Fatima Saleem - nữ phóng viên thể thao hiếm hoi của Pakistan - Ảnh: ESPN |
Suốt những năm tháng đã qua, Fatima Saleem từng chứng kiến sự tàn phá của chiến tranh, bạo lực với đất nước Pakistan. Gần đây nhất là vụ bảy tay súng khủng bố tấn công trường quân sự ở tây bắc Pakistan, giết chết 150 người, trong đó hầu hết là học sinh.
Sự kiện chấn động đó đã khiến các bậc phụ huynh sợ hãi, không dám cho con tới trường. Nhưng Saleem bảo: “Dù thế nào chúng ta vẫn phải cho con đi học”. Cô muốn dùng thể thao để thuyết phục, thay đổi tâm tính và cả nỗi sợ hãi của những người xung quanh.
Sinh ra trong một gia đình có ba anh em trai và người cha là những tín đồ thể thao cuồng nhiệt, từ nhỏ Saleem đã yêu thích thể thao, thích xem cricket, bóng đá và khúc côn cầu trên cỏ với cả nhà. Cô cũng từng thi bơi khi còn nhỏ.
Tình yêu đó đã đưa cô trở thành người dẫn chương trình thể thao cho kênh truyền hình Geo News, là một trong những nữ phóng viên thể thao hiếm hoi tại địa phương.
Chuyện đi làm với Saleem khá bất ngờ. Cô nhớ lại: “Sau khi tốt nghiệp, tôi tới phỏng vấn xin việc tại bộ phận Geo English của Đài Geo News. Tôi nói với người phỏng vấn là tôi mơ ước được trở thành người đưa tin về các sự kiện thể thao. Thế là họ bảo: Tuyệt quá, microphone đây, ngày mai cô bắt đầu làm việc nhé!”.
Thế rồi cô được “quăng” ngay vào sân vận động để phỏng vấn những người hâm mộ (đều là đàn ông) về danh thủ cricket Shoaib Akhtar cùng những câu chuyện bên lề sân cỏ thú vị của anh ấy.
Mọi việc cứ thế tiếp diễn và rồi đài truyền hình lại muốn cô tham gia cùng dẫn chương trình cho mục tin tức thể thao. Sự kiện lớn nhất Saleem đưa tin gần đây là Olympic Bắc Kinh và Giải vô địch thế giới môn cricket năm 2009 (Pakistan là nước yêu thích môn cricket).
Thực tế Saleem cũng có đôi chút lo lắng khi trở thành nữ phóng viên thể thao. Tại Pakistan, người dân vẫn chưa quen mắt với các cô gái mặc áo khoác đồng phục và quần áo kiểu phương Tây đưa tin về thể thao.
Cô nói: “Thoạt đầu mọi người không chấp nhận. Họ xem thường tôi và tôi nhận được những tin nhắn xúc xiểm trên mạng xã hội”. Nhưng sau một thời gian kiên trì đương đầu với sức ép, cô bảo: “Cuối cùng họ đã phát chán với việc gửi phản hồi tiêu cực về tôi”.
Dù thành công trong nghề nghiệp, Saleem không quên thực tế tại nước cô phụ nữ vẫn chưa có nhiều cơ hội tiếp cận thể thao. Cô muốn làm gì đó để thay đổi nhận thức của mọi người về sự cần thiết và quan trọng của thể thao.
Nghĩ là làm, Tổ chức “Enter go girl Pakistan” do Saleem khởi xướng bắt đầu hoạt động từ tháng 2 năm ngoái dành cho các bé gái 5-12 tuổi. Các em được tạo không gian vui chơi thể thao an toàn, miễn phí tại các khóa đào tạo với sự hướng dẫn của các huấn luyện viên nữ chuyên nghiệp. Chương trình bắt đầu tại Karachi với khoảng 100 bé gái đầu tiên cùng kế hoạch mở rộng sang các thành phố khác.
Tuy nhiên, sau vụ tấn công ở Peshawar và hàng loạt vụ bạo lực xảy ra sau đó, dự án đã phải tạm ngưng theo yêu cầu của Chính phủ Pakistan để đảm bảo an toàn cho các em sau giờ học. Dù hơi buồn về việc này nhưng Saleem đã thấy tín hiệu vui từ những đứa trẻ ở quê nhà.
Ba tuần sau khi xảy ra vụ tấn công ở Peshawar, một số em bị thương còn đang băng bó nhưng vẫn trở lại trường học. Chúng rất quyết tâm, không để nỗi sợ hãi chiến thắng. Cô gọi đó là “hiệu ứng Malala”. Sau khi chứng kiến cô gái 17 tuổi Malala Yousafzai, một nạn nhân từng bị tấn công, vinh dự được trao tặng Giải Nobel hòa bình năm 2014, bọn trẻ đã được tiếp thêm sức mạnh.
"Cuối cùng thì họ đã phát chán với việc gửi phản hồi tiêu cực về tôi" - Fatima Saleem nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận