![]() |
Đào bới khắp núi rừng để mong tìm những viên đá đổi đời - Ảnh: THÀNH NGUYỄN |
Kỳ 1: Vào hầm tử thần
Canh bạc khốc liệt
Ông D. sống bằng nghề làm rẫy đắp đổi qua ngày, nhưng khi vùng núi Đá Bàn bắt đầu đông người từ các nơi đổ về thì ông chuyển sang “nghề” khui hầm đá kiếm cơ hội lên đời. Tôi tìm đến thôn Liêm Thái, xã Hồng Liêm gặp ông hỏi chuyện đá quí vì mấy tháng qua người ta đồn ông “trúng hầm nên không đi đào bới nữa”.
Thật không may, khi tôi đến là lúc ông đang chuẩn bị đồ đạc đi TP.HCM thăm nuôi đứa con trai bị sụp hầm chấn thương cột sống. Ông nói: “Như vậy là may lắm rồi, bởi có mấy ai thoát được cái chết khi sập hầm bao giờ! Thằng con bị thương nặng nên tôi bỏ hầm, có trúng được viên đá nào đâu chú ơi!”.
Là một tay đào, mót đá thâm niên nhất vùng này, cho nên đối với Khả, người nào giàu, kẻ nào trắng tay, ai chết mất xác, ai nằm liệt giường... từ nghề đá saphia, Khả đều biết. Căn nhà tranh vách đất Khả đang sống ọp ẹp như số phận của chủ nhân nó. Khả ốm nhom, da đen nhẻm, gương mặt hốc hác, vàng bệch..., đó là hậu quả của những năm tháng bám đất, đội nắng, làm việc kham khổ nhưng ăn uống thất thường, thiếu thốn.
“Chiến đấu” với hầm đá từ những ngày đầu nổ bãi, “thành quả” mà Khả thu được trong canh bạc saphia là “hai lần bị đá đè, gãy chân; một lần đất lở che kín miệng hầm nhưng may mắn sống sót”. Khả cay đắng: “Đào saphia cứ như đánh bạc. Canh bạc đặc biệt. Trúng lên hương, thê lương nếu bại”.
Không kể nhiều về những thân phận thê lương ở nơi này, Khả đưa tôi đến những hầm đá sâu hun hút. Tại một hầm khoảng 10m2 đã bị sụp lở, Khả chỉ tay, giọng trầm ngâm: “Hầm này là nấm mồ của anh em thằng Bình ở Bà Rịa - Vũng Tàu. Vì ham đá, tụi nó móc sái rỗng cả chân nên hầm sụp. Thằng Bình xuống mò xác em, hầm sập một lần nữa và chịu chung số phận. Gia đình đưa giá cao thuê người mò xác nhưng chẳng ai dám liều. Hằng năm, gia đình vẫn ra đây làm giỗ cho anh em Bình”. Ở những miệng hầm hoang vu gần đó, vẫn còn những chân nhang bạc màu. Khả nói run run: “Thằng Ngà, thằng Kính... cũng nằm lại nơi này”.
![]() |
Những đứa trẻ bé xíu bị cuốn vào cơn lốc tìm đá quí chốn rừng thiêng nước độc - Ảnh: T.NGUYỄN |
Cách trụ sở UBND xã Hồng Liêm khoảng 500m là nhà B., chỉ mới 30 tuổi mà B. đã nằm một chỗ từ hơn ba năm qua. Bà Sáu, mẹ B., nhìn con tàn tạ như một cái xác khô nói trong nước mắt: “Nó là lao động chính của gia đình, sụp hầm tưởng chết, may mà anh em xuống moi kéo lên được. Mấy đứa em nó cũng nghỉ học để vào bãi mót đá chứ nắng hạn vầy, có đồng ruộng nào đâu mà đi gặt thuê, cấy mướn”.
Trường hợp đau lòng nhất là anh Lê Văn M.. Chị Hạnh, vợ anh, sụt sùi: “Hầm sụp, ảnh liệt cả người và do điều kiện chăm sóc kém nên cơ thể bị thối rữa, lở lói đến tận xương. Ảnh đã hai lần tự tử vì không muốn làm khổ vợ con. Một lần treo cổ, một lần định nhảy xuống giếng không thành, nhưng rồi cũng ra đi”.
Tay trắng vẫn trắng tay
Qua tìm hiểu, tôi biết một sự thật đau lòng hơn: nhiều người làm việc dưới những hầm đá phải đi vay mượn tiền triệu để thực hiện giấc mơ đổi đời, và người “trúng” lại là những chủ bạc vay nặng lãi. Anh Tư N., một thợ đào hầm “thâm niên”, cho biết: “Đánh một hầm mình không chỉ bỏ công sức mà còn phải chạy tiền vật tư, xăng dầu. Tụi tôi phải vay tiền của cò, số tiền không nhiều, chỉ vài triệu nhưng có người phải trả hàng chục, hàng trăm triệu”.
Các chủ bạc đều phân chia địa giới theo kiểu lãnh địa, như bãi Dầu có chủ bạc N., còn chủ bạc K. làm trùm bãi Nháp... Các ông chủ cai quản lãnh địa của mình rất kỹ, nhất cử nhất động nào của con nợ khó có thể qua mắt cò. Con nợ khi trúng được viên đá nào là không thể thoát khỏi tay họ và không thể bán ra bên ngoài. Thế giới những ông chủ bạc nơi này như những chiếc vòi bạch tuộc...
Tư N. sau hai lần khui hầm thất bại đã vay chủ bạc B. 1 triệu đồng mua gạo và các nhu yếu phẩm cần thiết để tiếp tục hành trình săn đá quí. Đợt khui thứ ba, Tư N. trúng được vài viên đá. Chủ bạc B. biết ngay và tìm đến yêu cầu N. “gả” đá cấn nợ. Ngậm đắng nuốt cay, Tư N. trao bốn viên đá, chủ bạc kêu giá 4 triệu, trừ nợ, lãi suất 50%, Tư N. chỉ được nhận tiền mặt 2 triệu. Nhưng ít ai biết Tư N. đã ém lại một viên, đến hai tháng sau mới dám lén lút mang viên đá ra Phan Thiết bán cho một tiệm vàng!
Tại lán trại dã chiến ở bãi Nháp, ngoài Khả, tôi còn gặp những thợ tầm đá đang lâm cảnh khốn cùng như Ti Mun, Sáu Phệ, Mười Bé... Họ đang cay đắng bán đi những vật dụng cuối cùng mà họ từng quyết chí tích góp để xây ngôi nhà ước mơ, làm đám cưới, làm đôi bông tặng bà xã... để dốc vào canh bạc saphia. Sáu Phệ tặc lưỡi: “15 năm bám đá, tay trắng vẫn hoàn trắng tay”.
Nhiều gia đình vì giấc mơ saphia đã bán nhà, bán đất đưa vợ con vào cả trong núi Đá Bàn, đau lòng nhất là những đứa trẻ bị cuốn theo cơn lốc đá đã phải thành người thất học, bệnh tật. Tại bãi Đá Đen (thôn Liêm Thái, xã Hồng Liêm), trong căn nhà tranh tre, vách đất rệu rã xiêu vẹo theo từng cơn gió, chị Mai Thị Ne đau xót nhìn ba đứa con trai tóc vàng khét nắng đang moi sái tìm đá mà gạt nước mắt thở dài: “Thằng Hậu hồi đó đang học lớp 8, thằng Trường học lớp 6 năm nào cũng có giấy khen. Do đeo đuổi tìm đá quí nên ổng cho cả đám trẻ nghỉ học vào đây cùng móc sái, móc đá. Bao nhiêu năm rồi có thấy đổi đời gì đâu, mà mấy đứa trẻ đã trở nên dốt, không biết rồi tương lai của chúng sẽ ra sao đây”.
Ở vùng núi Đá Bàn, màu của những viên đá saphia nếu tìm được cũng không lung linh, huyền ảo như trong các tiệm vàng, cửa hàng đá quí, mà là màu của nước mắt và máu...
Đón đọc hồ sơ khởi đăng số tới: Không thể chuộc lỗi “Tôi bị một giấc mơ về quá khứ hành hạ dai dẳng. Đúng hơn, đó là một cơn ác mộng. Cảnh tượng hàng chục em bé bị hành quyết ấy mãi mãi in sâu trong tâm khảm tôi. Khi cháu bé cuối cùng lặng lẽ lìa đời, tôi tự nghĩ là sẽ không thể nào chuộc hết tội lỗi cho hành động vô nhân đạo này...” - Allen Hassan - bác sĩ tình nguyện người Mỹ trong chiến tranh VN - viết như vậy trong cuốn hồi ký của ông mới xuất bản. Một sự thật chưa từng được tiết lộ, một cuộc chiến tranh khốc liệt trong mắt một người Mỹ đứng giữa chiến tranh. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận