Phóng to |
Biểu tình phản đối cắt giảm ngân sách ở Brussels, Bỉ - nơi sẽ diễn ra hội nghị của các lãnh đạo châu Âu vào ngày 8 và 9-12 - Ảnh: Reuters |
Trên trang mạng chính thức, S&P tuyên bố đưa đánh giá nợ quốc gia dài hạn của 15 nước, bao gồm cả hai nền kinh tế lớn nhất khu vực là Đức và Pháp, vào danh sách theo dõi tín dụng với chiều hướng tiêu cực. S&P dọa sẽ hạ bậc những nước trong danh sách nếu các lãnh đạo châu Âu không sớm tìm ra giải pháp cho cuộc khủng hoảng tài chính.
“Chúng tôi tin rằng những căng thẳng có hệ thống tại khu vực đồng euro trong vài tuần gần đây đã tăng đến mức gây sức ép lên trạng thái tín dụng của cả khu vực” - S&P tuyên bố, và nhấn mạnh châu Âu không chỉ đối mặt với những vấn đề tài chính, tiền tệ mà còn cả về chính trị.
Nguy cơ hạ mức tín nhiệm hàng loạt
Theo báo Wall Street Journal, động thái của S&P đồng nghĩa với việc 15 nước châu Âu có 50% khả năng bị hạ bậc xếp loại trong vòng 90 ngày tới. Tuy nhiên, S&P cho biết họ sẽ đưa ra kết luận cuối cùng về đánh giá tín nhiệm sau hội nghị thượng đỉnh châu Âu dự kiến vào ngày 8 và 9-12 tại Brussels (Bỉ) để thảo luận việc siết chặt quy định về ngân sách.
Sáu nước hiện có mức tín nhiệm AAA gồm Đức, Pháp, Áo, Hà Lan, Phần Lan và Luxembourg có khả năng bị hạ một bậc, trong khi những nước còn lại có thể bị hạ đến hai bậc. Giới phân tích cho rằng việc Berlin xuất hiện trong danh sách của S&P cho thấy mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng. Thị trường tài chính châu Âu rớt giá ngày 6-12 với chỉ số FTSEurofirst 300 thấp hơn 0,7%, còn đồng euro giảm 0,4% xuống còn 1 euro ăn 1,3351 USD.
Báo Financial Times cho rằng sự đe dọa của S&P, được đưa ra trong thời điểm hết sức nhạy cảm của châu Âu, sẽ bị giới chính trị chỉ trích là “đổ thêm dầu vào lửa” để gây sức ép đối với các nhà lãnh đạo châu Âu trước hội nghị thượng đỉnh vào cuối tuần này. Bộ trưởng tài chính Pháp Jean - Claude Junker đã phản ứng quyết liệt khi tố cáo sự đe dọa của S&P là “phóng đại và quá lệch lạc”.
“Chuyện này chẳng khiến tôi ngạc nhiên là bao khi thông tin này từ trên trời rơi xuống trước hội nghị thượng đỉnh châu Âu. Đây chỉ có thể là một sự trùng hợp” - ông Junker nói thêm.
Thống đốc Ngân hàng Quốc gia Pháp Christian Noyer cho rằng sự đe dọa của S&P là “chẳng phù hợp tí nào” khi nó mang những động cơ chính trị hơn là kinh tế.
Tuy nhiên, một số ý kiến lại cho rằng cảnh báo của S&P chẳng gây nhiều ngạc nhiên và tranh cãi, bởi những vấn đề của khu vực này đang thật sự trở nên tồi tệ.
S&P nhận định lãi suất trái phiếu chính phủ leo thang, nợ công tiếp tục gia tăng đang góp phần làm tăng nguy cơ châu Âu sẽ rơi lại vào khủng hoảng trong năm 2012. Trong khi đó, chính phủ các nước vẫn bế tắc trong tìm kiếm giải pháp hiệu quả.
Đức, Pháp thúc đẩy thay đổi hiệp ước châu Âu
Tại Paris, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố sẽ cùng các thành viên của châu Âu đoàn kết và quyết tâm “thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết để ổn định khu vực đồng euro”. Cả hai cho biết sẽ “lưu ý” cảnh báo của S&P.
Sau cuộc họp ngày 5-12, ông Sarkozy và bà Merkel đã thống nhất sẽ đưa đề xuất thay đổi hiệp ước châu Âu nhằm siết chặt giám sát đối với những nước thành viên chi tiêu quá trớn ra thảo luận tại hội nghị cuối tuần này.
Theo AFP, đề xuất sẽ bao gồm cơ chế trừng phạt tự động đối với những thành viên Liên minh châu Âu (EU) có mức thâm hụt ngân sách vượt hơn GDP 3% và hình phạt chỉ được bãi bỏ khi được đa số nước thành viên EU chấp nhận. Đức và Pháp hi vọng kế hoạch sẽ được các nước châu Âu thông qua trước tháng 3-2012.
Dù vậy, giới phân tích cho rằng các biện pháp này vẫn không cho thấy rõ lộ trình khôi phục kinh tế của khu vực cũng như giảm chi phí hỗ trợ cho các nước gặp khó khăn về tài chính. Một số ý kiến lo ngại sự thay đổi và thực thi hiệp ước mới sẽ mất hàng tháng, thậm chí hàng năm, trong khi món nợ công khổng lồ vẫn còn đó và chực chờ đổ sập.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận