![]() |
Bản dịch nào cũng có dòng chữ “Đã mua lại bản quyền dịch của nhà xuất bản Simon & Schuster” - Ảnh: QT |
Nhà xuất bản Simon & Schuster (Mỹ) vừa cấp bản quyền độc quyền xuất bản ấn bản tiếng Việt cho hai tựa sách How to win friends and influence people (dịch là Ðắc nhân tâm) và How to stop worrying and start living (Quẳng gánh lo đi và vui sống) của tác giả Dale Carnegie cho Công ty Văn hóa sáng tạo Trí Việt - First News.
Hôm qua (16-12), Trí Việt đã tổ chức họp báo công bố sự kiện này. Thế nhưng trên thị trường từ trước 1975 đến nay vẫn tràn ngập các bản dịch của hai quyển sách này, đặc biệt là bản dịch của học giả Nguyễn Hiến Lê.
Dịch giả Nguyễn Hiến Lê từng có bản quyền...
Trong buổi họp báo, ông Nguyễn Quyết Thắng (hoặc Nguyễn Q. Thắng), đại diện Công ty Thư Lâm, người được gia đình cố học giả Nguyễn Hiến Lê ủy quyền trong việc xuất bản, tái bản những tác phẩm của Nguyễn Hiến Lê, đã trưng ra một số đầu sách khác để chứng minh những ấn phẩm đó đã được mua bản quyền.
Đáng chú ý là ấn bản Quẳng gánh lo đi và vui sống của dịch giả P. Hiếu và Nguyễn Hiến Lê được nhà xuất bản P. Văn Tươi xuất bản vào năm 1954 lại có dòng chữ “Đã mua lại bản quyền dịch của nhà xuất bản Simon and Schuster... Cấm trích dịch và in trùng”. Và gần đây, đầu sách này được tái bản dưới sự liên kết xuất bản của Công ty Thư Lâm với một số nhà xuất bản: Văn hóa Thông tin, Hồng Đức, Tổng hợp TP.HCM... Trong đó, đầu sách Quẳng gánh lo đi và vui sống do Công ty Thư Lâm liên kết xuất bản với nhà xuất bản Văn hóa Thông tin vào quý I-2008 cũng có ghi “Đã mua lại bản quyền dịch của nhà xuất bản Simon & Schuster”.
Trả lời câu hỏi vậy có giấy tờ nào chứng minh bản quyền mà Công ty Thư Lâm đang có, ông Thắng cho rằng do chiến tranh, loạn lạc nên những giấy tờ chứng nhận đã mua bản quyền tác phẩm không còn giữ được!
Hay chỉ mình Trí Việt?
Trong văn bản trả lời Trí Việt về việc từ trước đến nay có nhượng quyền cho đơn vị nào khác dịch hai tác phẩm này tại Việt Nam hay không, ông Marcella Berger - Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc bản quyền Tập đoàn Xuất bản Simon & Schuster, cho rằng “Tập đoàn Simon & Schuster và các công ty trực thuộc từ trước đến nay đã không cấp quyền xuất bản các tác phẩm này cho bất cứ nhà xuất bản, cá nhân hay đối tác nào ở Việt Nam. Bản dịch tiếng Việt duy nhất được thực hiện bởi Trí Việt chính là ấn phẩm đã được chúng tôi chính thức cấp bản quyền và được sự đồng ý của gia đình Dale Carnegie”.
Tập đoàn này cũng chính là nhà xuất bản đầu tiên in và phát hành hai tác phẩm này từ lần xuất bản đầu tiên của Dale Carnegie và giữ quyền kiểm soát tất cả bản quyền dịch thuật liên quan trên toàn thế giới.
Ông Nguyễn Văn Phước cho rằng độc giả Việt Nam hơn 50 năm nay biết đến hai bản dịch Đắc nhân tâm, Quẳng gánh lo đi và vui sống thông qua bản dịch của học giả Nguyễn Hiến Lê. Hai tựa sách này đi vào lòng người nhờ công rất lớn của học giả này. Thế nhưng Trí Việt không ngần ngại khi mua bản quyền và phối hợp với Trường doanh nhân Đắc nhân tâm - đại diện chính thức của Tổ chức Dale Carnegie tại Việt Nam phát hành lại hai quyển sách bởi hai lý do: Thứ nhất, bản dịch của học giả Nguyễn Hiến Lê sử dụng câu từ cổ, dùng nhiều từ Hán Việt nên khó phù hợp với đối tượng độc giả trẻ ngày nay muốn đơn giản, ngắn gọn. Thứ hai, bản dịch mà Trí Việt xuất bản hiện là bản sách được cập nhật nhất (năm 2005) bởi con gái và vợ của Dale Carnegie chứ không phải như ấn bản cũ xuất bản năm 1936 (ấn bản cố học giả Nguyễn Hiến Lê đã dịch).
Bản quyền: Miếng mồi ngon cho in lậu
Thế nhưng sau khi đã xuất bản hai tác phẩm đã mua bản quyền, nhiều vấn đề pháp lý được đặt ra. Đơn vị mua bản quyền phải làm sao nếu hai tác phẩm này vẫn tiếp tục được các nhà xuất bản khác liên kết với Công ty Thư Lâm đại diện cho học giả Nguyễn Hiến Lê để in? Việc Trí Việt mua bản quyền ấn bản cập nhật nhưng vẫn sử dụng lại hai tựa sách cũ liệu có phù hợp với bản quyền của dịch giả Nguyễn Hiến Lê?
Ông Nguyễn Văn Phước cho rằng “Nếu cơ quan chức năng không quan tâm đúng mức, những đơn vị mua bản quyền sách đàng hoàng lại là miếng mồi ngon cho những lò in lậu”. Dù Trí Việt có nắm trong tay khẳng định của Tập đoàn Xuất bản Simon & Schuster rằng “Những ấn bản tiếng Việt hiện đang lưu hành ở Việt Nam chắc chắn không được cấp bản quyền bởi Simon & Schuster, dù là dịch từ nguyên tác tiếng Anh, tiếng Pháp hoặc bất kỳ ngôn ngữ nào khác cũng đều bất hợp pháp và vi phạm luật bản quyền sở hữu trí tuệ” thì Trí Việt cũng lực bất tòng tâm trước các “đầu nậu” sách lậu. Và đành nhường lại như là “Việc của các cơ quan chức năng xem xét việc cấp phép tái bản, xuất bản hai ấn phẩm đó chứ không phải thẩm quyền của Trí Việt” - ông Phước nhấn mạnh.
Ông Phước cho biết hiện luật sư bản quyền của Trí Việt đang nghiên cứu về vấn đề khi sử dụng từ của dịch giả cũ thì vấn đề bản quyền sẽ được xem xét như thế nào.
Ai là người được ủy quyền các ấn phẩm của cố học giả Nguyễn Hiến Lê? Trong buổi họp báo, ông Phạm Sĩ Sáu, Trưởng ban Khai thác đề tài và giao dịch tác quyền của nhà xuất bản Trẻ, cho rằng việc ai là người được ủy quyền trong việc xuất bản, tái bản những tác phẩm của cố học giả Nguyễn Hiến Lê vẫn còn chưa rõ ràng. Trước đây, nhà xuất bản Trẻ thường tìm hiểu bản quyền tác phẩm của cố học giả Nguyễn Hiến Lê qua ông Lê Ngộ Châu. Và theo lời ông Châu thì vẫn chưa xác định được ai là người được ủy quyền. Bởi cố học giả Nguyễn Hiến Lê chỉ nhờ ông Lê Ngộ Châu và ông Nguyễn Quyết Thắng giữ sách và giao dịch giùm. Hiện nhà xuất bản Trẻ đang tiếp tục tìm kiếm địa chỉ của con trai cố học giả Nguyễn Hiến Lê tại Pháp để tìm hiểu thêm. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận