Bìa cuốn Võ Văn Kiệt - Tiểu sử (trái) và cuốn Kiên Giang kháng chiến chống Pháp 1930-1945 - Ảnh: N.Triều |
Cuốn sách nói trên do Chương trình sưu tầm tài liệu, viết tiểu sử các đồng chí lãnh đạo tiền bối của Đảng và Cách mạng Việt Nam” tổ chức sưu tầm, biên soạn và Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia phát hành và đóng dấu “Kính biếu”.
Trích tư liệu sao không dẫn nguồn?
Công văn của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Kiên Giang nhận xét: “Đoạn tiểu sử của đồng chí Võ Văn Kiệt trong thời kỳ đồng chí hoạt động ở Rạch Giá, 1941 – 1949, có thể nói, các đồng chí gần như chép toàn văn nội dung trong tập sách Kiên Giang kháng chiến chống Pháp 1930-1945 (đưa vào in thành trên 50 trang sách trong tập tiểu sử này)”.
Đối chiếu giữa hai quyển sách, quả nhiên có nhiều trang, đoạn được “bê nguyên xi” từ cuốn Kiên Giang kháng chiến chống Pháp 1930-1945 do Ban chỉ đạo biên tập lịch sử Đảng tỉnh Kiên Giang in năm 1995.
Trong cuốn Võ Văn Kiệt - Tiểu sử, nội dung từ trang 84 đến trang 116 kể giai đoạn ông Võ Văn Kiệt tham gia lãnh đạo kháng chiến chống Pháp ở Rạch Giá (1945-1949) tương ứng với nội dung từ trang 65 đến trang 123 trong cuốn Kiên Giang kháng chiến chống Pháp 1930-1945.
Ông Diệp Hoàng Du - phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Kiên Giang và cũng chính là người biên soạn cuốn Kiên Giang kháng chiến chống Pháp 1930-1945 - kể cách đây vài năm, nhóm biên soạn cuốn Võ Văn Kiệt - Tiểu sử có đến làm việc, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Kiên Giang có cung cấp một số tài liệu, trong đó có cuốn Kiên Giang kháng chiến chống Pháp 1930-1945, rồi sau đó đoàn ra về.
“Ngày 5-1 vừa qua, chúng tôi mới nhận được cuốn Võ Văn Kiệt – Tiểu sử có đóng chữ kính biếu, lật ra đọc thì thấy chép y chang , thêm đầu thêm đuôi thành sai bét. Giở danh mục tài liệu tham khảo thì không có tên cuốn Kiên Giang kháng chiến chống Pháp 1930-1945, mà lại có tên hai cuốn lịch sử địa phương giai đoạn 1930-1945 và 1954-1975” – ông Du nói.
Thêm thắt, chế biến?
Theo ông Diệp Hoàng Du - phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Kiên Giang và cũng chính là người biên soạn cuốn Kiên Giang kháng chiến chống Pháp 1930-1945, điều đáng chú ý là rất nhiều chi tiết, sử liệu đã bị chỉnh sửa, thêm thắt một cách chủ quan dẫn đến sai lệch nghiêm trọng.
Đoạn nói về đại hội của Tỉnh ủy Rạch Giá năm 1947 (trang 90-91) trong cuốn Võ Văn Kiệt – Tiểu sử viết:
“Tỉnh ủy Rạch Giá đã tổ chức Đại hội, đề cử đồng chí Võ Văn Kiệt làm Bí thư Tỉnh ủy thay cho đồng chí Ngô Tám.
Lúc này, đồng chí Nguyễn Thành Nhơn đang giữ chức Chủ tịch Ủy ban kháng chiến - hành chính tỉnh Rạch Giá. Đại hội dự kiến sẽ bầu đồng chí Nguyễn Thành Nhơn tiếp tục làm Chủ tịch, còn đồng chí Võ Văn Kiệt làm Bí thư Tỉnh ủy…
Cuối cùng, Đại hội chấp nhận ý kiến của đồng chí Võ Văn Kiệt, thống nhất bầu đồng chí Nguyễn Thành Nhơn làm Bí thủ Tỉnh ủy, kiêm Chủ tịch Ủy ban kháng chiến - hành chính tỉnh, đồng chí Võ Văn Kiệt tiếp tục làm Phó Bí thư”.
Cuối trang ghi chú thích “Đồng chí Nguyễn Thành Nhơn tức Năm Nhơn, còn có tên là Nguyễn Hùng Sơn”.
Đây là một sai sót “động trời”, bởi ông Nguyễn Thành Nhơn và ông Nguyễn Hùng Sơn không phải là một người.
Ảnh chân dung hai ông Nguyễn Hùng Sơn và Nguyễn Thành Nhơn mà cuốn Võ Văn Kiệt - Tiểu sử chú thích là… một người! - N.Triều chụp lại từ tư liệu lịch sử Đảng bộ tỉnh Kiên Giang
Theo ông Diệp Hoàng Du, trong một cuộc họp Tỉnh ủy Rạch Giá lúc đó, ông Võ Văn Kiệt được đề cử làm Bí thư tỉnh ủy, nhưng ông Kiệt tự nhận khả năng còn hạn chế nên giới thiệu ông Nguyễn Hùng Sơn (phó bí thư) là Bí thư tỉnh ủy.
Hội nghị Tỉnh ủy (thời điểm đó không gọi là đại hội) đã nhất trí cử ông Nguyễn Hùng Sơn làm Bí thư tỉnh ủy. Còn ông Nguyễn Thành Nhơn đến tháng 9-1948 mới lên làm Bí thư tỉnh ủy thay ông Nguyễn Hùng Sơn.
“Con cháu ông Nguyễn Hùng Sơn còn sống tại TP.HCM, họ sẽ nghĩ sao nếu đọc được những trang sách này?” – ông Du bức xúc.
Ngoài ra, rất nhiều chi tiết về tên riêng, chức danh, địa danh trong lịch sử đã được những người biên soạn cuốn Võ Văn Kiệt – Tiểu sử tự ý sửa chữa dẫn đến sai lệch. Ví dụ: Quản Trọng Hoàng viết thành Quảng Trọng Hoàng, Nguyễn Văn Tiểng viết thành Nguyễn Văn Tiễn, Chủ tỉnh viết thành Chủ tịch tỉnh, Phó Sinh viết thành Phát Sinh, Xóm Rẫy viết thành xóm Bẩy...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận