05/09/2018 10:59 GMT+7

Sản xuất hoạt hình đừng mang tư duy cũ

PHAN THỊ MỸ HẠNH
PHAN THỊ MỸ HẠNH

TTO - LTS: Sau bài viết “Hoạt hình Việt Nam - Ao bèo và biển lớn” (Tuổi Trẻ ngày 4-9), bà Phan Thị Mỹ Hạnh - viện trưởng Viện Truyện tranh và hoạt hình - gửi đến Tuổi Trẻ một góc nhìn khác từ người dành nhiều tâm huyết cho lĩnh vực này lâu nay.

Sản xuất hoạt hình đừng mang tư duy cũ - Ảnh 1.

Cloud bread - một trong những bộ phim hoạt hình thành công của Hàn Quốc - Ảnh: AWN

Monta trong dải ngân hà kỳ cục do Hãng phim hoạt hình Việt Nam Vintata thuộc Tập đoàn Vingroup sản xuất không phát tín hiệu lập lòe mà chính là phát súng bắn tung lối mòn tư duy cũ về sản xuất hoạt hình.

Hoạt hình là màn trình diễn tổng hòa của cách kể chuyện, của âm nhạc, của sắc màu và lối diễn hoạt hành động phù hợp với tâm lý, tính cách của nhân vật trong câu chuyện (thường được thấy dưới hình thức các hình vẽ).

Hơn thế nữa, phía sau màn trình diễn ấy là một sự quản lý rất khoa học, chính sự quản lý này đã góp phần thành công không nhỏ cho sự tồn tại của bộ phim và hãng phim.

Không chỉ có một quy trình sản xuất

Dù những tập phim vừa công chiếu có thể vẫn còn chưa mãn nhãn trong mắt nhiều người nhưng quá trình phát triển và làm phim của Hãng Vintata có nhiều bài học đáng bàn để các bạn trẻ yêu ngành hoạt hình mơ ước sản xuất phim hoạt hình trong tương lai tự tin bước tiếp.

Đặc trưng hãng sản xuất phim hoạt hình Việt Nam là hãng phim do Chính phủ quản lý và bảo trợ, vậy nên phải theo quy định của Nhà nước. Hãng sản xuất phim hoạt hình Việt Nam săn tìm kịch bản chữ, chỉnh trang cho đúng format quy định, mang đi duyệt và được duyệt mới được cấp tiền sản xuất. 

Sau khi kịch bản được duyệt, hãng sẽ tiến hành các bước sản xuất như thiết kế nhân vật, thiết kế bối cảnh, vẽ storyboard... Quá trình hoàn tất phim thường khoảng 1 năm trước khi trình chiếu cho hội đồng duyệt phim.

Với quy trình sản xuất mà câu chuyện có trước như thế, các hãng phim nước ngoài thường dùng cho những phim hoạt hình điện ảnh chiếu rạp có kinh phí lớn. 

Điều quan trọng và khác biệt lớn là hội đồng sẽ tham gia góp ý ngay ở thời điểm vẽ beatboard (kể chuyện bằng hình), vì vậy các hãng hoạt hình nước ngoài không thể thiếu vị trí story artist - họa sĩ kể chuyện (lưu ý vẽ beatboard là khâu hoàn toàn khác với công đoạn vẽ storyboard). Hãng phim Pixar là hãng phim xem trọng nhất khâu vẽ beatboard này.

Còn có một quy trình sản xuất khác: nhân vật có trước. Giống như nhân vật chuột Mickey và Minnie (bạn gái của Mickey) của Hãng phim Disney được xây dựng trước, và câu chuyện được sáng tác sau đó.

Yếu tố con người

Trong điều kiện cụ thể của Việt Nam, việc xây dựng những studio hoạt hình tương đối lớn, đầu tư quy mô như Hãng phim Vintata quả thực không đơn giản. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể nghĩ đến những mô hình studio hoạt hình với quy mô nhỏ, chi phí thấp.

Về công cụ và phương tiện sản xuất thì ngành hoạt hình ngày nay đang có nhiều giải pháp khả thi. Trên thị trường hiện nay đã xuất hiện rất nhiều máy móc cũng như phần mềm phục vụ tốt cho toàn bộ quy trình sản xuất và dựng phim. Vấn đề còn lại, và quan trọng nhất, là yếu tố con người.

Với những studio sản xuất hoạt hình nhỏ, việc cá nhân phải thực hiện đồng thời nhiều công việc là nhu cầu tất yếu. Đôi khi chúng ta cho rằng việc phân công công việc rạch ròi cho các khâu trong quy trình là đương nhiên: người biên kịch chịu trách nhiệm lên ý tưởng và nội dung, người diễn hoạt sẽ lo việc tạo hình và diễn xuất... 

Trên thực tế, để một êkip sản xuất hoạt hình thực sự hiệu quả thì dù nhân sự chuyên trách nhiệm vụ gì (nhà sản xuất, đạo diễn, biên kịch, thiết kế, họa sĩ…) cũng cần nắm được hai kỹ năng tối quan trọng: kể chuyện và sử dụng hình ảnh.

Hoạt hình là thế giới của những câu chuyện được kể lại thông qua hình ảnh, nên những hãng hoạt hình lớn trên thế giới từ lâu đã định hướng cho các thành viên của mình trở thành những họa sĩ kể chuyện - story artist. 

Họ cùng nhau lên ý tưởng và "hình ảnh hóa" ý tưởng của mình thành hình vẽ ngay từ những giai đoạn sơ khai, trước khi chốt lại thành kịch bản văn bản và triển khai sản xuất các bước tiếp theo. Bên cạnh đó, với thế mạnh có sẵn là khả năng tư duy hình ảnh, đội ngũ các họa sĩ, thiết kế… của các xưởng phim phải cập nhật các phương pháp kể và dẫn dắt câu chuyện để có cái nhìn đồng điệu với những vị trí khác.

Sản xuất hoạt hình đừng mang tư duy cũ - Ảnh 2.

Coco, một trong những bộ phim hoạt hình được nhiều khán giả yêu thích gần đầy, đoạt giải Oscar 2018 - Ảnh: IMDb

Đa dạng hóa chuyên môn

Từ câu chuyện nhân sự làm nghề của các hãng lớn, chúng ta nên chăng có một cái nhìn khác về vấn đề chuyên môn hóa các khâu trong quá trình sản xuất hoạt hình. 

Chuyên môn sâu cho các khâu là cần thiết, nhưng với điều kiện con người hạn chế thì việc cá nhân đa nhiệm và hiểu biết công việc lẫn nhau (người viết biết vẽ, người vẽ biết viết) chắc chắn sẽ là một gợi ý tốt cho việc xây dựng một đội ngũ làm hoạt hình. 

Đa dạng hóa chuyên môn cũng là câu hỏi đặt ra cho những đơn vị đào tạo nghề hoạt hình của Việt Nam trong giai đoạn bùng nổ các ngành công nghiệp giải trí ngày nay.

Ngày nay, với sự nổi lên của các đài truyền hình số và các nhà cung cấp nội dung cho thiết bị di động, ngành hoạt hình được xem là ngành đang trên đà phát triển (ước tính doanh thu năm 2018 của thị trường toàn cầu là hơn 250 tỉ USD). 

Phim hoạt hình ngắn ngày càng đa dạng, có nhiều phim kinh phí rất thấp có khi chỉ 1 người thực hiện nhưng mang lại hiệu quả cao về mặt kinh tế. Rất nhiều họa sĩ chuyên nghiệp đưa ra lời khuyên cho các bạn yêu nghề hoạt hình muốn cống hiến hãy chọn nơi đây làm nơi bắt đầu, vừa luyện nghề vừa tự giới thiệu mình.

Dành kinh phí đầu tư cho phần chìm

Giám đốc Phi Anh của Vintata chia sẻ hãng đã nhận được sự hỗ trợ của nhà biên kịch kỳ cựu Mỹ Jeffrey Scotts - người từng viết rất nhiều kịch bản phim hoạt hình, với hi vọng nâng tầm kịch bản, để câu chuyện của Monta trở nên hài hước theo đúng ngôn ngữ quốc tế.

Cách làm này rất giống với kinh nghiệm thành công của các nhà sản xuất phim Hàn Quốc mà ông Park Hong Su - viện trưởng Viện Phát triển văn hóa thông tin Gangwon - đã chia sẻ tại lễ hội phim hoạt hình Việt Nam và Hàn Quốc vào năm 2014: "Bộ phim Bánh mì mây (Cloud bread) rất thành công ở Hàn Quốc. Sự thành công của Bánh mì mây có sự góp phần không nhỏ của việc mời một đạo diễn Hãng Walt Disney sang Hàn Quốc làm việc".

Để có những tư vấn hữu ích cho các bộ phim hoạt hình thiếu nhi, viện của ông đã mời giáo sư tâm lý của Mỹ sang Hàn Quốc làm việc cùng các họa sĩ và đạo diễn.

PHAN THỊ MỸ HẠNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên