30/07/2006 17:58 GMT+7

Sân khấu cải lương hôm nay: Vắng bóng danh hài

Theo Sài Gòn Giải Phóng
Theo Sài Gòn Giải Phóng

Các danh hài luôn có tầm ảnh hưởng không nhỏ vào sự thành bại của một vở diễn, một đoàn hát. Đó là chuyện của sân khấu cải lương hôm qua, còn các sàn diễn hôm nay thế nào?

wByHpDQn.jpgPhóng to
Hai nghệ sĩ hài Minh Nhí (bìa phải) và Thanh Hoài (thứ hai từ trái sang) trong vở cải lương Ngao, Sò, Ốc, Hến

Hơn 3 năm nay, UBND TPHCM đã có chủ trương nâng cấp nghệ thuật cải lương và thành lập Ban chỉ đạo nâng cấp. Bên cạnh đó, hàng năm, đều có lực lượng diễn viên trẻ được đào tạo cải lương khá bài bản tốt nghiệp ra trường.

Thế nhưng, đến nay tình hình vẫn chưa có nhiều chuyển biến đáng kể, chưa thể kéo khán giả đến rạp hát đông hơn, bởi cải lương đang thiếu những danh hài, điều mà khán giả rất cần!

Còn ai kế tục?

Sân khấu cải lương, một đặc trưng của văn hóa Nam bộ, có quá trình hơn 80 năm hình thành và phát triển, đã ghi dấu ấn, tên tuổi của rất nhiều danh hài (hề) như: Hề Minh, Văn Hường, Văn Chung, Tự Rợm, Trạng Hề (gồm hề Phúc Lai, Tư Vững, Ba Hội), Thanh Nam, Bảo Quốc, Trường Xuân, Kim Quang, Lê Sệ, Hiếu Liêm, Thanh Việt, Thanh Hoài, Bảo Chung, Vũ Đức…

Có thể nói, sau thế hệ nghệ sĩ hài Bảo Chung, Vũ Đức…, đến nay, các gương mặt diễn viên trẻ xuất hiện trên sân khấu cải lương và cả ở các mùa thi Giải Triển vọng Trần Hữu Trang cũng chỉ chuyên trị những vai đào kép (chánh, nhì…), hoàn toàn chưa thấy một gương mặt nào nổi lên với những vai hài.

Một khi lực lượng trẻ kế thừa lại thiếu vắng những gương mặt có thể đảm nhận những vai hài thì rõ ràng đây là một cái khó cho đạo diễn khi dàn dựng những vở cải lương có những vai diễn mang đậm dấu ấn của một danh hài.

Chẳng hạn như vừa qua, chương trình Nhà hát truyền hình của Đài Truyền hình Việt Nam đầu tư khôi phục lại vở cải lương vang bóng một thời Tìm lại cuộc đời (tác giả Hoàng Khâm – Điêu Huyền) do nữ đạo diễn Hoa Hạ dàn dựng, có vai Gian Thành Gião, một vai diễn mà danh hài Tư Rợm đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả mộ điệu, giờ tìm diễn viên trẻ thay thế, không phải là chuyện dễ.

BIbvNjBb.jpgPhóng to
Nghệ sĩ Hồng Nga (trái) rất có duyên hài trên sân khấu kịch và cải lương
Chẳng lẽ chọn các gương mặt trẻ lâu nay chỉ diễn kép sang diễn hài? Vậy là đạo diễn Hoa Hạ đành mời nghệ sĩ Trung Dân, người diễn khá có duyên với những vai nông dân vào vai diễn này.

Cũng tương tự như thế. Gần đây, Công ty Tổ chức biểu diễn nghệ thuật TPHCM dựng lại vở cải lương nổi tiếng Nửa đời hương phấn (tác giả Hà Triều – Hoa Phượng) do NSƯT Trần Minh Ngọc dàn dựng, có vai người cha đòi hỏi diễn viên đảm nhận phải có những nét duyên hài… Thế là, đạo diễn không có cách nào khác là mời nghệ sĩ Hữu Châu – người chuyên trị những vai ông lão rất có duyên trên sàn diễn kịch IDECAF vào vai diễn này.

Nói như thế, không có nghĩa là những diễn viên kịch nói khi “nhảy” sang diễn hài trên sân khấu cải lương là không thể diễn được, bởi mỗi một diễn viên đều có những cách chuyển tải “cái hồn” của nhân vật đến người xem khác nhau. Nhưng qua những trường hợp kể trên, cho thấy lực lượng diễn viên trẻ có khả năng đảm trách các vai hài trên sàn diễn cải lương đang… không có người kế thừa và là một thực tế rất đáng báo động cho các nhà tổ chức.

Tương lai, có nên mở lớp đào tạo?

Nhà giáo ưu tú Hà Quang Văn – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sân khấu – Điện ảnh TPHCM cho biết: “Từ trước đến nay, chúng ta chỉ đào tạo kiến thức cơ bản cho các diễn viên, rồi từ đó, các diễn viên sau khi tốt nghiệp ra trường thích ứng với loại vai diễn nào thì họ sẽ đi theo hướng đó.

Chuyện mở lớp đào tạo nghệ sĩ cải lương chuyên những vai hài trên sân khấu, tôi nghĩ không thể thực hiện được. Liệu sẽ có bao nhiêu em sẽ tham gia lớp đào tạo này? Vấn đề tuyển sinh viên cho nghệ thuật truyền thống dân tộc không phải dễ.

Ngay như mùa tuyển sinh năm nay, chỉ tiêu tuyển chọn sinh viên khoa cải lương là 20, nhưng chắc chắn năm nay chỉ tuyển được chừng 12, 13 em thôi”.

Nhạc công Hoàng Thành, người có thâm niên hơn 40 năm đi đánh đàn cho các đoàn hát cải lương thì khẳng định: “Mặc dù, xưa nay chúng ta chưa có trường lớp nào hướng dẫn, đào tạo nên một nghệ sĩ cải lương chuyên diễn hài. Nhưng trong thực tế hiện nay, cuộc sống năng động, người dân luôn bị áp lực công việc, họ muốn được xem cải lương… có nhiều đoạn vui giải trí hơn. Cho nên, nếu chúng ta có được những nghệ sĩ cải lương được đào tạo bài bản, chuyên về diễn hài, chắn chắn sẽ hay hơn”.

NSƯT - đạo diễn Trần Minh Ngọc - Phó Chủ tịch Hội Sân khấu TPHCM nhấn mạnh thêm: “Thực tế cho thấy chúng ta phải có những lớp đào tạo diễn viên hài cho sân khấu cải lương từ lâu, đến nay thì đã muộn rồi, nhưng nếu tương lai vẫn không có trường lớp đào tạo nữa thì e rằng chúng ta sẽ có lỗi với công chúng mộ điệu cải lương”.

Công chúng đang cần hiện nay là được xem những vở tuồng cải lương nhẹ nhàng, với những tình tiết vui tươi, ý nhị để giải trí. Đơn cử là vở cải lương Ngao, Sò, Ốc, Hến mà Sân khấu kịch Phú Nhuận đầu tư dàn dựng với sự góp mặt của các danh hài: NSƯT Bảo Quốc, Tiểu Bảo Quốc, Anh Vũ… rất được khán giả thích xem là thế.

Bên cạnh vấn đề đào tạo chưa được quan tâm, có một thực tế và cũng là nguyên nhân dẫn đến chuyện thiếu hụt những danh hài trên sân khấu cải lương. Đó là sân khấu cải lương đang thiếu đội ngũ tác giả có thể viết các kịch bản hay, có những nhân vật tạo tiếng cười thâm thúy, từ đó định hình nên một danh hài trên sàn diễn cải lương.

Chúng tôi cho rằng, khi diễn viên hài chưa có điều kiện đào tạo trường lớp, thì Hội SK TPHCM nên vào cuộc, thành lập câu lạc bộ để cải lương có được những diễn viên trẻ được đào tạo diễn hài hoặc được truyền nghề từ những nghệ sĩ hài đi trước (bên cạnh các đào, kép chính, độc).

Theo Sài Gòn Giải Phóng
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên