1. Sáng chủ nhật 17-8 tại sân khấu Trần Cao Vân, Trần Quốc Toản anh dũng đánh trả quân thù trong tiếng trống trận hào hùng. Dưới khán phòng, những cậu bé, cô bé tuổi học trò cũng hừng hực khí thế, vỗ tay liên tục và reo hò cổ vũ. Đó là không khí của buổi diễn đầu tiên vở Trần Quốc Toản ra quân (hay Lá cờ thêu sáu chữ vàng) mở màn cho chùm kịch lịch sử dành cho thiếu nhi của sân khấu Idecaf.
Phóng to |
Cảnh trong vở Trần Quốc Toản ra quân - Ảnh: H.O. |
Với các bé, buổi sáng chủ nhật hôm ấy bỗng trở thành một ngày đến trường đặc biệt. Sân khấu trở thành lớp học và những gì diễn ra trên sàn diễn trở thành một bài học khó quên.
Trong khi đối với các bậc phụ huynh thì buổi sáng chủ nhật như vậy thật tiện lợi và an tâm, khi chỉ cần bỏ ra 40.000 đồng/vé là có thể đưa con ra khỏi thế giới của game online hay truyện tranh manga để đi xem một vở kịch ý nghĩa, bổ ích. Sau vở diễn, các bé tràn lên sân khấu để bắt tay, chụp hình cùng các nhân vật lịch sử.
Câu chuyện nước non lớn lao chưa bao giờ trở nên gần gũi và sinh động như vậy.
2. Đối với sân khấu Idecaf, đây là một “thử thách ngọt ngào” bởi sau 10 năm ấp ủ, cuối cùng họ cũng đã bước đầu thực hiện được ước mơ diễn kịch lịch sử cho trẻ em một cách bài bản, chuyên nghiệp và thường xuyên.
Dựng cho thiếu nhi xem nên các đạo diễn Vũ Minh và Đình Toàn thống nhất cách làm là: vừa phải về thời gian, kịch tính về diễn biến và hóm hỉnh trong các tình tiết. Quả thật, một vở diễn chỉ kéo dài từ 60-90 phút vừa đủ lâu để khán giả nhí tập trung chú ý.
Trong vở diễn Trần Quốc Toản ra quân, cái gốc của câu chuyện lịch sử được tôn trọng để làm nổi bật tinh thần yêu nước “Phá cường địch, báo hoàng ân”, nhưng đồng thời thiếu niên anh hùng Trần Quốc Toản cũng được khắc họa một cách đáng yêu với đầy đủ những tính cách của một cậu bé 16 tuổi. Điều này làm cho nhân vật trở nên gần gũi và nhẹ nhõm, không rao giảng lòng yêu nước một cách giáo điều cứng nhắc.
Những cảnh đánh giặc được dàn dựng hoành tráng, rộn ràng với hiệu ứng của cảnh trí, ánh sáng, âm thanh cùng màn đánh võ đẹp mắt của hơn 20 diễn viên, rõ ràng sẽ đi vào trí nhớ của các em một cách tự nhiên và ở lại đó lâu hơn là những bài học thuộc lòng trong sách.
3. Sau buổi diễn đầu tiên, ông bầu Huỳnh Anh Tuấn hồ hởi báo tin vở diễn này đã được Nhà thiếu nhi An Giang và Kiên Giang mời về diễn cho trẻ em ở đó xem vào ngày 30 và 31-8, sau khi đại diện của họ đã tận mắt xem Idecaf thực hiện ở Sài Gòn
Như vậy, Trần Quốc Toản sẽ được đi lưu diễn và trổ tài “bóp nát trái cam” ở miền Tây, báo hiệu một điềm lành rằng dự án này đang tìm được những tiếng nói chung đồng cảm. Điều này khiến toàn bộ êkip thực hiện vui như tết và reo hò phấn khích trong cánh gà.
Đối với các diễn viên trẻ được Idecaf tạo điều kiện xuất hiện trong dự án này, đây thật sự là một cơ hội quý để làm nghề và học nghề. Cứ mỗi sáng chủ nhật hằng tuần, họ sẽ đều đặn dậy sớm trang điểm, thay phục trang, nhẩm lại thoại và động tác sân khấu để chuẩn bị cho vai diễn của mình một cách nghiêm cẩn. Bởi họ hiểu rằng diễn kịch lịch sử mà sai một li thì chắc chắn sẽ đi ngàn dặm.
4. Sáng chủ nhật tới (ngày 24-8) sẽ là vở Thánh Gióng. Sau đó sẽ là Sơn Tinh - Thủy Tinh. Hai vở diễn Đinh Bộ Lĩnh và Hai Bà Trưng cũng đang được gấp rút dàn dựng để có thể ra mắt vào những buổi sáng chủ nhật “lịch sử” tiếp theo.
Bầu Tuấn hóm hỉnh bảo: “Chúng tôi phải làm kịch về Hai Bà Trưng sớm thôi, vì hôm trước có cô bé khán giả thắc mắc sao nước ta toàn là nam anh hùng mà không có nữ anh hùng!”. Vậy nên, bầu Tuấn đã hẹn gặp bé vào một buổi sáng chủ nhật nào đó sắp tới, để xem Hai Bà Trưng cưỡi voi đánh giặc oai hùng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận