thơm giác đấu, Quýt kiếm sĩ và Chuối pháp sư mất 240.000 đồng” - anh Hiệp, ngụ tại Q.Tân Bình, than.
Anh Hiệp thú nhận do thấy con đòi quá nhưng lại tiếc tiền nên đành mua loại nhái, giá 40.000-50.000 đồng/con. Trong khi đó tại một cửa hàng trên đường Nguyễn Thông (Q.3), robot trái cây có loại bán tới 375.000 đồng/bộ. Một nhân viên tại đây cho biết đó là hàng công ty, hàng nhái chất lượng kém, không an toàn.
Trên nhiều diễn đàn mạng của các phụ huynh như webtretho, motgiadinh hay yeutretho, các chủ đề liên quan đến sự xuất hiện bộ đồ chơi robot trái cây được các phụ huynh bàn tán sôi nổi, nhiều người than phiền vì con đòi mua bằng được đủ bộ robot trái cây.
Theo ghi nhận của chúng tôi, ở TP.HCM khá nhiều trường học có bán các loại đồ chơi robot trái cây, yoyo tại căngtin trường. Tại Trường tiểu học XTT, Hóc Môn, một phụ huynh cho biết: “Con trai hầu như đứa nào cũng thích phim Robot trái cây và Đấu trường yoyo. Cháu nhà tôi nói ở căngtin trường có bán nhiều đồ chơi yoyo và robot trái cây. Cháu nói giờ ra chơi nào cháu và các bạn cũng chơi trò sắm vai các nhân vật trong phim”.
Tương tự, một giáo viên ở Trường tiểu học PCT, Gò Vấp cho biết thêm: “Không chỉ học sinh tiểu học mà trẻ mầm non cũng “nghiện” những trò chơi liên quan đến robot trái cây. Ở trường giờ ra chơi các em thường tụ tập lại để chơi robot chứ không rượt đuổi nhau như mọi khi. Bạn nào không được bố mẹ mua cho thì mượn các bạn khác để chơi. Ngoài ra các em còn chơi đánh bài, thẻ bài có hình các loại robot này. Thỉnh thoảng các em mang vào lớp và lọ mọ dưới hộc bàn khiến giáo viên phải nhắc. Ngoài ra, hầu như trẻ nào cũng mang theo đồ chơi yoyo để so tài và biểu diễn với các bạn”.
Chiếu phim hay quảng cáo đồ chơi?
Theo nhân viên bán hàng tại các cửa hàng đồ chơi trên đường Kỳ Đồng, Nguyễn Thông (Q.3, TP.HCM), các bộ đồ chơi yoyo, robot trái cây, sấm chớp và tốc độ... thường xuất hiện đúng lúc bộ phim được trình chiếu. Chị Trần Thị Hằng (ngụ cư xá Đo Đạc, Q.2) cho biết đã nhiều lần cùng xem phim với con nhỏ và buộc phải dẫn con đi mua đồ chơi, có món lên đến 300.000-400.000 đồng.
Theo chị Hằng, đây thực chất là một kiểu bán hàng qua truyền hình. Người lớn xem sẽ nhận ra ngay nội dung các phim quảng cáo quá lộ liễu cho các loại đồ chơi. Chưa kể ngay sau đó là chương trình quảng cáo về sản phẩm đồ chơi có trong cốt truyện bộ phim. Như với Đấu trường yoyo, sau mỗi tập phim sẽ có phần đố vui bằng cách gọi điện thoại tới tổng đài với phần thưởng là những chiếc yoyo dành cho khán giả.
Chị Thanh Hà ở Q.3 kể nhà chị có hai đứa cháu trai thì cả hai đều có đồ chơi yoyo riêng biệt để chúng khỏi tranh giành nhau, dù cả hai chỉ mới 2 và 4 tuổi. Chị nói: “Công nhận kênh này làm quảng cáo hay thiệt. Việc phát sóng những bộ phim như Đấu trường yoyo đâu khác gì một cách quảng cáo trá hình, mà hiệu quả thì hơn hẳn so với quảng cáo thông thường, dụ con nít rất rõ ràng. Chỉ mong sao họ đừng quảng cáo những trò chơi độc hại làm ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ nhỏ”.
Có hay không sự phối hợp giữa các công ty với kênh truyền hình để qua bộ phim tạo ra trào lưu sử dụng các sản phẩm? Phụ trách marketing của một nhà nhập khẩu và phân phối một số sản phẩm đồ chơi xuất hiện trên phim đang thịnh hành ngoài đời thực trả lời: “Đó là bí mật của công ty”.
Sự băn khoăn của nhiều khán giả là phụ huynh của các trẻ nhỏ khiến dư luận đang dấy lên một dấu hỏi lớn: liệu kênh Sao TV đang dần đánh mất tiêu chí là kênh dành cho thiếu nhi mà thay vào đó là kênh quảng cáo đồ chơi trẻ em qua truyền hình? Câu hỏi này vẫn còn bỏ ngỏ vì khi chúng tôi liên lạc với ông Chánh Dũng - giám đốc Công ty Creative Media, đơn vị sản xuất kênh truyền hình Sao TV (SCTV3), ông từ chối trả lời vì lý do: “Mọi sự trả lời đều phải từ Công ty truyền hình cáp SCTV”. Trong khi đó, ông Nguyễn Tấn Khoa, trưởng phòng tổ chức hành chính Công ty SCTV, cho biết: “Hiện nay nội dung chương trình phát sóng trên kênh Sao TV và các kênh truyền hình khác trong hệ thống kênh SCTV do giám đốc Trung tâm truyền hình VN tại Cần Thơ chịu trách nhiệm. Về phần trách nhiệm của mình, SCTV hứa sẽ kiểm tra ngay, nếu nội dung kênh Sao TV không phù hợp với tiêu chí thiếu nhi và phục vụ thiếu nhi thì chúng tôi sẽ điều chỉnh, thay đổi ngay lập tức”. H.LÊ |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận