17/05/2004 05:19 GMT+7

"Sao" âm nhạc hàn lâm

ĐỨC NGỌC  
ĐỨC NGỌC  

TT - Con đường thành “sao” của ca sĩ nhạc nhẹ đã quá rõ ràng ở xứ ta, trong khi con đường thành “sao” của các nghệ sĩ âm nhạc hàn lâm cam go và nhọc nhằn hơn nhiều.

Trưởng dàn nhạc

jFGGgOoE.jpgPhóng to
Tăng Thành Nam (trái) hòa tấu cùng bà Le Dizés

Cả một dàn nhạc giao hưởng dù là 60 thành viên hay đông hơn thế nhưng chỉ có một người thuộc bè violin 1 ngồi ghế số 1, đó chính là trưởng dàn nhạc (concertmaster).

Đó là nghệ sĩ quan trọng thứ hai trong dàn nhạc sau nhạc trưởng (conductor). Trước và sau khi tác phẩm được trình diễn, bao giờ nhạc trưởng cũng bắt tay cảm ơn họ và chỉ tay về phía họ khi khán giả vỗ tay hoan nghênh. Người đó chính là “sao”của dàn nhạc.

Ở dàn nhạc Nhà hát Giao hưởng và vũ kịch TP.HCM, người ấy là Tăng Thành Nam. Nam có được vị trí này là cả một quá trình phấn đấu hàng chục năm.

Đầu tiên là giải nhất cuộc thi quốc gia âm nhạc Mùa thu lần 2 (Hà Nội, 1993). Dù đã xong đại học, Tăng Thành Nam vẫn học tiếp bốn năm tại Nhạc viện Boulogne, Billancourt (Pháp). Được học với giáo sư đồng thời là nghệ sĩ biểu diễn xuất sắc Le Dizés, Nam trở về nước năm 2001. Sự say mê nghề nghiệp, sự phấn đấu vươn lên, tài năng cá nhân và sự ủng hộ của nhà hát đã tạo dựng cho Nam vị thế ngày nay.

Bè trưởng cello

phvBQKLr.jpgPhóng to
Nguyễn Tấn Anh (giữa), solist trong Sóng nhất nguyên - Ảnh: Đức Ngọc
Học cello từ Nhạc viện Hà Nội, Nguyễn Tấn Anh được đi học ở Nga và tốt nghiệp Viện Âm nhạc Gnessin (1981 - 1988). Về nước, anh chơi trong dàn nhạc nhưng không ngừng tập đàn đều đặn để giỏi nghề và nâng cao mình. Khi Dàn nhạc giao hưởng TP.HCM thành lập, anh là một trong các thành viên đầu tiên và đến nay đã ngồi ở vị trí bè trưởng cello.

Phải nói với việc được là solist trong Sóng hồn rồi Sóng nhất nguyên của nhạc sĩ Nguyễn Thiên Đạo thành công, uy tín của Tấn Anh đã lên một thang bậc mới. Tiếp đến, chỉ huy trẻ tài năng người Pháp Olivier Grangean sang dựng Concerto số 1 cung la thứ cho cello và dàn nhạc của Saint-Saens, Tấn Anh được chọn là solist. Chơi thành công tác phẩm lớn này, Tấn Anh đã khẳng định được mình là “sao” ở TP.HCM. Hiện nay anh là phó đoàn giao hưởng của Nhà hát Giao hưởng và vũ kịch TP.HCM.

Nghệ sĩ hát opera số 1

U5b84Una.jpgPhóng to
Ca sĩ Tạ Minh Tâm - Ảnh: T.T.D.
Tạ Minh Tâm hiện nay có thể được xem là người hạnh phúc nhất của ca sĩ dòng nhạc thính phòng. Giọng ca vàng ASEAN 1986, giải nhì Tiếng hát thính phòng quốc gia 1996 là những thang bậc đầu tiên. Các chương trình âm nhạc lớn, anh luôn được chọn solist và cũng từ việc tham gia các chương trình lớn ấy mà anh có cơ hội được tu nghiệp ngắn tại Canford, London.

Anh đã tốt nghiệp cao học tại Nhạc viện TP.HCM năm 1997 và là ca sĩ hiếm hoi ở TP.HCM được nhận danh hiệu nghệ sĩ ưu tú (2001). Từ Cao đẳng Sư phạm TP.HCM, anh được trở về dạy ở khoa thanh nhạc Nhạc viện TP.HCM cũng đã là một bước tiến lớn trong sự nghiệp. Sau đấy anh được cử làm phó chủ nhiệm khoa đúng vào dịp các thầy cũ về hưu.

Điểm chung

Cả ba “sao” vừa kể đều quê Nam bộ. Khởi điểm của họ là được đào tạo cơ bản, có tài năng, say mê âm nhạc, phấn đấu hết mình và khát vọng chiến thắng. Họ sẽ có vai trò trong sự phát triển âm nhạc hàn lâm ở phía Nam.

Trong một lĩnh vực có rất ít công chúng và từ đó gần như rất ít vai trò lăngxê của phương tiện đại chúng, có thể nói sự nghiệp phải do chính họ tạo dựng trước tiên. Vì thế khi họ thành “sao” thì tuổi đời không còn nhỏ nữa; trẻ nhất như Tăng Thành Nam cũng 30, còn Tấn Anh hay Tạ Minh Tâm cũng ở tuổi ngoài 40.

“Sao” trong lĩnh vực này là khẳng định sự đóng góp lớn cho nghệ thuật hơn là lợi ích vật chất cá nhân. Giá như họ thành “sao” ở tuổi trẻ hơn thì thành công cũng như sự đóng góp của họ lớn hơn. Điều này phụ thuộc sự cổ vũ và quan tâm đầu tư mà xã hội dành cho họ.

ĐỨC NGỌC  
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên