04/01/2010 06:20 GMT+7

Sáng tạo từ vấn đề nóng

NGUYỄN NAM
NGUYỄN NAM

TT - Người dự khán liên tục bất ngờ trước những ý tưởng của các bạn trẻ trong vòng chung kết cuộc thi Ý tưởng sáng tạo trẻ TP.HCM lần 1, diễn ra sáng 3-1 tại Nhà văn hóa Thanh niên do Thành đoàn tổ chức.

Ngày 2 và 3-1-2010: Festival tuổi trẻ sáng tạo TP.HCMSân chơi khơi gợi sự sáng tạoKhơi nguồn sáng tạo trong giới trẻNgạc nhiên với những sản phẩm sáng tạo tuổi trẻ

DATAXsR8.jpgPhóng to

Lê Thị Mỹ Hạnh (phải) và Vũ Thị Huê khảo sát một miệng cống ở TP.HCM - ẢNH: N.NAM

PGS.TS Đinh Xuân Thắng, phó viện trưởng Viện Môi trường và tài nguyên ĐHQG TP.HCM, cho biết: “Tôi thấy ý tưởng của các bạn trẻ rất táo bạo, dám đi vào những vấn đề nóng của thành phố hiện nay”.

Ý tưởng từ thời sự cuộc sống

Các ý tưởng khác như: Cải thiện tình trạng vi phạm giao thông khi có điều kiện thuận lợi ở một số bộ phận tham gia giao thông, Ga tàu điện nổi metro, Tham quan TP.HCM chỉ trên một tấm vé, Quảng cáo trên vé số và các loại vé, Vận dụng truyền thông và truyền thông đại chúng nhằm quảng bá hình ảnh TP.HCM thông qua các phương tiện giao thông phục vụ khách du lịch, Vì ngày mai (đưa ra ý tưởng giải quyết các vấn đề giáo dục), Mái nhà chung (môi trường), Hệ thống cửa hàng bánh tráng trộn hitech... cũng được nhiều bạn trẻ tham dự quan tâm, đặt câu hỏi chất vấn sôi nổi.

“Ý tưởng của chúng tôi xuất phát từ tình trạng ngập nước nhiều năm nay tại TP.HCM chưa có hướng nào giải quyết triệt để” - đôi bạn Lê Thị Mỹ Hạnh và Vũ Thị Huê, đến từ Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, nói về ý tưởng “Giải pháp giảm tình trạng ngập nước tại TP.HCM” của nhóm mình. Theo tìm hiểu của các bạn, số lượng miệng cống thoát nước trên các con đường tại TP.HCM thấp (thấp hơn nhiều nếu so với Thái Lan), nên khi nước chảy cuốn theo rác sẽ gây ra tình trạng nghẹt cống.

Giải pháp mà nhóm đưa ra là tăng số lượng miệng cống thoát nước trên mỗi đoạn đường, thiết kế lại vành miệng cống sao cho dễ thoát nước, cũng như lập các trạm bơm để bơm thoát nước trong lúc ngập nặng. Bên cạnh đó cần thường xuyên nạo vét các con kênh trong thành phố và xử phạt nghiêm những người vứt rác gây nghẹt cống.

Ý tưởng giảm ngập nước này được nhiều bạn trẻ quan tâm đặt câu hỏi về kỹ thuật thi công, thiết kế... Cho đến khi ban giám khảo “nhắc khéo” đây là cuộc thi ý tưởng chứ chưa phải là một công trình hoàn chỉnh, các khán giả trẻ mới chịu “buông tha”.

“Hệ thống xe buýt ở TP.HCM hoạt động chưa thật sự hiệu quả. Việc sử dụng vé sản xuất bằng giấy làm tiêu tốn nguồn nguyên liệu, tăng lượng rác thải và lãng phí lao động”. Từ lý do đó mà bạn Huỳnh Khải Dũng, SV năm 2 ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, đã đưa ra ý tưởng “Hiện đại hóa hệ thống xe buýt” bằng việc mỗi xe cần trang bị hệ thống bảng điện tử để biểu thị chiều chạy của xe, số lượng hành khách đang có nhằm phục vụ tốt hơn cho khách hàng.

Để thay thế dần vé giấy, Dũng đưa ra ý tưởng cần tiến đến hình thức mua vé qua điện thoại di động và trực tuyến qua một trang web. Mặc dù các giám khảo đưa ra nhiều dẫn chứng về ý thức người dân, cơ sở hạ tầng... khiến ý tưởng của Dũng khó có thể thực hiện được trong thực tế, nhưng mọi người đều đồng ý đây là một ý tưởng tốt.

Cải thiện chất lượng sống

Rn5S8m0T.jpgPhóng to

Nguyễn Minh Việt đi từ Quảng Ngãi vào TP để tìm cơ hội bày tỏ ý tưởng ngôi nhà xanh của mình - Ảnh: N.Nam

Bất ngờ nhất là khi mọi người chứng kiến bạn Nguyễn Minh Việt, học sinh lớp 12A1 Trường THPT Bình Sơn (Quảng Ngãi), vượt chặng đường gần 1.000km để trình bày ý tưởng “Xây dựng những ngôi nhà sinh học xanh”.

“Môi trường sống ngày một ô nhiễm, các bạn trẻ thiếu không gian xanh. Điều đó làm em nảy sinh ý tưởng này”. Đối tượng hưởng thụ trong “ngôi nhà sinh học xanh” mà Việt hướng đến là các bạn từ 5-15 tuổi, đang trong thời kỳ hình thành nhân cách và thích khám phá. Trong ngôi nhà mà Việt nghĩ đến sẽ có hai khu, một để chiếu phim khoa học môi trường (có thể chiếu những đoạn phim do chính các bạn trẻ ghi lại về môi trường sống quanh mình), một là khu vườn thực vật.

“Em thích một ngôi nhà xanh hơn một ngôi vườn xanh, vì ở đó tạo cảm giác ấm áp và đoàn kết”, Việt nói. Các thành viên trong “Ngôi nhà sinh học xanh” của Việt sẽ sinh hoạt theo quy chế của một câu lạc bộ, học cách chăm sóc vườn, đi dã ngoại và mỗi người là một tuyên truyền viên cho ngôi nhà của mình.

“Ngôi nhà tuy là sân chơi của các bạn trẻ nhưng vẫn luôn chào đón mọi người. Lực lượng điều hành chính là các anh chị sinh viên tình nguyện, các thầy cô giáo dạy môn sinh học - Việt nói - Đầu tiên chúng ta làm ở một quận, sau đó tạo hiệu ứng để nhân rộng ra, tổ chức ngày hội của những ngôi nhà xanh”. Khi ban giám khảo đặt câu hỏi đơn vị nào thích hợp để chuyển giao ý tưởng thì Việt trả lời ngay: “Việc này mang tính xã hội nhiều hơn, em sẽ giao cho các cấp huyện đoàn và thành đoàn”.

“Đa số ý tưởng đều đi thẳng vào thực tế, hướng đến giải quyết một vấn đề cụ thể. Thời gian sắp tới chúng tôi sẽ làm cầu nối để chuyển giao những ý tưởng này đến các cơ quan, doanh nghiệp” - anh Nguyễn Công Tĩnh, giám đốc Trung tâm Phát triển khoa học và công nghệ trẻ (Thành đoàn), khẳng định. Còn PGS.TS Đinh Xuân Thắng cảm nhận: “Nhiều bạn có ý tưởng đột phá, sáng tạo đầy chất trẻ”.

NGUYỄN NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên