Phóng to |
Rạp Công Nhân - "nhà hát" của Nhà hát Kịch TP.HCM - cũng treo đầy ảnh các danh hài để "đảm bảo doanh thu" như mọi tụ điểm tư nhân khác - Ảnh: T.T.D. |
Trường hợp éo le đó không chỉ diễn ra riêng với Nhà hát Nghệ thuật hát bội TP...
Từ ngoại hình đến nội lực
Sự kiện của Nhà hát Nghệ thuật hát bội khiến người ta giật mình nhận ra rằng TP.HCM không có những nhà hát đúng nghĩa cho các ngành sân khấu.
Vì nói đến nhà hát thì trước hết phải nói đến hình thức, tức cái “nhà”, rồi liền kề là nội dung, tức nội lực của nhà hát đó.
Thử nhìn lại xem nhà hát cải lương duy nhất của TP - Nhà hát Trần Hữu Trang - có cái nhà là rạp Hưng Đạo.
Nhưng cải tạo năm lần bảy lượt vẫn chỉ là cải tạo bề mặt bên ngoài: ghế, màn nhung, âm thanh ánh sáng mới.
Cái “cốt” thật sự của nhà hát thì đã cũ kỹ vài chục năm nay, lối đi dẫn ra hậu đài, phòng hóa trang... tất cả đã xuống cấp, tường nứt, mái dột, rò rỉ...
Hưng Đạo rõ ràng không thể gọi là nhà hát hiện đại đủ ứng dụng những phương tiện kỹ thuật cao phục vụ các kỹ xảo, thiết kế sân khấu hoành tráng, phức tạp cho yêu cầu về dàn dựng của những vở cải lương “hoàn toàn mới”.
Muốn làm những chương trình lớn, các diễn viên như Ngọc Huyền, Vũ Luân... đều phải thuê nhà hát Hòa Bình.
Nhà hát Kịch TP cũng có nhà: rạp Công Nhân, một rạp hát tối tăm, ẩm thấp, với toàn bộ phần trên không còn đảm bảo. Nhà vệ sinh cũ kỹ, hôi hám dù có được dọn sạch. Phòng hóa trang, thay đồ chật hẹp.
Rõ ràng đó không phải là nơi mà người ta mong muốn: chỉ bước vào thôi là cảm nhận ngay một không khí nghệ thuật cao cấp.
Chỉ có một nhà hát có nhà đúng nghĩa, dù... chót vót trên cao và chỉ là một căn phòng nhỏ cải tạo, căn nhà ấy hợp với tên gọi của: Nhà hát sân khấu nhỏ 5B.
Và đến bây giờ nếu có gì đáng bàn thì đấy không phải là “ngoại hình” mà là “nội lực” đã suy yếu rất nhiều của nhà hát này. Nhưng rõ ràng dù có đủ mạnh, một nhà hát sân khấu nhỏ không đủ đại diện cho nền kịch nghệ của một thành phố lớn.
Bấp bênh thuê mướn
Một thực tế khác: TP.HCM là nơi có nhiều sân khấu kịch nhất nước, nhưng nhìn lại thì đó toàn là nhà... đi thuê.
Dù khang trang hơn hẳn các nhà hát nhà nước vì được đầu tư của tư nhân, Phú Nhuận, Idecaf, Bình Thạnh, Trần Cao Vân, Nam Quang, 135 Hai Bà Trưng... là những sân khấu của các nhà văn hóa, không phải là những nhà hát chuyên dụng cho sân khấu.
Về nội dung, các nghệ sĩ quản lý các điểm diễn này đương nhiên cũng có khát vọng làm nghề, nhưng áp lực doanh thu quá lớn khiến họ buộc phải lựa chọn những kịch bản vui vui, ăn khách.
Hi hữu lắm mới có những tác phẩm thật sự. Rõ ràng sự nghiệp xây dựng và phát triển nghệ thuật sân khấu kịch không thể hoàn toàn phó thác vào tay những đơn vị tư nhân này với những khán phòng đi thuê bấp bênh như thế.
Ước mơ của một ông giám đốc
Giám đốc Nhà hát Kịch TP.HCM Trần Ngọc Giàu luôn nói tới mong muốn về một thánh đường kịch nói, nơi nhà hát sẽ cố gắng thể hiện những loại hình kịch sân khấu lớn, hoành tráng làm ngợp người xem ngay từ khi mới bước vào rạp.
Nhưng gần đây thì giọng nói của anh thất vọng thấy rõ: “Giá như Nhà nước bỏ tiền để mua tác phẩm cho công chúng, chấp nhận những vở thể nghiệm kén khán giả, để chúng tôi được rảnh tay chỉ tập trung cho sáng tạo, hơn là đặt cho chúng tôi áp lực vì sao tư nhân doanh thu được mà chúng tôi - được rót tiền - lại không doanh thu được. Nhà hát thuộc Nhà nước mà cũng chỉ chăm bẳm chạy theo thị trường thì lấy ai làm nghệ thuật?”.
Làm nghệ thuật mà không nhà, có nhà mà phải đi thuê hay nhà cũ kỹ ọp ẹp, hoặc có nhà mà nội lực yếu, có nhà - được rót tiền mà gặp quan niệm định hướng sai... thì chẳng phải TP.HCM vẫn chưa có những nhà hát sân khấu đúng nghĩa là gì?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận