Đông đảo thanh thiếu nhi tham gia tọa đàm ‘Viết sách cho thiếu nhi’ - Ảnh: PHƯƠNG NAM
Viết sách cho thiếu nhi là hoạt động nằm trong khuôn khổ Hội sách thiếu nhi TP.HCM lần 2 năm 2020 với sự tham gia trò chuyện của các diễn giả nhà văn Văn Thành Lê, nhà thơ Phong Việt, nhà phê bình Bùi Thanh Truyền và nhà báo Phương Huyền.
Tọa đàm đưa ra, sách viết cho thiếu nhi phải có câu chuyện ‘đánh động’, kích hoạt cho người đọc không thể không đọc bởi vì câu chyện, thông điệp mang tính người quá đẹp.
"Trong tất cả các tác phẩm, độc giả nhớ là nhớ câu chuyện mang tính người trong tác phẩm đó, chứ không phải nhớ mạch văn, nhớ hình thức. Bởi vì nó hấp dẫn người ta đến mức nó lấy được nước mắt người đọc", ông Lê Hoàng - giám đốc công ty Đường sách TP.HCM - chia sẻ.
Ông Lê Hoàng cho biết thêm: "Để viết sách cho thiếu nhi thành công thì chúng ta phải viết câu chuyện là những thông điệp đánh động một cách mạnh mẽ, kích hoạt mãnh liệt người đọc về tính người sâu sắc. Không phải các cháu xem internet rồi thờ ơ với sách đâu, phải chăng chúng ta làm chưa tới?"
Ông Lê Hoàng - giám đốc công ty Đường sách TP.HCM (bìa phải) - Ảnh: PHƯƠNG NAM
Ngoài mạch văn tươi sáng, hài hòa, hình thức bắt mắt, chia thành nhiều tập nhỏ dễ đọc, tạo sự tương tác giữa người đọc, tác giả và nhà xuất bản thì nội dung câu chuyện mang tính quyết định.
"Tôi nghĩ câu chuyện phải thật, lạ, vui (dù là câu chuyện bi thảm đi nữa nhưng tình tiết phải vui vì dành cho trẻ con) và phải xúc động. Trẻ con đọc mà rơm rớm nước mắt thì lúc đó tác giả mới bắt đầu thành công.
Bên cạnh những câu chuyện thì chúng ta phải chắc ra những chi tiết đắt giá, không bao giờ làm người đọc quên. Đó là yếu tố quyết định cho sự thành công của người viết", ông Lê Hoàng nhấn mạnh.
Có thể nói thị trường sách dành cho thiếu nhi hiện nay rất sôi động, đa dạng thể loại mang đến nhiều lựa chọn cho các em và phụ huynh. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng sách thiếu nhi Việt chưa thật sự bắt mắt, cuốn hút các em và giá sách cũng còn khá cao.
Theo nhà văn Văn Thành Lê, ngoài việc đáp ứng nhu cầu độc giả nhí tại TP.HCM, các nhà xuất bản sách mong muốn đưa sách đến với nhiều trẻ em vùng sâu vùng xa nên cần có sự dung hòa giữa kỹ thuật trình bày và giá sách.
Theo chị Bùi Nguyễn Bích Thi, giảng viên ĐH Sư phạm TP.HCM, giáo viên phải là người yêu sách dành cho thiếu nhi hoặc là ba mẹ, từ đó lan tỏa tinh thần đọc sách ở mọi nơi, từ gia đình đến nhà trường.
Người lớn chính là gương đọc sách, thậm chí trong mỗi lớp học, giáo viên có một tủ sách dành cho các con và tủ sách đó do các em và phụ huynh mang sách đóng góp thỉ những quyển sách đó là quyển sách phụ huynh đọc qua rồi cảm thấy phù hợp, có như thế mới kích thích trẻ thích đọc sách.
Thời gian qua, đã có nhiều cuộc vận động sáng tác sách cho thiếu nhi nhưng chưa hiệu quả. Nhiều sách người lớn cho rằng hay nhưng trẻ không đọc. Vấn đề đặt ra là sách có đáp ứng đúng nhu cầu đọc của trẻ hay chưa?
"Trẻ con rất cần những sách về kỹ năng sống, về lẽ sống, sách văn học, để mở rộng tâm hồn. Tuy nhiên sách dành cho đối tượng học sinh cấp 1, cấp 2 rất ít", bà Quách Thu Nguyệt - phó giám đốc công ty Đường sách TP.HCM - cho biết.
Nhiều ý kiến bày tỏ, qua tọa đàm này, mong rằng các nhà văn, nhà thơ vẫn tiếp tục nuôi dưỡng niềm đam mê viết sách dành cho thiếu nhi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận