30/11/2004 16:28 GMT+7

Sắc xuân gửi lại - bi kịch tình yêu…

HẠ UYÊN
HẠ UYÊN

TTO - Tiếp theo sự ra mắt khá ấn tượng bằng vở cải lương Cung đàn nào cho em, chương trình Thắp sáng niềm tin của các Huy chương Vàng Triển vọng Trần Hữu Trang tại rạp Hưng Đạo vừa giới thiệu vở thứ hai: Sắc xuân gửi lại.

Sắc xuân gửi lại - bi kịch tình yêu…

J0bW9JnS.jpgPhóng to
Tiểu thư Hạ Lan (Thy Trang) cũng bị tể tướng cha mình (Hữu Quốc) ép học thổi sáo để cướp ngôi hoàng hậu - Ảnh: T.T.D
TTO - Tiếp theo sự ra mắt khá ấn tượng bằng vở cải lương Cung đàn nào cho em, chương trình Thắp sáng niềm tin của các Huy chương Vàng Triển vọng Trần Hữu Trang tại rạp Hưng Đạo vừa giới thiệu vở thứ hai: Sắc xuân gửi lại.

Một vở hương xa màu sắc với dàn diễn viên trẻ đồng đều: Trọng Phúc, Thọai Mỹ, Tú Sương, Mỹ Hằng, Thy Trang, Hữu Quốc, Minh Hòang, tác giả-đạo diễn Nguyễn thị Minh Ngọc, chuyển thể Hòang Song Việt.

Bi kịch dựa trên một truyện cổ tích Tây Ban Nha, kể rằng công chúa Tuyết Mai bị nữ hoàng mẹ mình ép gả cho thái tử nước láng giềng, mưu đồ dùng nàng thống trị cả hai nước sau này. Nhưng công chúa vốn ngây thơ không màng danh vọng cũng chẳng biết khôn khéo cư xử, yêu say đắm thái tử ngay từ lần gặp đầu tiên cho đến khi đã mấy mặt con, và ghen tuông ngay cả với các nàng hầu, khiến cho chàng ngày càng mệt mỏi.

Quân vương bắt đầu tìm đến những bóng hồng khác, trong đó có nàng ca kỹ Thủy Cúc trí tuệ tuyệt vời, và say đắm đến mức phế truất ngôi hoàng hậu của Tuyết Mai dâng cho Thủy Cúc, không mảy may ngờ rằng Thủy Cúc chính là công chúa Ngự Cơ, giọt máu còn lại của triều đại trước mà cha chú chàng đã tuyệt diệt để soán ngôi. Tuyết Mai nén cơn đau đớn tìm cách giúp quân vương nhận ra sai lầm, nhưng đã muộn…

Có lẽ, nếu căn cứ vào cái tên kịch bản thì khó mà phân biệt đâu là “sắc xuân gửi lại”, nhưng qua diễn xuất của cả một dàn diễn viên trẻ xinh đẹp, phơi phới thì sắc xuân ấy chính là sự thanh xuân của họ dành tặng cho khán giả. Phục trang lộng lẫy, những Tuyết Mai, Hạ Lan, Thủy Cúc và cả hoàng tử Thanh Trúc làm thành bộ tứ rực rỡ khoe sắc so tài.

Thoại Mỹ trong vai Tuyết Mai lột tả hết vẻ ngây thơ, sống bằng cảm tính, chối từ thủ đọan, chối từ cả các mánh lới để chèo kéo buộc lấy người yêu. Cô cũng diễn ra vẻ tuyệt vọng của người phụ nữ cảm tính này: chính vì cảm tính mà nàng gần như điên lọan vì ghen. Hơi thái quá và bất ngờ một chút, đoạn Tuyết Mai trong trang phục nữ hoàng đòi vào đối thoại với chồng và tình địch để giúp chàng nhận ra chân tướng kẻ thù: có vẻ như cô đã thay đổi, đã “bản lĩnh” hơn lên. Nhưng hình ảnh của cô lúc ấy lại cho thấy nhân vật đang bước qua một giai đọan khác của bi kịch: có hay ho gì khi người ta bắt đầu biết toan tính, và phải bằng toan tính mới giành được tình yêu?

Nghĩ cho cùng, Tuyết Mai bi kịch vì cô sinh ra trong chốn quyền hành, nơi khó lòng dung chứa tình yêu đơn thuần, lý tưởng.

Làn hơi hơi đuối một chút, nhưng Thủy Cúc là vai bộc lộ hết vẻ đẹp rực rỡ và khả năng diễn xuất của Tú Sương. Ngược với Tuyết Mai, Thủy Cúc là người phụ nữ trí tuệ tuyệt vời, thông thạo cầm kỳ thi họa và có thể là bạn tri âm, thậm chí, là quân sư cho quốc vương khiến chàng không chỉ yêu mà còn phục. Chính vì hiểu biết, Thủy Cúc buộc phải trả thù quân vương nhưng đã yêu chàng thật lòng, vì nhận ra chàng là một đấng minh quân.

Thân phận nàng cho thấy một dạng bi kịch không khác lắm với Tuyết Mai: trong vòng xoay quyền lực, không có chỗ cho sự rung động.

Nhơn Hậu trong vai học sĩ Thường Liên là một vai có đất diễn, bởi tình yêu éo le đặt nhầm chỗ của nàng với tên quan tể tướng nước láng giềng đầy mưu mô. Chỉ tiếc là nhân vật đã không được giải quyết đến nơi đến chốn.

Cũng vậy, nhân vật Hạ Lan của Thy Trang được xây dựng dường như trùng lắp với Tuyết Mai, còn nhân vật của Minh Hoàng, Tấn Giao mờ nhạt, riêng Mỹ Hằng lần đầu vào vai độc, cũng là một khác lạ, nhưng đôi khi cô diễn bị “ô vơ”, và diễn ngoại hình, mà chưa đi vào nội tâm nhân vật, là những đáng tiếc.

Nhưng bù lại, sự xuất hiện lộng lẫy, xinh đẹp của họ bên nhau trong một tích tuồng mới dường như đem lại sự thích thú cho khán giả cải lương vốn lâu nay đã “bị” xem quá lâu những món cũ.

Thêm vào đó, vở còn bổ sung sự hấp dẫn bằng cảnh trí rực rỡ miêu tả xuân-hạ-thu-đông với mai-lan-cúc-trúc (tên các nhân vật), và đặc biệt là màn chiếu bối cảnh thật trên nền phông trắng khá đẹp mắt, tất cả làm nên sự hấp dẫn của vở cải lương rực rỡ này.

Và việc dám chọn một bi kịch để dựng, diễn cũng biểu lộ sự can đảm của nhóm làm chương trình; tuy nhiên, đến với Thắp sáng niềm tin - chương trình của những người trẻ, năng động, người xem vẫn mong đợi những tích tuồng đi gần với cuộc sống hôm nay với những ý tưởng mạnh mẽ, phong cách dựng diễn hiện đại hơn.

HẠ UYÊN

HẠ UYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên