Số lượng việc làm, tiện nghi và tiện ích đô thị, dịch vụ công cộng TP chỉ là giới hạn, trong khi dòng người đổ về đô thị đa phần không có kỹ năng nghề nghiệp và nhà ở, làm nên những bế tắc của căn bệnh đô thị như bệnh đầu to hoặc phá vỡ cấu trúc do sức ép lên toàn TP.
Sai lầm quy hoạch và quản lý
![]() |
Có thể chỉ rõ căn bệnh của sự phá vỡ cấu trúc khung xương và huyết mạch Sài Gòn mang tính hệ thống: Khung cấu trúc của TP thường bao gồm các khu dân cư đô thị nằm ổn định xung quanh hệ thống trung tâm phục vụ công cộng các cấp của nó (hành chính - hành pháp, thương mại - dịch vụ đời sống, giáo dục - đào tạo, thể thao - giải trí, chăm sóc sức khỏe - nghỉ ngơi...).
Theo các dạng thức khác nhau, các cấu trúc dân cư - trung tâm được phân bố từ cấp đơn vị cơ sở, đến cấp quận, cấp TP một cách hợp lý, sống động. Huyết mạch của TP chính là khả năng liên kết bên trong cấu trúc và liên kết toàn bộ các cấu trúc đơn vị để trở thành cấu trúc toàn TP.
Ở Sài Gòn quá tải hiện nay, đang rất khó xác định cấu trúc và các tuyến liên kết. Các khu mới phát triển ở phía Tây, Tây Bắc lại càng khó khăn hơn bởi chưa hình thành đã biến đổi, chưa kịp biến đổi xong đã trở nên hỗn loạn. Có thể nhận thấy, Sài Gòn là TP cực lớn nhưng trung tâm TP lại đổ dồn vào quận 1 và một phần quận 3. Các hướng phát triển khác đều là các tuyến thương mại - dịch vụ tự phát bám theo tuyến giao thông chính của TP. Thậm chí sự xen kẽ dịch vụ cấp TP, quận và cơ sở trên toàn tuyến đang làm hạn chế các dòng hoạt động và nghẹt cứng trong các giờ cao điểm khi dân cư đồng thời “đi làm - về nhà”.
Việc không xác định được vị trí, cấp và bán kính phục vụ, dạng tổ chức không gian hoạt động của các trung tâm công cộng ở tất cả các hướng là một sai lầm quy hoạch và quản lý quy hoạch hiện nay. Chưa kể đến bài toán kinh tế đô thị cho riêng sự dịch chuyển hằng ngày của dân cư vốn luôn phải đi lại như con thoi xuyên qua TP, tạo nên sự hỗn loạn và lãng phí lớn.
Đầu bạch tuộc với các chi rời rạc
Mô hình hiện nay của TP có thể mô phỏng như đầu bạch tuộc và các chi dài ngoằng không có liên hệ nào khác là phải trở về đầu rồi mới đi sang chi khác.
Các tuyến liên kết bị đứt đoạn tại các mối nối giữa ngã tư này với ngã tư khác ở nội thành, giữa nội - ngoại thành, giữa vùng ven với đường liên tỉnh. Các tuyến liên kết được vạch ra trong quy hoạch nhưng khi thực hiện lại đứt đoạn như: tuyến phía Bắc: Bình Dương, Đồng Nai; tuyến Phía Nam: quận 7, Nhà Bè; tuyến phía Tây và phía Bắc: Hóc Môn, Củ Chi ... đều đang dang dở, không đồng đều trên toàn tuyến, lại vấp rất nhiều các nút cổ chai, khu dân cư lộn xộn tạo nên các nghẽn mạch từ nội ra ngoại thành.
Các đường vành đai đều chưa hoạch định xong. Đường vành đai là đường liên kết các hướng phát triển của TP. Với hình thái phát triển không gian phi tập trung và theo các trục giao thông lớn ở tất cả các hướng, có thể nói đường vành đai trong nội đô cho đến ngoại thành có vai trò cực kỳ quan trọng với Sài Gòn.
Vậy mà những tuyến vành đai này đều chưa hình thành với vai trò liên thông toàn cấu trúc đô thị. Đây cũng là câu trả lời cho nguyên nhân của sự ùn tắc giao thông trầm trọng thường xuyên xảy ra trong TP. (Từ Chợ Lớn đến khu trung tâm quận1,từtrung tâm ra sân bay Tân Sơn Nhất, từ trung tâm đi Tây Ninh, từ trung tâm ra Bến xe Miền Tây, từ trung tâm đi ra cầu Sài Gòn qua khu Bình Thạnh... Với các nút giao thông Hàng Xanh, Võ Thị Sáu, Phú Nhuận, Nguyễn Tri Phương - Lý Thái Tổ, ngã bảy Cộng Hòa, ngã tư Bảy Hiền, Bà Quẹo, Lý Thường Kiệt - 3 Tháng 2, Âu Cơ - Lạc Long Quân, vòng xoay Phú Lâm, cầu Chữ Y...).
Đường nội bộ thành trục giao thông!!!
Các liên kết đứt đoạn của các tuyến giao thông chính và hệ thống đường vành đai thực sự tạo nên sự biến dạng của các khu vực chức năng đã ổn định như các trung tâm cũ chẳng hạn. Tình trạng sử dụng các con phố vốn chỉ là đường nội bộ của khu vực, trở thành các giao thông chính của TP cũng như trở thành đường vành đai bất đắc dĩ, đã bóp méo mô hình vốn ổn định của Sài Gòn và cả mô hình tương lai của quy hoạch mới.
Chính vì vậy, không thể nhận dạng được cấu trúc chính của Sài Gòn hiện nay, nhưng lại nhận biết rất rõ căn bệnh đầu to - sự nở phình không bình thường của khu vực trung tâm cũ, khiến cho TP có trên 7 triệu dân này chỉ còn một trung tâm duy nhất được hình thành thời đô đốc - toàn quyền cho tới nay.
Giải pháp: Lập trung tâm mới, xác định vệ tinh
Rõ ràng tại thời điểm này, Sài Gòn đang mang trọng bệnh do sở hữu một hệ thống cấu trúc đô thị quá yếu, dang dở, bộc lộ sự khủng hoảng về mô hình phát triển. Điều này càng bất lợi hơn khi sức ép của đô thị hóa và sự phát triển kinh tế, đẩy nhanh sự phá sản của những quy hoạch thiếu tầm nhìn. Căn bệnh thực sự là sự non kém trong tầm nhìn và phương thức phát triển đô thị thích hợp với VN, đang cần đến một dạng phát triển san sẻ, đa đối tượng, đa lợi ích, trong một sự thống nhất, bền vững. Câu trả lời là phải hoàn chỉnh cấu trúc.
TP cần nhanh chóng thiết lập các trung tâm mới, để giải tỏa sức ép vào khu trung tâm cũ. Điều này sẽ thúc đẩy các nghiên cứu tìm ra các cực phát triển mới, tạo cho Sài Gòn sớm hình thành cấu trúc đa trung tâm và giảm sức ép cũng như lưu lượng giao thông vào khu vực trung tâm cũ. Ngoài ra, Sài Gòn cần xác định các TP vệ tinh trong tầm ảnh hưởng của mình, để trở thành TP trung tâm vùng.
Việc lựa chọn mô hình các khu trung tâm mới là việc làm cấp thiết. Hoạch định được các trung tâm tập trung là cơ hội để hình thành các tổ hợp công cộng có tiếng nói chủ thể, tạo cảnh quan hoàn chỉnh cho các cấu trúc thành phần và cấu trúc toàn TP.
Phát triển các khu vực dân cư mới phải tuân thủ quy hoạch không gian và chức năng chung toàn TP.
Chú trọng các không gian mở ở bất cứ cấu trúc nào của toàn TP: Hiện nay các khu đô thị mới luôn đưa các công trình cao tầng có hoạt động tần suất cao ra vùng biên để tận dụng các trục đường lớn và các cửa ngõ ra vào khu vực. Chúng như những bức tường chắn các không gian mở ở lõi và cắt vụn TP thành nhiều mảnh. Cần buộc các khu đô thị mới phải đưa không gian mở ra vùng biên, để liên kết trở thành không gian mở cấp TP bằng cảnh quan tự nhiên, cây xanh, mặt nước... Các không gian liên kết xanh này sẽ nối kết với hệ thống trung tâm phục vụ công cộng để trở thành cảnh quan hoàn chỉnh cho TP nhiệt đới mà Sài Gòn cần có.
Các tuyến liên kết như đường vành đai, trục giao thông chính cần được chú trọng tới khả năng lưu thông của chúng, chứ không phải khai thác tổ chức dịch vụ và thương mại.
Sài gòn cần thoát khỏi sự bế tắc của TP 7 triệu dân để trở thành một TP bền vững cho hàng chục triệu dân trong tương lai - TP thương mại, tài chính quốc tế.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận