29/10/2004 23:34 GMT+7

Săn giáo trình

TRẦN HUỲNH - LÊ QUỲNH
TRẦN HUỲNH - LÊ QUỲNH

TT - Vừa nhập học vài hôm, cô bạn SV báo chí năm 1 Nguyễn Thị Hồng - ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (KHXH & NV) TP.HCM - khoe chúng tôi một chồng hơn 20 quyển sách, giáo trình và cho biết nguồn gốc: “Săn lùng hè phố, chủ động ngoại giao suốt mấy ngày mới có đấy”.

EqMEXojs.jpgPhóng to

Tân SV ĐH Kinh tế TP.HCM mua sách giáo trình giá rẻ từ Trung tâm Hỗ trợ SV của trường - Ảnh: Tr.H.

TT - Vừa nhập học vài hôm, cô bạn SV báo chí năm 1 Nguyễn Thị Hồng - ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (KHXH & NV) TP.HCM - khoe chúng tôi một chồng hơn 20 quyển sách, giáo trình và cho biết nguồn gốc: “Săn lùng hè phố, chủ động ngoại giao suốt mấy ngày mới có đấy”.

Chân ướt chân ráo làm “thợ săn”

Không như học sinh THPT chỉ cần một bộ sách giáo khoa là đủ cho cả năm học, đã là SV ai cũng muốn có thật nhiều sách để làm giàu vốn kiến thức của mình. Những ngày đầu năm học này họ lại sôi động với mùa “săn” sách, đặc biệt là các SV mới.

Cô bạn tân SV Hồng cũng thế. Mới vào trường nhưng Hồng đã “mò” đến lớp học của các khóa trước và quen được nhiều anh chị SV cũ. Trước để có thông tin, kinh nghiệm bổ ích về phương pháp học ĐH của người đi trước, sau là dễ dàng mượn được nhiều giáo trình. Một vài “đàn anh” trước “con bé” hiếu học đã hào phóng tặng luôn Hồng mấy tập sách đại cương mình học hồi năm trước...

Giáo trình và sách ở thư viện các trường ĐH hiện nay thường chỉ cung cấp những kiến thức căn bản, nhưng cũng rất thiếu. Để có sách học SV phải bỏ tiền mua, nhưng SV không phải ai cũng đủ tiền mua sách mới với giá thường rất cao nên mua sách cũ là “thượng sách”.

Bạn Quốc Huy (khoa Điện - Điện tử ĐH Bách khoa TP.HCM) may mắn có thói quen “săn” sách cũ từ thời phổ thông nên mới vào ĐH vài ngày, Huy đã đưa chúng tôi cả một bộ giáo trình đủ dùng suốt học kỳ I, hầu như chỉ toàn sách cũ và nói ngay kinh nghiệm “xương máu”: “Mua sách cũ cần biết trả giá, trả hoài cho tới khi không được nữa thì... lụm”, còn bí quyết thì “chê khéo cái bìa cũ, chữ in lem nhem, giấy xấu... để kéo giá xuống!”.

Chàng SV năm 1 ranh mãnh này bật mí: nếu kế tiệm sách lớn có một tiệm sách nhỏ, sang tiệm sách nhỏ thường mua được sách rẻ hơn giá bìa khoảng 30 - 40%...

Con đường “tơ lụa” của sách

hZnGpCnO.jpgPhóng to
Một điểm bán sách cũ trước Trường ĐHDL Văn Hiến có rất nhiều sách, giáo trình hay luôn thu hút đông đảo SV - Ảnh: Tr.H.

Nhiều ngành học mới, nhiều môn học hiện chưa có giáo trình, SV phải tự tìm từ nhiều nguồn, nhất là những giáo trình do giảng viên biên soạn, lưu hành nội bộ.

Và từ lâu, ở TP.HCM, SV vẫn coi các con đường chuyên bán sách cũ như Trần Huy Liệu (Q.Phú Nhuận), Nguyễn Thị Minh Khai (Q.3), Trần Nhân Tôn, Nguyễn Chí Thanh (Q.5), Điện Biên Phủ (Q.1), Nguyễn Thái Sơn (Q.Gò Vấp)... là “con đường tơ lụa” của sách giáo trình như thế... với giá thường rẻ hơn khoảng 30-50% so với sách mới.

Nhiều tiệm phân loại sách rõ ràng cũng giúp những ai đi mua sách cũ tìm kiếm đỡ mất thời gian và quan trọng nhất là tha hồ trả giá.

Điều lạ là Thủ Đức, nơi tập trung nhiều SV, vẫn chưa có một điểm bán sách chính thức nào cho họ. Vì thế, không lạ khi nhiều SV tất tả đi photo lại sách.

Tại một điểm photocopy nơi đây, bạn Bách Thảo, tân SV khoa kinh tế ĐH Nông lâm, cầm trên tay tập sách toán cao cấp C1 vừa photo xong còn nóng trang giấy cho biết: “Trường có bán sách photo nhưng đến trễ cũng không còn. Đành phải tự mượn sách để photo lại, tốn kém hơn nhiều”.

Có cầu là có cung, nhiều người dân ở khu vực này lên nội thành mua sách cũ về bán cho SV, đắt như tôm tươi, vừa mang về, SV “quét” một lèo là sạch. Vòng quanh khu vực làng ĐH Thủ Đức, chúng tôi gặp nhiều SV tại các tiệm sách cũ, đầu sách khá nhiều nhưng giáo trình học thì... trời ơi đất hỡi.

Tại ký túc xá (KTX) ĐH Nông lâm TP.HCM có vài điểm bán sách cũ di động trên các tấm bạt trải thẳng xuống đất, nhưng một SV lật tung cả “shop” sách vỉa hè này than: toàn sách tâm lý, tạp chí, báo, cũng có sách dạy chăn nuôi, thống kê... nhưng không thể làm tài liệu tham khảo được chứ đừng nói làm giáo trình học.

Mới đây, một số SV ĐH KHXH & NV năm 2, 3 “năng động” photo giáo trình đem xuống KTX của trường ở Thủ Đức bán cho tân SV năm 1, nhưng đã bị cấm vì không thông qua nhà trường.

Thật ra hỗ trợ giáo trình cho SV năm 1 lâu nay cũng là phong trào khá mạnh ở nhiều trường ĐH. Ở ĐH Y dược, tất cả khoa của ĐH Y dược TP.HCM mỗi đầu năm học đều tổ chức “kết nghĩa” với tân SV: SV khóa trước tặng sách, trao đổi kinh nghiệm học tập với tân SV.

Tại lễ kết nghĩa giữa tháng mười vừa qua, cầm hơn 10 quyển sách vừa được tặng, Kiều Diễm, lớp dược 2004, khá xúc động: “Được các anh chị SV cũ tặng sách mình rất lạ...”.

Ở ĐH KHTN TP.HCM, hai khoa hóa, sinh có “tủ sách luân chuyển” (sách chuyển cho SV, hết năm học lại cho SV khóa mới). Còn khoa Toán thì vận động SV bán, tặng lại giáo trình đã dùng rồi bán lại với giá rẻ (có cuốn chỉ 1.000 - 2.000 đồng).

Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, ĐH Luật TP.HCM tổ chức bán giáo trình giá rẻ cho SV (giảm 15% so với giá bìa).

Tất cả đã ít nhiều góp phần giảm căng thẳng cho những thợ “săn” SV, nhưng tại một tiệm sách cũ, một nhóm tân SV từ tỉnh lên TP thắc mắc: tại sao nhà trường, xã hội chưa có những ngày hội sách dành cho SV từ đầu năm học nhỉ? Có lẽ ý kiến đó bây giờ vẫn chưa quá muộn...

TRẦN HUỲNH - LÊ QUỲNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên